Bloomberg: Trung Quốc muốn đàm phán thêm vòng nữa trước khi kí thỏa thuận, Mỹ dọa đánh thuế vào tháng 12

Bộ trưởng Tài chính Mỹ mới đây cho biết nếu Trung Quốc và Mỹ không thể sớm chính thức kí kết một thỏa thuận thương mại thì Mỹ sẽ đánh thuế 15% lên 160 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ tháng 12 tới như kế hoạch.

Trump Liu He Getty 11/10

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chuyển thư của Chủ tịch Tập Cận Bình cho Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/10. Ảnh: Getty Images.

Cuối tuần trước 11/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất giai đoạn đầu của một "thỏa thuận thương mại to lớn" về các vấn đề như sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính, Trung Quốc đồng ý mua 40-50 tỉ USD nông sản Mỹ để đổi lại Mỹ không tăng thuế lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc từ ngày 15/10 như kế hoạch.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin có mặt cùng lúc cũng khẳng định sẽ không tăng thuế từ 25% lên 30% vào ngày 15/10 tới như dự tính ban đầu. Tuy vậy, kế hoạch áp thuế 15% lên 160 tỉ USD hàng Trung Quốc vào ngày 15/12 thì vẫn còn "treo lơ lửng" trên đầu thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Thông báo này của ông Trump còn khiến giới phân tích nghi ngờ bởi chưa hề có văn kiện chính thức nào được kí kết, tất cả đều chỉ dựa trên cái bắt tay giữa ông Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

Hôm 14/10, Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết Trung Quốc muốn tổ chức thêm các cuộc đàm phán để có thể xác định rõ từng chi tiết của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà ông Trump công bố sơ bộ tuần trước.

Cũng theo nguồn tin này, chính quyền Bắc Kinh có thể lại cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc làm trưởng đoàn đàm phán để thảo luận với phía Mỹ về từng điều khoản cụ thể của thỏa thuận.

CNBC cũng dẫn nguồn tin riêng của mình cho hay "nhiều khả năng" Mỹ và Trung Quốc sẽ cần có thêm một cuộc đàm phán nữa để hoàn thiện thỏa thuận trước khi kí kết. Hiện chưa rõ cuộc đàm phán này sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh hay Washington DC, trong hai lần đàm phán gần đây nhất các quan chức Trung Quốc đều bay tới Mỹ.

Hôm 11/10 Tổng thống Trump cũng nói thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có thể cần 3, 4 hoặc 5 tuần để hoàn thiện trước khi kí kết.

Tháng 11 tới, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ được tổ chức tại Chile, cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều sẽ tham dự và do vậy có thể chính thức kí thỏa thuận thương mại tại đây.

Một nguồn tin khác của Bloomberg cho biết Trung Quốc còn muốn ông Trump bỏ luôn kế hoạch đánh thuế vào tháng 12.

Ngay tại buổi công bố kết quả đàm phán cuối tuần trước, các quan chức Mỹ đã khẳng định phía Mỹ mới chỉ đồng ý không tăng thuế vào tháng 10, còn kế hoạch đánh thuế vào tháng 12 vẫn đang được giữ nguyên.

Ngày 14/10, trả lời hãng tin CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói: "Tôi kì vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại, nếu không, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng thuế quan bổ sung vào tháng 12 sẽ có hiệu lực".

Bộ Thương mại Trung Quốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg về khả năng tổ chức đàm phán thêm.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng ngày 14/10 tái khẳng định rằng cả hai bên đều đã đạt được nhiều tiến bộ và cho biết ông hi vọng "Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc để gặp nhau ở giữa con đường".

Nghi ngại còn nhiều

Trung Quốc hiện nay rất cảnh giác với các thông báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Niềm tin giữa hai bên bị xói mòn nghiêm trọng vào tháng 5/2018 khi ông Trump chấm dứt một thỏa thuận để buộc Trung Quốc mua thêm nông sản và năng lượng từ Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại.

Tháng 8 năm nay, ông Trump càng khiến lòng tin giữa hai bên đi xuống khi ông tuyên bố quan chức cấp cao của Trung Quốc đã gọi điện giữa đêm khuya và đề nghị phía Mỹ quay lại bàn đàm phán. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì khẳng định mình không biết có quan chức cấp cao nào đã gọi điện cho phía Mỹ, ông Trump cũng không đưa ra một cái tên cụ thể để dễ dàng xác minh.

Ở chiều ngược lại, có lẽ ông Trump cũng không tin tưởng nhiều vào lời hứa của Trung Quốc. Chính ông từng nhiều lần cáo buộc phía Trung Quốc không mua nông sản từ Mỹ như từng cam kết.

Kế hoạch Trung Quốc mua 40-50 tỉ USD nông sản Mỹ công bố hồi tuần trước cũng khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi vì con số này quá lớn, gấp 5 lần giá trị nông sản Trung Quốc nhập từ Mỹ năm 2018 và gấp hơn 2 lần năm 2017.

agri

Giá trị xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc. Nguồn số liệu: Bộ Nông nghiệp Mỹ/Bloomberg.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 đăng tweet khẳng định Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh mua nông sản Mỹ, không cần đợi đến khi thỏa thuận giai đoạn 1 được hoàn thiện và kí kết.

Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về thời gian biểu, giá cả, loại nông sản mà Trung Quốc đang và sẽ mua.

Trao đổi với Reuters, một nông dân Mỹ tỏ ra thận trọng "Chúng tôi phải thấy hàng của mình được chất lên tàu và chở đi thì mới yên tâm".

Nhà kinh tế học Bill Lapp – Chủ tịch Công ty tư vấn Advanced Economic Solutions tỏ ra nghi ngờ: "Chúng ta đều đã trông thấy những con số 'khủng' thế này trước đây, và chúng không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực".

Lãnh đạo Hội Nông dân Ủng hộ Thương mại Tự do cũng cho rằng: "Lời hứa mua nông sản là tin đáng mừng nhưng những chi tiết về thời gian biểu, giá cả, loại hàng hóa và nhiều vấn đề khác cần được trả lời cụ thể".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bloomberg-trung-quoc-muon-dam-phan-them-vong-nua-truoc-khi-ki-thoa-thuan-my-doa-danh-thue-vao-thang-12-20191015061458332.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/