Các điều kiện tài chính nới lỏng bất chấp lãi suất tăng: Fed lo sợ nhưng thị trường có lý giải khác

Theo Bloomberg, thị trường tin rằng việc các điều kiện tài chính nới lỏng là dấu hiệu cho thấy chiến dịch tăng lãi suất của Fed đã phát huy tác dụng và lạm phát đang hạ nhiệt. Tuy nhiên, Fed lại không nghĩ như vậy.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo sau kỳ họp chính sách tháng 12/2022. (Ảnh: Getty Images).

Lịch sử lặp lại

Khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất từ giữa năm 2004 đến giữa năm 2006, Chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ khi đó là ông Alan Greenspan thường than thở về một câu hỏi hóc búa mà ông và các đồng nghiệp phải đối mặt.

Vấn đề đặt ra là cho dù Fed có tăng lãi suất bao nhiêu lần, các điều kiện tài chính vẫn sẽ nới lỏng, chủ yếu được thể hiện bằng việc lợi suất trái phiếu dài hạn xuống thấp hơn. Trong giai đoạn đó, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 17 lần.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng Fed đã hiểu sai. Các nhà hoạch định chính sách nghĩ rằng việc các điều kiện tài chính nới lỏng là dấu hiệu cho thấy thị trường không tin vào quyết tâm kiềm chế lạm phát của họ.

Trong khi thực tế thì ngược lại. Nhà đầu tư đẩy lợi suất trái phiếu dài hạn xuống thấp và kéo giá cổ phiếu lên cao vì họ tin rằng Fed sẽ kiểm soát được lạm phát, Bloomberg nhấn mạnh.

Lịch sử có thể đang lặp lại, làm tăng khả năng ngân hàng trung ương Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức và gây ra những thiệt hại không đáng có cho nền kinh tế.

Trong biên bản cuộc họp tháng 12/2022, Fed cho biết các quan chức đã thảo luận về việc các điều kiện tài chính nới lỏng kể từ đầu tháng 11. Xu hướng này rõ ràng là rất đáng lo ngại, một số người mô tả diễn biến này là “không chính đáng”.

Các thành viên của Uỷ ban Thị trưởng Mở Liên bang (FOMC) lưu ý các chính sách tiền tệ chủ yếu tác động vào nền kinh tế thông qua thị trường tài chính.

Do đó, sự nới lỏng không phù hợp của các điều kiện tài chính, đặc biệt là nếu điều này được thúc đẩy bởi nhận thức sai lệch của công chúng về phản ứng của Fed, sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực khôi phục sự ổn định giá cả của ủy ban.

 

Trước thời điểm Fed tổ chức cuộc họp cuối cùng của năm 2022, thị trường đã bàn luận nhiều về khả năng ngân hàng trung ương Mỹ “xoay trục” khỏi chính sách diều hâu, khi ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.

Fed nhiều khả năng sẽ không thay đổi lập trường trong tương lai gần. Biên bản cuộc họp cho thấy Fed đã cân nhắc một cách nghiêm túc nhận định của thị trường và nhanh chóng muốn chấm dứt những đồn đoán như vậy.

Song, có vẻ Fed đang bỏ qua những dấu hiệu giảm phát vừa chớm nở trong nền kinh tế, Bloomberg lưu ý. Giá xăng dầu đã quay đầu giảm giúp kiềm chế chi phí nhiên liệu nói chung.

Giá thuê căn hộ đã chững lại đáng kể và giá xe cũ cũng giảm. Chuỗi cung ứng đang tiếp tục phục hồi, cho phép hàng hoá lưu thông tự do hơn trong nền kinh tế, Bloomberg liệt kê.

Hãng tin này cho rằng Fed nên nghĩ đến một hướng lý giải khác. Đó là việc các điều kiện tài chính nới lỏng, dẫn đến lợi suất trái phiếu dài hạn xuống thấp hơn và đồng USD sụt giá, có thể đang phản ánh góc nhìn khác của thị trường.

Góc nhìn của thị trường

Các nhà đầu tư có thể đang cho rằng Fed đã thắt chặt chính sách quá tay và chắc chắn sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Biên bản cuộc họp tháng 12 cho thấy ngay cả một số quan chức Fed cũng đang có cùng nhận định.

“Các thành viên uỷ ban nhận thấy rằng kể từ cuộc họp tháng 11, các điều kiện tài chính đã nới lỏng, kỳ vọng của thị trường về lãi suất quỹ liên bang sau năm 2023 và lợi suất trái phiếu dài hạn đều đi xuống đáng kể.

Một số thành viên nhận xét rằng cơ cấu lợi suất danh nghĩa hiện tại, với lợi suất trái phiếu dài hạn thấp hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn, thường xuất hiện trước các cuộc suy thoái. Do đó, chúng tôi cần phải tiếp tục theo dõi điểm này.

Tuy nhiên, một vài quan chức cũng lưu ý rằng sự đảo ngược hiện tại của đường cong lợi suất có thể phản ánh phần nào rằng nhà đầu tư dự đoán lãi suất chính sách danh nghĩa sẽ giảm do lạm phát hạ nhiệt theo thời gian”.

Nhìn chung, Bloomberg cho rằng “sự suy giảm của lạm phát” có thể là lời giải thích hợp lý nhất cho sự nới lỏng của các điều kiện tài chính. Do đó, các nhà hoạch định chính sách nên vui mừng hơn là lo lắng vào thời điểm này.

 

 

Các điều kiện tài chính nới lỏng bất chấp lãi suất tăng: Fed lo sợ nhưng thị trường có lý giải khác

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-dieu-kien-tai-chinh-noi-long-bat-chap-lai-suat-tang-fed-lo-so-nhung-thi-truong-co-ly-giai-khac-202316164745686.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/