Bên trong chiến lược kiểm soát COVID-19 đồ sộ của Tổng thống đắc cử Joe Biden

Người dân Mỹ có thể sẽ được tăng cường xét nghiệm COVID-19, bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và đứng trước khả năng phong tỏa toàn quốc một khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Hôm 9/11, chiến dịch Biden - Harris đã vạch ra một kế hoạch chi tiết để kiểm soát đại dịch gồm tăng cường xét nghiệm, sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để chế tạo đồ bảo hộ cho nhân viên tuyến đầu và khôi phục quan hệ của Mỹ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),...

Theo CNBC, nhóm chuyển tiếp của ông Biden không hề lãng phí thời gian khi ngay ngày 9/11 đã thành lập tổ cố vấn COVID-19 riêng do cựu Giám đốc FDA - Tiến sĩ David Kessler và cựu Tổng y sĩ Mỹ - Tiến sĩ Vivek Murthy và Tiến sĩ Marcella Nunez-Smith của Đại học Yale làm đồng chủ tịch.

Đại dịch COVID-19 đang bùng phát nghiêm trọng trên khắp nước Mỹ khi số ca bệnh mới đạt mức cao kỉ lục hơn 120.000 ca/ngày và các nhà khoa học cảnh báo người dân nên chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn.

Ở diễn biến khác, một số vắc xin tiềm năng đang tiến những bước cuối để được phê duyệt dùng trong trường hợp khẩn cấp. Còn chính quyền các thì bang đang xoay xở tìm hướng phân phối vắc xin cho người dân, bất chấp các yếu tố bất ổn và thiếu nguồn tài trợ của chính phủ liên bang.

Cũng trong ngày 9/11, Pfizer và BioNTech tuyên bố vắc xin của hai hãng đạt hiệu quả hơn 90% trong ngăn ngừa COVID-19, cho thấy một tín hiệu tích cực giữa bức tranh đại dịch u ám tại Mỹ.

Trái với các chính sách và bình luận làm phật lòng giới khoa học của Tổng thống Trump, ông Biden nhiều lần khẳng định ông sẽ nghe theo lời của các chuyên gia như Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ.

"Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cứu sống người dân, bởi vì chúng ta không thể đưa đất nước tiến lên nếu chưa kiểm soát được đại dịch", ông Biden chia sẻ với ABC News trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 cùng bạn tranh cử Kamala Harris.

"Tôi sẵn sàng phong tỏa nước Mỹ. Tôi sẽ nghe theo lời khuyên của các nhà khoa học", ông Biden nhấn mạnh.

Bên trong chiến lược kiểm soát COVID-19 đồ sộ của Tổng thống đắc cử Joe Biden - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Joe Biden vừa công bố một kế hoạch kiểm soát đại dịch hết sức đồ sộ, bao gồm nhiều bước phức tạp và qui mô. (Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images)

Một chiến lược qui mô quốc gia

Chính quyền Tổng thống Trump cho phép thống đốc các bang toàn quyền quyết định các vấn đề như đóng cửa hoặc mở cửa hoạt động kinh doanh, áp qui định đeo khẩu trang ở nơi công cộng cũng như mua vật tư xét nghiệm và thiết bị bảo hộ.

"Ngay từ đầu, chúng ta có 50 bang với 50 chiến lược khác nhau", ông Howard Koh cho hay. Koh hiện là giáo sư tại Đại học Harvard và từng kiêm nhiệm vị trí trợ lí của Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh dưới thời Tổng thống Obama.

"Kết quả là, chúng ta chứng kiến cơn bão bệnh tật và chết chóc kéo dài đến tháng thứ 10 và không ngừng xấu đi", Giáo sư Koh nhấn mạnh.

Khác với chính quyền ông Trump, kế hoạch của Tổng thống đắc cử Joe Biden vạch ra một chiến lược phối hợp trên toàn quốc. Theo đó, chính phủ sẽ tăng cường áp dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để đảm bảo Mỹ có nguồn cung vật tư y tế (khẩu trang, tấm che mặt,...) lớn hơn nhu cầu thực.

Ông Biden cũng đề xuất nâng cao năng lực xét nghiệm trên cả nước bằng cách tăng gấp đôi số lượng các điểm xét nghiệm tại chỗ (ít nhất 10 điểm/bang) và đầu tư vào xét nghiệm tại nhà. Hiện tại, Mỹ chủ yếu chỉ thực hiện xét nghiệm phân tử tại phòng thí nghiệm và yêu cầu phải có kĩ thuật viên có chuyên môn thực hiện.

Ngoài ra, ông Biden cho biết ông sẽ thành lập một đội y tế cộng đồng để "huy động ít nhất 100.000 người trên khắp đất nước" tham gia hỗ trợ truy vết ca bệnh và giúp đỡ người có nguy cơ cao.

Ông còn kêu gọi ban hành yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trên toàn quốc, dù các chuyên gia chưa rõ cách thức thực hiện qui định này.

Hôm 23/10, ông Biden cho biết ông sẽ "đến gặp từng thống đốc và thúc giục họ bắt buộc người dân đeo khẩu trang". Nếu không hiệu quả, ông Biden sẽ yêu cầu các thị trưởng và người đứng đầu các quận ban bố lệnh ở cấp địa phương.

Ông Biden còn cho hay, người ra vào các tòa nhà liên bang và hệ thống giao thông giữa các bang buộc phải đeo khẩu trang trong nhiệm kì tổng thống của ông.

Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ chỉ đạo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra hướng dẫn cụ thể dựa trên thực tế để chính quyền địa phương biết khi nào nên phong tỏa hoặc dỡ bỏ phong tỏa tùy theo mức độ lây lan của đại dịch.

Chiến lược của ông Joe Biden có thể thay đổi khi ông nhậm chức và nước Mỹ cũng có thể tránh được kịch bản phong tỏa toàn quốc.

Tiến sĩ Fauci và WHO

Không lâu trước cuộc bầu cử, đương kim Tổng thống Trump cho biết ông có thể sa thải ông Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ.

Tuy nhiên, ông Fauci bày tỏ với CNBC là ông sẵn sàng tiếp tục chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19 bất chấp ai là tổng thống Mỹ tiếp theo. Thể hiện sự ủng hộ của mình với ông Fauci, ông Biden đã đăng tweet đáp lại: "Chúng ta cần một tổng thống thực sự biết lắng nghe các chuyên gia như Tiến sĩ Fauci".

Giáo sư Koh của Đại học Harvard bình luận: "Tôi hi vọng dưới thời Tổng thống Biden, ông sẽ tổ chức họp báo COVID-19 đều đặn. Sự kiện do Nhà Trắng sắp xếp nhưng trao quyền cho các nhà khoa học hàng đầu đất nước để họ truyền tải kiến thức cho người dân Mỹ".

Kế hoạch kiểm soát đại dịch qui mô của ông Biden cũng đề cập đến mục tiêu hàn gắn mối quan hệ rạn nứt của Mỹ và WHO sau khi ông Trump bắt đầu quá trình ngừng hỗ trợ tài chính cho cơ quan y tế toàn cầu này.

"Bạn không thể chống lại một đại dịch toàn cầu nếu thiếu một chiến lược toàn cầu và các đồng minh quốc tế", ông Ron Klain, cựu điều phối viên của Nhà Trắng trong dịch Ebola, cho hay. Ông Klain được cho là đang chạy đua cho chức chánh văn phòng Nhà Trắng trong chính quyền Biden.

Triển khai vắc xin

Các chuyên gia dự đoán, khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, nhiều khả năng các nhóm đối tượng ưu tiên trên toàn quốc như nhân viên chăm sóc y tế và người cao tuổi sẽ tiếp nhận các liều vắc xin đầu tiên.

"Rõ ràng là nếu vắc xin của Pfizer hoặc BioNTech được phê duyệt, sản phẩm cũng phải mất nhiều tháng mới có thể được phân phối rộng rãi", ông Biden lưu ý trong cuộc họp báo hôm 9/11.

"Thách thức trước mắt vẫn còn rất lớn và cam go", ông Biden nhấn mạnh.

Chính quyền các bang đã đệ trình lên CDC kế hoạch tiêm chủng riêng nếu vắc xin được phê duyệt. Song, hiệp hội đại diện các sở y tế cộng đồng địa phương cho biết phải có hơn 8 tỉ USD để tài trợ cho các kế hoạch này.

Theo các hiệp hội trên, khoản ngân sách 8 tỉ USD trên sẽ giúp tăng cường đội ngũ nhân viên chăm sóc y tế, cải thiện hệ thống dữ liệu, chi trả cho các tủ đông trữ vắc xin và chuẩn bị tài liệu hướng dẫn để giảm bớt mối lo ngại của người dân về vắc xin.

Trong khi đó, kế hoạch của ông Biden đề xuất đầu tư 25 tỉ USD cho việc nghiên cứu và phân phối vắc xin nhằm đảm bảo "vắc xin đến tay người dân và hoàn toàn miễn phí". Dưới thời ông Biden, Mỹ cũng sẽ thành lập một hội đồng y tế khẩn cấp để kêu gọi G7 và các nước khác chung ta giảm thiểu chi phí triển khai vắc xin cho các nước đang phát triển.

WHO hiện tại đã thành lập sáng kiến COVAX với mục đích làm việc cùng các nhà sản xuất để cung cấp vắc xin an toàn và hiệu quả đến các nước. Hiện có 170 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia sáng kiến COVAX, trong đó có Trung Quốc nhưng không có mặt Mỹ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ben-trong-chien-luoc-kiem-soat-covid-19-do-so-cua-tong-thong-dac-cu-joe-biden-20201110114239079.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/