Các startup sữa nhân tạo được rót hơn nửa tỷ USD để khởi nghiệp

Một công ty khởi nghiệp về công nghệ thực phẩm tại Mỹ đã điều chế thành công sữa nhân tạo có thể dùng để chế biến pho mát và sữa chua. Giờ đây, người ăn chay sẽ có thêm nhiều lựa chọn cho thực đơn của mình bên cạnh sữa đậu nành và yến mạch.

Làm thế nào để sản xuất sữa mà không cần nuôi bò? - Ảnh 1.

Ngày nay, sữa nhân tạo có thể dùng để làm nên pho mát và sữa chua. (Ảnh: Perfect Day).

Theo CNN, Ryan Pandya, nhà đồng sáng lập công ty khởi nghiệp về công nghệ thực phẩm Perfect Day có trụ sở tại California (Mỹ) đã sử dụng nấm để tạo ra loại protein tương tự như dưỡng chất có trong sữa bò. Nó có thể được sử dụng để chế biến các sản phẩm từ sữa như pho mát và sữa chua.

Theo Pandya, "Chúng tôi luôn nỗ lực để tìm ra đáp án cho câu hỏi trong sữa có gì và tại sao sữa động vật lại chứa hàm lượng dinh dưỡng vượt trội so với các loại sữa có nguồn gốc từ thực vật?"

Vì lý do đó, Perfect Day đã tập hợp gen mã hóa whey protein (hỗn hợp các protein có trong sữa và cụ thể là sữa bò) để đưa vào một loại nấm. Từ đó, whey protein sẽ được tạo ra sau quá trình nấm lên men. Tiếp đến, nó sẽ trải qua giai đoạn lọc, sấy khô thành dạng bột và sử dụng để chế biến pho mát và kem.

"Loại sữa này được tạo ra vì những người vẫn yêu thích sữa nhưng vẫn muốn bảo vệ môi trường và động vật", Pandya chia sẻ.

Mặc dù sữa của Perfect Day không chứa lactose, hormone hoặc cholesterol nhưng đây vẫn không phải là một sản phẩm thích hợp cho người bị dị ứng sữa. Tuy nhiên, nó được xem là "sữa bò dành cho người ăn chay" nhờ vào quy trình sản xuất phi động vật.

Pandya cho biết, hiệu quả sản xuất được cải thiện đáng kể khi việc chăn nuôi được loại bỏ. Đây là một mô hình thân thiện với môi trường và giảm đến 97% lượng khí nhà kính so với cách làm truyền thống.

Làm thế nào để sản xuất sữa mà không cần nuôi bò? - Ảnh 2.

Sản phẩm kem Brave Robot được chế biến từ sữa nhân tạo của Perfect Day. (Ảnh: Instagram/Brave Robot).

Vào năm 2020, Perfect Day đã ra mắt sản phẩm kem Brave Robot cùng với sự hợp tác của The Urgent Company và các hãng kem như N! Ck's và Graeter. Sản phẩm của họ hiện đã có mặt tại 5.000 cửa hàng trên khắp nước Mỹ.

Hồng Kông là điểm đến đầu tiên trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế của Perfect Day. Sữa nhân tạo của họ có hương vị vô cùng tự nhiên. Không chứa vị dừa, chuối hoặc các mùi vị thường có trong những loại sữa thay thế khác. Theo đó, sản phẩm tiếp theo - pho mát kem sẽ được ra mắt vào cuối năm 2021.

Chiếm 300/590 triệu USD tổng vốn đầu tư của ngành

Làm thế nào để sản xuất sữa mà không cần nuôi bò? - Ảnh 3.

Hai nhà sáng lập Perfect Day, Ryan Pandya (trái) và Perumal Gandhi (phải). (Ảnh: Perfect Day).

Perfect Day không phải là công ty duy nhất trong ngành sản xuất sữa nhân tạo. Họ đang đối mặt với sự cạnh tranh của hai cái tên khởi nghiệp khác là New Culture và TurtleTree Labs. Trong khi New Culture chế tạo pho mát thì TurtleTree Labsđang tạo ra sữa mẹ từ các tế bào được nuôi cấy.

Theo số liệu của Good Food Institute, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ sự phát triển cho các sản phẩm từ protein thay thế, Perfect Day đã nhận được 300 triệu USD trên tổng 590 triệu USD vốn đầu tư của ngành vào năm 2020.

Theo đó, trong năm ngoái, sữa thực vật chiếm 15% doanh số bán sữa tại Mỹ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Song, vẫn có những thách thức mà các công ty phải vượt qua. Họ cần điều chỉnh giá cả để phù hợp với ví tiền của người tiêu dùng và nhận được sự phê duyệt của các cơ quan quản lý.

Mới đây, Perfect Day đã thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển tại Singapore và nhận được hậu thuẫn từ chính phủ. Điều đó chứng minh cho sức hấp dẫn của lĩnh vực này đối với các quốc gia trên thế giới.

Pandya cho biết công ty đang chờ đợi sự chấp thuận của cơ quan quản lý tại Canada, Ấn Độ và Châu Âu, cũng như không ngừng tìm kiếm các đối tác trong ngành: "Chúng tôi đang phát triển và hướng đến mục tiêu xanh. Và để đạt được điều đó, chúng tôi cần sự đồng hành của bạn".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-startup-sua-nhan-tao-duoc-rot-hon-nua-ty-usd-de-khoi-nghiep-20210813141414514.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/