Bên trong cuộc chiến khốc liệt cho tương lai của Amazon

Khi Amazon sa thải nhân sự với số lượng lớn và cắt giảm chi phí hàng loạt, “ông lớn” bán lẻ và công nghệ này đang đứng trước ngã tư đường.

Andy Jassy, CEO Amazon, đang dẫn dắt công ty qua một trong những giai đoạn biến động nhất trong lịch sử. (Ảnh: Bloomberg).

Suốt nhiều năm, dường như không gì có thể ngăn cản được sự tăng trưởng bùng nổ và thành công của Amazon. Ngay cả đại dịch cũng không thể làm Amazon chững lại. Thực tế, vào đầu năm 2021, “ông lớn” bán lẻ và công nghệ này ghi nhận lợi nhuận quý lớn nhất trong lịch sử.

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều sau 2 năm: Kể từ thời điểm đó, người sáng lập Jeff Bezos từ chức và Amazon có CEO mới, đợt bùng nổ mua sắm trực tuyến chậm lại và Amazon phải tự tìm cách thoát ra khỏi đợt mở rộng nhân sự và hạ tầng nhà kho mạnh mẽ quá tay và đắt đỏ.

Các nhân viên và cựu nhân viên của Amazon thậm chí nói rằng tình hình thậm chí còn thực sự đáng sợ trong khoảng 2 tháng trở lại đây khi Amazon công bố đợt cắt giảm nhân sự với quy mô chưa từng có tiền lệ lên đến 18.000 người và bắt đầu thu hẹp quy mô nhiều mảng kinh doanh như bộ phận trợ lý giọng nói Alexa (một mảng kinh doanh mà Jeff Bezos từ lâu đặt nhiều kỳ vọng).

Lúc này, Amazon đang đứng trước một câu hỏi lớn: Đợt sa thải nhân sự và cắt giảm chi phí gần đây chỉ đơn thuần là dấu hiệu cho thấy Amazon đang bước vào một giai đoạn trưởng thành mới không thể tránh khỏi, hay chúng là một cảnh báo rằng Amazon đang bước vào giai đoạn đi ngang và cuối cùng rơi vào sự suy giảm không thể đảo ngược?

“Đây là những gì chúng tôi đang tự hỏi bản thân”, một cựu lãnh đạo mảng marketing của Amazon, người đã rời công ty vào năm 2021, nói với Recode.

Một câu hỏi nhức nhối khác là liệu CEO hiện tại của Amazon Andy Jassy, người được Jeff Bezos chính tay lựa chọn, có thể dẫn dắt Amazon vượt qua các thử nghiệm nói trên mà không để mất thứ văn hoá nội bộ đã mang đến cho Amazon nhiều sản phẩm đột phá như Amazon Prime hay Amazon Web Services.

Câu trả lời cho những câu hỏi nói trên không chỉ có ý nghĩa với hàng triệu người trên khắp thế giới đang làm việc cho Amazon và các đối tác của nó ở nhiều lĩnh vực khác nhau mà còn ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người vẫn đang dùng các dịch vụ của Amazon mỗi ngày để mua sắm, giao hàng, giải trí và truy cập các dịch vụ điện toán đám mây.

Andy Jassy, "giám đốc cắt giảm chi phí"

Với Amazon và các nhân sự của nó, 2022 là một hồi chuông cảnh tỉnh khắc nghiệp. Và trong năm 2023, công ty này và các nhân viên sẽ phải thích nghi với tình hình mới.

Ngay cả trước thời điểm cổ phiếu Amazon bắt đầu lao dốc vào tháng 4/2022 khi Amazon thừa nhận đã mở rộng quá mức và tuyển dụng quá mức cho mạng lưới nhà kho bán lẻ của mình, một trong những việc đầu tiên khi Andy Jassy bắt đầu ngồi ghế CEO Amazon vào năm 2021 là “tập trung cao độ vào lợi nhuận” với một kế hoạch rà soát vấn đề lợi nhuận chuyên sâu.

Đợt cắt giảm lớn đầu tiên đến với mảng bán lẻ trực tiếp của Amazon vào tháng 3/2022 khi Amazon tuyên bố sẽ đóng hàng chục nhà sách tại Mỹ và Anh cùng với rất nhiều cửa hàng có tên 4-Star vốn chuyên bán các mặt hàng đắt khách trên của hàng trực tuyến của Amazon. Những cửa hàng này không tốn nhiều chi phí để vận hành như những cửa hàng tiện ích công nghệ Amazon Go song chúng không tạo ra được sự khác biệt đủ lớn so với các đối thủ để Amazon duy trì sự tồn tại.

Đến tháng 11, Amazon công bố sẽ sớm sa thải hơn 10.000 nhân sự tập đoàn. Đây là con số gây sốc đối với một công ty không có đợt sa thải với quy mô hơn 1.000 nhân sự tập đoàn nào kể từ năm 2001. Vào mùa thu, Amazon cũng huỷ một số thư mời làm việc, đôi khi chỉ trước ngày nhân sự mới nhận việc chỉ khoảng 2 tuần.

Vào đầu năm 2023, Jassy tiếp tục nhấn mạnh rằng việc cắt giảm nhân sự sẽ còn được thực hiện mạnh mẽ hơn với hơn 18.000 nhân sự tập đoàn (tương đương 5% định biên nhân sự) bị ảnh hưởng. Để thấy rõ thêm sự đột ngột của các thay đổi này: Vào tháng 6/2022, Amazon đăng tuyển hơn 30.000 vị trí công việc chỉ tính riêng ở mảng phát triển phần mềm. Đến giữa tháng 1 năm nay, con số này chỉ là chưa đến 300.

Những đợt cắt giảm liên tục đang khiến nhân viên Amazon hoảng loạn và xuống tinh thần. Hồi tháng 11, một số nhân sự nói với Recode rằng họ đang cân nhắc việc tiếp tục làm việc ở Amazon dù không nằm trong danh sách sa thải. Họ cũng thắc mắc về tương lai Amazon đang hướng tới: Liệu Amazon sẽ lại có thể sáng tạo để làm khách hàng hài lòng hay sẽ rơi vào trạng thái hoạt động duy trì?

Sau tất cả, trong quá khứ, các lãnh đạo Amazon thường sẽ bực mình khi công ty của mình bị gắn nhãn là “nhà bán lẻ”. Với họ, Amazon luôn là một công ty sáng tạo với các sản phẩm như máy đọc sách Kindle, Amazon Prime, AWS hay Alexa. Thế nhưng, đã từ rất lâu Amazon không làm công chúng trầm trồ với các sản phẩm hay dịch vụ mới. Alexa đã ra mắt từ năm 2014 và Alexa cũng là một trong những bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt cắt giảm mùa thu năm ngoái.

Ông Jassy đang cố gắng trấn an nhân viên rằng sáng tạo vẫn là tập trung chính của Amazon: “Chúng ta thường nói vế nguyên tắc lãnh đạo Phát kiến và Đơn giản hoá khi nói về việc tạo ra các sản phẩm và tính năng mới”, ông viết trong một bài blog hồi tháng 1. “Nguyên tắc này sẽ tiếp tục xuất hiện ở nhiều mảng kinh doanh mà chúng ta đang theo đuổi”, ông viết thêm.

Dù vậy, ông Jassy cũng đang tái định nghĩa sự sáng tạo sẽ bao gồm những thay đổi kinh doanh bình thường: “Chúng ta đôi khi đã bỏ qua tầm quan trọng của các phát minh cốt yếu, khả năng giải quyết vấn đề và sự đơn giản hoá của việc tìm ra điều gì có ý nghĩa nhất với khách hàng (và việc kinh doanh), điều chỉnh những nơi chúng ta dành nguồn lực và thời gian, và tìm ra một cách để mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng với chi phí thấp hơn”, CEO Amazon viết thêm.

Những thay đổi như vậy là một điều tự nhiên đối với một công ty lớn đang ở giai đoạn chuyển đổi như Amazon, theo ông Mark Cohen, giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại Đại học Colombia. “Tiếp tục đầu tư vào sáng tạo với tốc độ cao trong khi đang điều chỉnh quy mô là một điều không tưởng đối với một công ty”, ông nhận định. Ông đồng thời nhấn việc các biện pháp cắt giảm chi phí “là một điều hợp lý để làm đối với một công ty có doanh thu vài trăm tỷ USD và đã phát triển thần kỳ”.

Điều gì đã xảy ra với thói quen “thắt lưng buộc bụng”?

Trước đại dịch, trong năm 2019, doanh thu Amazon tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước đó để đạt 280 tỷ USD. Đây là tốc độ tăng trưởng ấn tượng đối với một công ty quy mô lớn. Năm 2020, doanh thu tăng hơn 38% do “cơn sốt” TMĐT nhờ đại dịch thúc đẩy. Tổng doanh thu Amazon vượt ngưỡng 386 tỷ USD.

Trong năm 2021, khi người dùng dần trở lại với thói quen mua sắm trước đại dịch, tăng trưởng doanh thu Amazon giảm dần về mức 22%. Và trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng doanh thu năm giảm về 10%. Tệ hơn, mảng bán lẻ lõi của Amazon lỗ hơn 8 tỷ USD, so với mức lợi nhuận 8 tỷ USD của một năm trước đó. Jassy quyết định sẽ thực hiện cắt giảm nhân sự và chi phí.

Trong cuộc trao đổi với 10 nhân sự và cựu nhân sự cao cấp của Amazon, họ đều nói với Recode rằng lẽ ra các kiểm soát chi phí nên được thực hiện sớm hơn tại Amazon, ngay cả trước khi các thách thức do COVID-19 và nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định mang đến.

Nhiều nguồn tin nói với Recode rằng trong vài năm trở lại đây, ý tưởng co các sản phẩm và dịch vụ mới tại Amazon không được đánh giá với sự nghiêm khắc và tiết kiệm mà Amazon vẫn được biết đến. Một số người đổ lỗi cho việc tuyển dụng thừa thãi các nhân sự quản lý cấp trung trong khoảng 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, một vài người nói rằng văn hoá doanh nghệp đôi khi bị chỉ trích là hà khắc đã dịch chuyển quá xa theo hướng ngược lại.

Việc Amazon ra mắt ứng dụng âm thanh trực tiếp Amp mang lại nhiều câu hỏi. Vào thời điểm nó trình làng vào đầu năm 2022, ứng dụng âm thanh trực tiếp nổi tiếng nhất khi đó là Clubhouse đã bắt đầu đi vào giai đoạn thoái trào. Mặc dù 2 ứng dụng không hoàn toàn giống nhau, các nhân viên Amazon tin rằng lẽ ra Amazon đã phải nhìn nhận ra việc xu hướng âm thanh trực tiếp sẽ chững lại. Không có gì quá bất ngờ khi Amazon sa thải gần một nửa nhân sự của Amp vào tháng 10 năm ngoái.

Các lãnh đạo lâu năm khác của Amazon cũng nói rằng bên cạnh việc bật đèn xanh và rót vốn quá mức cho nhiều ý tưởng, Amazon cũng không còn dừng các ý tưởng tồi đủ nhanh và thường xuyên như trước. Một vấn đề khác là Amazon bắt đầu thử nghiệm các ý tưởng mới cho lợi ích của chính mình.

“Chúng tôi đã tăng trưởng và mở rộng từ lâu nhờ các ý tưởng mà chúng tôi phải sáng tạo nhưng chúng tôi không hỏi khách hàng liệu họ có thực sự cần chúng”, một cựu quản lý Amazon nói. “Chúng tôi đã tự thuyết phục bản thân rằng khách hàng cần chúng nhưng giờ thì Jassy đặt ra câu hỏi “Động lực thực sự là gì và cho ai?””, ông nói thêm.

Dù vậy, bất chấp các chỉ trích trên, một số nhân sự nói với Recode rằng họ lo lắng việc Jassy quá tập trung vào cắt giảm chi phí có thể khiến Amazon để lỡ mất ý tưởng đột phá tiếp theo, thứ có tiềm năng trở thành trụ cột trong tương lai của công ty này.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng cách tiếp cận đã mang lại thành công cho Amazon trong 10 năm trước sẽ không còn hiệu quả trong 10 năm tiếp theo. Nếu Amazon đã “đốt” nhiều tiền nhưng các ý tưởng lớn vẫn không hiệu quả, đã đến lúc họ cần từ bỏ một điều gì đó. “Việc chuyển đổi là cần thiết và hợp lý. Amazon không thể là mọi thứ và theo đuổi mọi chiếc cầu vồng”, ông Cohen của Đại học Columbia nói.

“12 tháng tiếp theo sẽ thực là là lúc chúng ta thấy Andy Jassy sẽ thể hiện vai trò như thế nào trên ghế CEO”, một cựu lãnh đạo cấp cao vừa rời Amazon vào năm 2022 nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ben-trong-cuoc-chien-khoc-liet-cho-tuong-lai-cua-amazon-2023125163829625.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/