Bạn nên làm gì với một tấm thiệp mời cưới khi ngân sách đang eo hẹp?

Theo BBC, chi phí cho một lần tham dự hôn lễ của ai đó có thể nhiều gấp vài lần số tiền bạn bỏ vào phong bì.

Danielle Dash, một nhà văn đến từ Luân Đôn không tới quá nhiều hôn lễ. Con số chính xác chỉ là 4 và dù đã chọn lọc đối tượng rất kĩ càng, số tiền Dash phải trả cũng không hề nhỏ: 2500 bảng (2750 USD).

"Tôi không có quan điểm rằng mình phải tới mọi đám cưới mà mình được mời nhưng một khi đã nhận lời, tôi muốn xuất hiện theo cách tuyệt vời nhất để chúc mừng cặp đôi hạnh phúc", Dash nói.

Từ mua một bộ trang phục mới cho đến món quà cưới hay số tiền bỏ vào phong bao, khách dự tiệc cưới có kha khá chi phí phát sinh phải thanh toán.

Tại Anh, một cuộc khảo sát cho thấy trung bình khách mời phải chi 400 bảng Anh (535 USD) trong năm 2017 trong khi ở Mỹ, một báo cáo khác đưa ra con số 497 bảng Anh (630 USD). Các số liệu chênh lệch một chút tùy thuộc vào địa điểm khảo sát nhưng có một điểm chung là không hề tiết kiệm!

Rõ ràng là có nhiều phụ phí phát sinh ảnh hưởng tới tổng chi phí bao gồm cả quãng đường bạn di chuyển. Nếu bạn phải đặt vé máy bay và chỗ ở trong vài ngày cho một đám cưới lớn, cái giá phải trả thậm chí ngang với một chuyến du lịch.

p068s4sc

Chi phí các khách mời đám cưới phải chi trả không hề nhỏ! - Ảnh: BBC.

Lauren Bravo, một nhà báo và biên tập viên đến từ London, đã vật lộn để tìm cách thoát khỏi khoản chi phí tới dự đám cưới ở nước ngoài - vốn là truyền thống của nhiều người Anh. Nhưng ở tuổi độ tuổi 30, cô nằm trong danh sách những người hay được mời nhất và chỉ trong vài năm, số đám cưới cô đã tham dự lên tới 20.

"Tôi nghĩ rằng đó còn là tác động tích lũy lâu dài", Lauren nói, "bởi mỗi năm, tôi đã tới 5-6 đám cưới. Vì vậy, ngay cả khi chi phí cho một lần không quá cao thì khi cộng tất cả lại cũng khá nhiều".

Ngoài số tiền mua trang phục mới, vé tàu xe di chuyển, các khoản mua quà cưới có thể lên tới vài trăm USD, đặc biệt nếu bạn đưa thêm người cùng tới dự đám cưới. Với phụ nữ, có lẽ không ai muốn mặc cùng một bộ trang phục tới 2 đám cưới.

Trong trường hợp gia đình bạn cùng tới dự một đám cưới, một chút phô trương là điều không thể tránh khỏi trước áp lực của đám đông và đặc biệt là khi mạng xã hội sẽ lưu lại mọi khoảnh khắc bạn xuất hiện.

Mọi người đều muốn trông thật tuyệt vời trong một đám cưới và điều đó đôi khi đồng nghĩa với việc bạn đặt mình vào những vị trí không phù hợp với tình hình tài chính hiện tại.

Khi chia nhỏ chi phí tới dự tiệc cưới, nam giới và phụ nữ cuối cùng có mức chi tiêu tương đương do phụ nữ chi tiêu nhiều hơn cho trang phục và đàn ông chi tiêu nhiều hơn cho đồ uống tại sự kiện.

Việc tốn kém trong cả chi phí tổ chức hôn lễ và chi phí cho khách mời từ lâu đã trở thành đề tài tranh cãi gay gắt ở châu Á, đặc biệt khi ngày càng có nhiều đám cưới "siêu sang" với dàn xe ô tô đắt đỏ hay các màn phô trương của cải công khai.

Theo Bravo, dù bạn ở bất cứ đâu và theo phong tục văn hóa nào, một người bạn sẵn sàng cắt đứt mối quan hệ chỉ vì bạn không đến đám cưới hoặc bạn đã không mua quà đủ giá trị không phải người bạn thực sự.

Vậy thực sự chúng ta nên làm gì với một tấm thiệp mời cưới khi ngân sách đang eo hẹp? 

"Tôi không nghĩ rằng những người bạn tốt mong đợi bạn phải đem tới phong bì dày cộp hay món trang sức Tiffany sang trọng nào đó", Lauren Bravo khẳng định.

"Đối với tôi và những người bạn của tôi", cô nói thêm, "danh sách khách mời thường đặc biệt dành cho người thân thiết. Trong rất nhiều trường hợp, có lẽ các bạn cũng biết rằng nếu bạn không thực sự bày tỏ với mọi người về sở thích hay những gì bạn mong muốn trong cuộc sống tương lai thì bạn có thể kết thúc với nỗi hậm hực và hàng đống đồ vô ích".

Điều thú vị là, theo nghiên cứu, số tiền khách dự tiệc cưới chi cho quà tặng thay đổi tùy theo độ tuổi. Những người trẻ hơn (18-37) chi khoảng 42 bảng Anh (57 USD) khi tham gia tiệc cưới và những người trên 37 tuổi chi khoảng 114 bảng (153 USD). Tất nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi số tiền bạn bỏ ra tỉ lệ thuận với mức độ thân thiết dành cho cặp vợ chồng mới.

Đối với Danielle Dash, đó thậm chí là trường hợp cô sẽ tự hỏi liệu mối quan hệ có đủ thân thiết để tới dự hay không. "Nếu người đó thực sự là bạn tôi, họ sẽ hoàn toàn hiểu được chi phí tôi sẽ phải bỏ ra và hài lòng với sự thành thật", cô nói.

Đám cưới có lẽ nên được nhìn nhận như một dịp kỉ niệm trang trọng của hạnh phúc lứa đôi với những giá trị tinh thần quý báu thay vì cơ hội khoe khoang vật chất, vốn sẽ đặt cả cặp đôi mới cưới và khách mời vào những tình huống tài chính khó xử.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ban-nen-lam-gi-voi-mot-tam-thiep-moi-cuoi-khi-ngan-sach-dang-eo-hep-20190806110355703.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/