Các thị trường toàn cầu lao đao khi đà tăng trưởng của Trung Quốc gây thất vọng

Cuộc phục hồi kinh tế kém sôi động của Trung Quốc và việc Bắc Kinh không muốn tung ra các biện pháp kích thích lớn đang gây tác động lan tỏa lên toàn thế giới, đè nặng lên giá hàng hóa và làm suy yếu thị trường chứng khoán.

Khung cảnh thủ đô Bắc Kinh vào ngày 21/1/2023. (Ảnh: AFP). 

Không như kỳ vọng

Các nhà đầu tư toàn cầu đang phải điều chỉnh lại kỳ vọng quá tích cực của mình cho nền kinh tế thứ hai thế giới. Giờ đây, ngày càng có nhiều người lo ngại rằng cuộc phục hồi hậu đại dịch của Trung Quốc đã mất đà.

Dữ liệu gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ gần với mục tiêu chính thức của Bắc Kinh là 5%, trái ngược với các ước tính lạc quan hơn của giới chuyên gia hồi đầu năm nay.

Những con số này cũng cho thấy một cuộc phục hồi không đồng đều khi dịch vụ tiêu dùng đang bứt phá còn hoạt động công nghiệp thì bị bỏ xa phía sau.

 

Ông Chaohui Guo, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư China International Capital, cho biết: “Mọi người đang hạ bớt kỳ vọng về cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc”.

Tờ Bloomberg cho biết chỉ số CSI 300 đã mất một nửa mức tăng từ tháng 11 năm ngoái, khi giới đầu tư đua nhau xuống tiền dựa trên niềm lạc quan từ việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế.

Trong khi đó, tỷ giá nhân dân tệ đã vượt quá mốc 7 nhân dân tệ/USD, phát đi tín hiệu rằng nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Trên thị trường bất động sản, doanh số đang chậm lại sau giai đoạn phục hồi ban đầu. Rắc rối tài chính dai dẳng của các nhà phát triển bất động sản vẫn chưa được giải quyết, cản đường các dự án mới. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng bị kìm hãm bởi khối nợ lớn của các chính quyền địa phương.

Lo âu 

Hoạt động xây dựng đáng thất vọng đang đè nặng lên nhiều thị trường hàng hóa. Đồng - kim loại được coi là phong vũ biểu cho sức khỏe của nền kinh tế - đã giảm xuống dưới mức 8.000 USD/tấn.

Quặng sắt rơi xuống mốc 100 USD/tấn, xóa sổ toàn bộ mức tăng thu được sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách Zero COVID vào cuối năm ngoái.

Trung Quốc là nước mua các mặt hàng như đồng và dầu thô lớn nhất trên thế giới. Thị trường thép khổng lồ của nước này chiếm tới hơn một nửa nhu cầu quặng sắt toàn cầu.

Giá dầu khởi sắc sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các hạn chế di chuyển, phản ánh cuộc phục hồi do lĩnh vực dịch vụ dẫn dắt.

Nhưng những sản phẩm năng lượng khác gắn liền với hoạt động công nghiệp thì không trải qua diễn biến tương tự. Giá than sụt 18% so với đầu năm. Nguyên nhân một phần do nhu cầu sa sút của Mỹ và châu Âu đã đè nặng lên hoạt động xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Trung Quốc.

Ông Neil Beveridge, nhà phân tích cấp cao tại Sanford C. Bernstein, cho hay: “Rất nhiều người từng kỳ vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.

Nhưng giờ những gì chúng ta chứng kiến lại là một cuộc phục hồi khá yếu ớt, xét về mặt sản lượng công nghiệp. Tiêu dùng nội địa chưa thực sự hồi sức còn xuất khẩu thì lại trở thành rắc rối”.

 

Nỗi lo về tăng trưởng của Trung Quốc đã góp phần gây ra cuộc bán tháo đối với cổ phiếu hàng xa xỉ ở châu Âu, bao gồm LVMH và Kering, chủ sở hữu Gucci. Khoảng 60 tỷ USD vốn hóa của các cổ phiếu trong lĩnh vực này đã bị xóa sổ chỉ trong hai ngày trong tuần này. Giới đầu tư quốc tế cũng đang bán ra cổ phiếu Trung Quốc đại lục, có ngày dòng tiền ra lên đến hơn 1 tỷ USD.

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, cho biết: “Kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng mạnh như kỳ vọng của mọi người”. Cụ thể, các nhà quan sát đã quá lạc quan về chi tiêu của hộ gia đình. Bà nói thêm: “Tại Trung Quốc, người dân đã tiết kiệm nhiều hơn vì lo ngại về tương lai, và nỗi sợ đó vẫn chưa biến mất”.

Đà tăng trưởng yếu của Trung Quốc đã làm dấy lên những lời kêu gọi về kích thích tài khóa và tiền tệ. Nhưng bà Garcia Herrero đánh giá rằng nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ nghĩ về lâu dài và từ chối bổ sung bất kỳ biện pháp kích thích tài khóa quy mô lớn nào trong năm nay để tiết kiệm “hỏa lực” cho năm tới.

Thêm nữa, mức nền GDP thấp hồi quý II năm ngoái do đợt phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải sẽ có lợi cho số liệu tăng trưởng quý II năm nay, làm giảm sự cần thiết cho sự can thiệp từ Bắc Kinh.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cũng có cùng dự đoán với bà Garcia Herrero. Họ viết trong lưu ý tuần trước: “Chúng tôi không kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ tung ra gói kích thích lớn, bởi tốc độ tăng trưởng GDP 5% vẫn đang nằm gọn trong tầm tay của Trung Quốc”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-thi-truong-toan-cau-lao-dao-khi-da-tang-truong-cua-trung-quoc-gay-that-vong-202352517181349.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/