Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ: Bao giờ có kết quả, ảnh hưởng chính sách thế nào?

Mỹ có thể mất tới hơn một tuần để công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Kết quả này sẽ có tác động to lớn đến định hướng chính sách hai năm tới của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Khi nào có kết quả?

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay đóng vai trò rất quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden và siêu cường lớn nhất thế giới, trong bối cảnh lạm phát leo thang, nền kinh tế ngấp nghé bờ vực suy thoái và chiến sự chưa dứt bên kia bờ Đại Tây Dương.

Các cuộc bỏ phiếu đã kết thúc vào tối ngày 8/11 (theo giờ địa phương). Hiện tại, giới chức Mỹ đang bận rộn kiểm phiếu. Kết quả bầu cử có thể thay đổi định hướng chính sách của Nhà Trắng và tác động đến thị trường tài chính.

The Washington Post  dẫn lời các quan chức chính phủ Mỹ cho biết công tác kiểm phiếu có thể sẽ chậm hơn so với bình thường, đặc biệt tại những bang chiến trường. Do đó, nhiều khả năng sang tuần tới thì cục diện chính trường Mỹ mới thể hiện rõ rệt.

Đảng Cộng hòa đang dẫn trước ở cả hai viện của Quốc hội.

Một số yếu tố gây chậm trễ công tác kiểm phiếu có thể kể đến như thời gian cần để nhiều bang thống kê phiếu bầu qua thư và phiếu bầu vắng mặt; khả năng phải bầu lại trong trường hợp sát nút; sự thận trọng của các tổ chức truyền thông khi tuyên bố người chiến thắng; và khả năng kiện tụng.

Nhìn chung, các quan chức trên khắp cả nước đang kêu gọi người dân kiên nhẫn. Họ cho biết sự gia tăng của hình thức bỏ phiếu qua thư sau đại dịch, cùng với những thay đổi trong quy trình kiểm phiếu đã làm chậm kết quả cuối cùng.

Thêm vào đó là các lỗi do con người và trục trặc kỹ thuật. Vì vậy, việc chọn ra người chiến thắng trong Thượng viện và Hạ viện cũng như các thống đốc bang sẽ là một hành trình kéo dài hơn một tuần.

Quyền Thư ký khối thịnh vượng chung Pennsylvania, ông Leigh M. Chapman cho biết: “[Quá trình chờ đợi] không có nghĩa là đang có điều bất chính diễn ra”.

Phe ủng hộ cho rằng bình thường hóa việc bỏ phiếu qua thư đã giúp nền dân chủ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, phe Cộng hòa cáo buộc bỏ phiếu qua thư là cơ hội để gian lận. 

Ông David Scott, quản lý cấp cao tại Associated Press (AP), cho biết kết quả bỏ phiếu qua thư có thể giúp lật ngược tình thế, như trong cuộc bầu cử vào năm 2020. Bởi vậy, AP có thể trì hoãn công bố kết quả, đặc biệt tại những bang chiến trường. 

Một số hãng tin tức, bao gồm The Washington Post, cho biết họ sẽ xem xét dữ liệu nghiêm ngặt hơn trước khi thông báo các nghị sĩ thắng cử. Và với những cuộc cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra, các thách thức pháp lý và khả năng kiểm phiếu lại có khả năng gây thêm sự chậm trễ.

Một bộ phận công chúng đã lan truyền những tin tức gây hiểu nhầm hoặc sai lệch, qua đó làm dấy lên nghi ngờ về kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều cử tri.

Trong một bài phát biểu vào tuần trước, Tổng thống Biden nói với người Mỹ rằng kết quả sẽ có sự chậm trễ, và “cần có thời gian để đếm tất cả các lá phiếu hợp lệ một cách hợp pháp và có trật tự”.

Hầu hết các bang cho phép nhân viên bầu cử bắt đầu mở và kiểm tra các lá phiếu qua thư trước ngày bầu cử. 

Tuy vậy, Đảng Cộng hòa đã phản đối động thái trên ở bang chiến trường Wisconsin và Pennsylvania. Một nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ở Wisconsin cho biết, việc cho phép kiểm phiếu sớm sẽ "cho [Đảng Dân chủ] thêm một ngày để gian lận”.

Ông Timothy Benyo, Giám đốc bầu cử ở Hạt Lehigh của bang Pennsylvania và là một đảng viên Cộng hòa cho biết những hạn chế trên sẽ chỉ làm chậm quá trình kiểm phiếu.

Cử tri bỏ phiếu tại một trường tiểu học ở bang Virginia, ngày 8/11. (Ảnh: Getty Images).

Hàm ý chính sách

Theo Financial Times, nếu các dự báo là chính xác, Đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát ít nhất một viện trong Quốc hội và gây chia rẽ chính phủ của Tổng thống Biden. Ông Kevin McCarthy, người dự kiến trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ nếu phe Cộng hòa thắng thế, đã gợi ý về những thay đổi sắp tới.

Trần nợ

Ông McCarthy đã gợi ý việc sử dụng “trần nợ công” để làm đòn bẩy trong việc thúc đẩy các ưu tiên chính sách của Đảng Cộng hòa, bao gồm cả việc cắt giảm chi tiêu.

Mức trần nợ đặt ra giới hạn về số tiền mà Bộ Tài chính Mỹ có thể vay để chi trả cho chi tiêu chính phủ. Một khi đạt đến mức trần, các nhà lập pháp phải dỡ bỏ trần nợ hoặc đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Đảng Cộng hòa có thể dùng con bài này để thúc đẩy chương trình tài khóa, bao gồm cải cách về an sinh xã hội và chăm sóc y tế.

Cắt giảm viện trợ Ukraine

Ông McCarthy đã gây xôn xao khắp thế giới khi gợi ý rằng chính phủ Mỹ nên giảm bớt viện trợ cho chính phủ Ukraine.

Ông David Arakhamia, người đứng đầu đảng cầm quyền tại Ukraine và là đồng minh thân cận của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết mình đã “bị sốc” khi nghe về những bình luận của ông McCarthy.

Các cuộc điều tra

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ, các ủy ban Hạ viện đã mở nhiều cuộc điều tra. Đáng chú ý nhất là cuộc điều tra sự tham gia của cựu Tổng thống Donald Trump vào cuộc tấn công Điện Capitol năm 2021.

Nếu phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện, ủy ban điều tra vụ việc trên có khả năng sẽ bị giải tán, còn những ủy ban khác sẽ về tay đảng này.

Đảng Cộng hòa có thể sẽ mở một số cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID, về việc Bộ Tư pháp phê duyệt một cuộc khám xét tư gia của ông Trump cũng như hoạt động kinh doanh của con trai Tổng thống Mỹ, ông Hunter Biden.

Đồng thời, một số nhà lập pháp táo bạo của Đảng Cộng hòa, đặc biệt là bà Marjorie Taylor Greene đã kêu gọi luận tội ông Biden, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, cùng những người khác.

Ông McCarthy, người có khả năng trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ lại không tán thành những lời kêu gọi luận tội. Tuy vậy, ông đã đưa ra danh sách những cuộc điều tra có thể diễn ra, bao gồm vấn đề Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bau-cu-giua-nhiem-ky-tai-my-bao-gio-co-ket-qua-anh-huong-chinh-sach-the-nao-2022119111753159.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/