Biến doanh nhân yêu tiền, yêu nghề trở thành doanh nhân yêu nước

Trong phiên thảo luận Kiến nghị giải pháp củng cố, phát triển văn hóa kinh doanh tại Diễn đàn "Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới", đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ cách thức xây dựng văn hóa và phát triển doanh nghiệp trong và sau dịch COVID-19.

Biến doanh nhân yêu tiền, yêu nghề trở thành doanh nhân yêu nước - Ảnh 1.

Diễn đàn "Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới" do Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức vào chiều 8/11 tại Hà Nội. (Ảnh: TP)

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, doanh nghiệp phát triển thì đất nước sẽ phát triển, muốn đất nước thịnh vượng thì phải có lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, lớn mạnh và phát triển bền vững. Doanh nghiệp luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng nhất vào qui mô và tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước.

Trước những tác động của COVID-19, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã ghi nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp tại diễn đàn và khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẽ tạo hành lang pháp lí, cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển, có đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước.

"Biến doanh nhân yêu tiền, yêu nghề trở thành doanh nhân yêu nước"

Về phía doanh nghiệp, phát biểu tại phiên thảo luận Kiến nghị giải pháp củng cố, phát triển văn hóa kinh doanh, ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ nghệ Lạnh (Searefico) cho rằng, hoàn cảnh thuận lợi không bao giờ là người bạn tốt, vì có thể khiến bản thân kiêu ngạo và chủ quan.

Ngược lại, đối thủ cạnh tranh mới chính là bạn. Vì đối thủ sẽ đem hết những cái sai, cái xấu của doanh nghiệp kể lại. Từ đó, doanh nghiệp có thể thấy được điểm chưa tốt, qua đó tiến hành cải tiến.

Ông Phước cho rằng, trên thương trường có ba nhóm doanh nhân chính: Yêu nước, yêu nghề và yêu tiền. 

"Nếu là doanh nhân yêu nước, thì hãy tạo ra các sản phẩm "made in Vietnam" mà người ta cầm lên và không quăng xuống. Một thời gian trước đây, những sản phẩm "made in China" người ta cầm lên và để xuống. Tuy nhiên, giờ họ cũng đã khác", ông Phước nói.

Biến doanh nhân yêu tiền, yêu nghề trở thành doanh nhân yêu nước - Ảnh 2.

Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp củng cố, phát triển văn hóa kinh doanh tại Diễn đàn "Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới" (Ảnh: TP)

Sau phát biểu của ông Phước, Ban tổ chức diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hoá doanh nghiệp” đã yêu cầu ông đưa ra các kiến nghị để biến các doanh nhân yêu nghề, yêu tiền trở thành doanh nhân yêu nước.

Dưới dây là nội dung một số kiến nghị Chủ tịch Searefico Lê Tấn Phước gửi Chính Phủ từ góc nhìn của doanh nghiệp, để làm sao có thể biến những doanh nhân yêu tiền (không có gì xấu) và doanh nhân yêu nghề (chìa khoá thành công của một doanh nghiệp) trở thành doanh nhân yêu nước (chìa khoá thành công của một quốc gia).

1. Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy, đưa ra những chương trình thực chất và sáng tạo để truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt mơ cho xa, nghĩ cho lớn. Mỹ có Giấc mơ Mỹ (American Dream). Trung Quốc có giấc mộng Trung Hoa. Việt Nam chúng ta có gì? Hãy thổi bùng lên khát vọng Việt Nam. 

Tinh thần Việt Nam là tinh thần chiến binh. Bản lĩnh Việt Nam là bản lĩnh vượt khó. Hãy truyền lửa theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” như cách Chính Phủ đã làm trong đại dịch COVID-19 để mỗi người dân tự coi mình là một chiến sĩ, mỗi doanh nhân tự coi mình là một vị tướng trên mặt trận kinh tế. 

2. Hãy nâng cao vai trò của Bộ Giáo Dục & Đào tạo và Bộ VH-TT&TT trong việc thổi hồn doanh nghiệp và tinh thần doanh nhân khởi nghiệp vào trong tâm trí của con trẻ ngay từ dưới mái nhà trường. 

Đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện. Đưa những tấm gương doanh nhân yêu nước vào các bộ sách giáo dục phổ thông ngay từ cấp 1, cấp 2 bên cạnh các vị anh hùng dân tộc. Mục tiêu làm sao để các bé không chỉ mong muốn sau này con sẽ làm anh công nhân, chú thợ máy mà còn mơ ước trở thành doanh nhân và khoa học gia góp phần xây dựng đất nước. 

3. Dựa vào truyền thống hiếu học của người Việt, mong Chính Phủ vận động, cổ suý cho văn hoá học tập suốt đời (Lifelong learning culture) để doanh nghiệp Việt có bản sắc của một môi trường phát triển (growth environment). Học tập suốt đời chính là cách để chúng ta tạo ra “hệ miễn dịch” giúp doanh nghiệp phát triển trường tồn và ứng phó tốt hơn với môi trường kinh doanh đầy rủi ro, bất ổn, và khó lường hiện nay và trong tương lai. 

4. Để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội (CSR), Chính Phủ ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn cho các khoản chi hỗ trợ cộng đồng của doanh nghiệp được tính vào chi phí trước thuế thu nhập doạnh nghiệp. 

Tương tự, các khoản chi của cá nhân cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay muốn được miễn chúng tôi phải chi qua các tổ chức của nhà nước như UBMTTQ hay Hội Chữ thập đỏ mới được miễn, điều này cũng còn không ít trở ngại kéo giảm động lực của doanh nghiệp. 

Đồng thời, Nhà nước nên điều chỉnh Luật Doanh nghiệp cho phép tư nhân có thể thành lập và vận hành các doanh nghiệp xã hội, các quĩ từ thiện theo mô hình Social Enterprise như ở một số nước khác. Các Social Enterprise này sẽ giúp giảm tải đáng kể cho các doanh nghiệp công ích của Nhà nước.  

5. Việt Nam là đất nước của những khẩu hiệu. Trước đây chúng ta vận động“Tiết kiệm là yêu nước”. Bây giờ theo tôi chúng ta nên nói “Đầu tư là yêu nước” hay “Làm giàu là yêu nước” hay “Nộp thuế là yêu nước”. Tiền trong dân và trong doanh nghiệp còn rất nhiều. 

Đề xuất Chính Phủ ban hành qui định cho các khoản đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được đưa vào chi phí trước thuế như các nước họ làm, vì qui định hiện nay quĩ đầu tư phát triển được trích lập sau thuế. Như thế doanh nghiệp không chỉ có thêm nguồn tiền để tái đầu tư mà còn giảm được gánh nặng lãi vay. 

6. Vinh danh những doanh nghiệp đóng thuế nhiều, nộp thuế tốt căn cứ những tiêu chí cụ thể chẳng hạn như tỉ lệ số tiền đóng thuế trên doanh thu hoặc số lao động sử dụng nhằm mục tiêu kép là vừa khuyến khích doanh nghiệp nộp thuế vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh hoặc năng suất lao động. 

Kiến nghị Chính Phủ nói và làm thực chất hơn qua những chính sách rõ ràng minh bạch như thưởng doanh nghiệp nộp thuế tốt, cho họ được ưu tiên nhận thầu các hợp đồng từ vốn ngân sách (đưa vào thang điểm chấm thầu các dự án công). 

Cuối cùng, Chính Phủ đã đồng ý với đề xuất tại Diễn đàn là sẽ xây dựng một bộ tiêu chí để đánh giá và vinh danh những doanh nghiệp tiêu biểu từ góc độ văn hoá kinh doanh. Kiến nghị Chính Phủ nên thuê những công ty tư vấn có chuyên môn và bề dày kinh nghiệm quốc tế soạn thảo và phúc trình bộ tiêu chí này sao cho thật cụ thể và thực chất, bảo đảm cho văn hoá kinh doanh của người Việt không chỉ giúp doanh nghiệp Việt hội nhập tốt mà còn tạo được sự tôn trọng trên toàn cầu. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bien-doanh-nhan-yeu-tien-yeu-nghe-tro-thanh-doanh-nhan-yeu-nuoc-20201109143345796.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/