Apple đẩy nhanh kế hoạch mở rộng sản xuất ra ngoài Trung Quốc

Sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra tại nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn tại Trịnh Châu, gã khổng lồ Apple đã quyết định sẽ đẩy nhanh việc chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam và Ấn Độ được coi là những điểm đến tiềm năng.

Trong vài tuần qua, Apple đã đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, theo Wall Street Journal. Họ yêu cầu các nhà cung cấp lên kế hoạch để lắp ráp các sản phẩm của Apple ở những nơi khác tại châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà lắp ráp Đài Loan, dẫn đầu là Foxconn.

Sự hỗn loạn tại nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn tại Trung Quốc đã khiến Apple đẩy nhanh kế hoạch của mình. Tại khu nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc, có tới 300.000 công nhân làm việc để sản xuất iPhone và các sản phẩm khác của Apple. Có thời điểm riêng nhà máy này đã tạo ra khoảng 85% dòng sản phẩm iPhone Pro, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.

Trịnh Châu, nơi đặt nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn, đã trải qua nhiều đợt phong tỏa trong năm nay. (Ảnh: WSJ).

Alan Yeung, cựu giám đốc điều hành tại Mỹ của Foxconn, cho biết: “Trước đây, mọi người không chú ý đến rủi ro khi tập trung vào một thị trường. Thương mại tự do là tiêu chuẩn và mọi thứ rất dễ đoán. Bây giờ chúng ta đã bước vào một thế giới mới”.

Apple đã nói với các đối tác sản xuất của mình rằng họ muốn cố gắng thực hiện nhiều công việc hơn bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia về chuỗi cung ứng cho biết, trừ khi những nơi như Ấn Độ và Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Apple như tại Trung Quốc, nếu không họ sẽ vẫn sẽ mắc kẹt tại thị trường tỷ dân.

Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của Apple

Apple và Trung Quốc đã trải qua nhiều thập kỷ gắn bó với nhau trong một mối quan hệ mà cho đến nay được đánh giá là đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, việc thay đổi sẽ không xảy ra chỉ sau một đêm. Apple vẫn tung ra các mẫu iPhone mới mỗi năm, bên cạnh các bản cập nhật ổn định của iPad, máy tính xách tay và các sản phẩm khác. “Táo khuyết” vẫn phải ở lại Trung Quốc trong khi tìm kiếm những nơi thay thế.

Kate Whitehead, cựu lãnh đạo của Apple, hiện đang sở hữu công ty tư vấn chuỗi cung ứng riêng, cho biết: “Việc tìm kiếm tất cả các mảnh ghép để xây dựng ở quy mô mà Apple cần như ở Trung Quốc là điều không hề dễ dàng”.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đang diễn ra, được thúc đẩy bởi một số nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, người trẻ Trung Quốc không còn háo hức làm việc với mức lương khiêm tốn để lắp ráp thiết bị điện tử cho những công ty lớn. Họ đang sôi sục ý chí tự kinh doanh, một phần vì ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo Ming-chi Kuo, nhà phân tích tại TF International Securities, mục tiêu dài hạn của Apple là chuyển 40% đến 45% sản lượng iPhone từ Ấn Độ, so với tỷ lệ chưa tới 10% hiện nay. Các nhà cung cấp cũng cho biết Việt Nam dự kiến ​​sẽ đảm nhận thêm việc sản xuất các sản phẩm khác của Apple như AirPods, Apple Watch và MacBook.

Thời gian chờ đợi đối với dòng iPhone 14 Series mới nhất của Apple lâu kỷ lục. (Ảnh: WSJ).

Hiện tại, người tiêu dùng mua sắm dịp Giáng sinh đang mắc kẹt với thời gian chờ đợi lâu nhất đối với những chiếc iPhone cao cấp trong lịch sử 15 năm của sản phẩm. Apple đã đưa ra một cảnh báo “chưa từng có” vào tháng 11 rằng các lô hàng của các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max sẽ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 tại Trung Quốc.

Các giám đốc điều hành của Apple thực tế đã biết việc tập trung vào Trung Quốc sẽ có rủi ro, nhưng họ chưa đưa ra hành động cụ thể để giảm thiểu rủi ro. Trung Quốc là nơi cung cấp nguồn lực lao động dồi dao, ổn định chính trị và một thị trường nội địa khổng lồ cho các sản phẩm của Apple.

Foxconn, dưới sự điều hành của người sáng lập Terry Gou, đã trở thành một mắt xích thiết yếu giữa Apple và các nhà máy lắp ráp của Trung Quốc, nơi lắp ráp iPhone. Pegatron Corp., một nhà thầu khác có trụ sở tại Đài Loan, cũng đóng một vai trò quan trọng với quy mô nhỏ hơn Foxconn.

Ngay cả những cơ quan địa phương và chính phủ Trung Quốc cũng không ít lần ca ngợi và đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho Apple. “Sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ Trung Quốc mang lại cảm giác chắc chắn cho các công ty đa quốc gia như Apple, cũng như cho chuỗi cung ứng của thế giới”, theo nội dung một video của People's Daily.

Tuy nhiên, mọi thứ dường như đã thay đổi khi dịch COVID-19 bùng phát. Một cuộc khảo sát của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc năm nay cho thấy niềm tin của các công ty Mỹ vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, với khoảng 1/4 số người được hỏi nói rằng họ ít nhất đã tạm thời chuyển một phần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong năm qua.

Nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush Securities cho biết các chính sách phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc “là một cú đấm mạnh vào chuỗi cung ứng của Apple”. “Những gì Apple trải qua tại Trung Quốc trong tháng trước giống như giọt nước làm tràn ly”, ông chia sẻ.

Ông Kuo cho biết các lô hàng iPhone trong quý IV có khả năng đạt khoảng 70 triệu đến 75 triệu chiếc, thấp hơn khoảng 10 triệu so với dự đoán của thị trường trước khi có sự hỗn loạn diễn ra tại nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu.

Ấn Độ và Việt Nam có những thách thức riêng

Dan Panzica, cựu giám đốc điều hành của Foxconn, hiện đang tư vấn cho các công ty về các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng, cho biết ngành sản xuất của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhưng lại thiếu công nhân. Việt Nam có dân số chưa bằng 1/10 Trung Quốc. Việt Nam có khả năng xử lý các cơ sở sản xuất có sức chứa khoảng 60.000 người, nhưng chưa thể có quy mô lên tới hàng trăm nghìn người như tại Trung Quốc, ông nói thêm.

Apple đang tìm kiếm thêm cơ hội tại Việt Nam. (Ảnh: WSJ).

Trong khi đó, Ấn Độ có dân số gần bằng Trung Quốc, nhưng mức độ điều phối của chính phủ không bằng nhau. Apple đã gặp khó khăn trong việc điều hướng tại Ấn Độ vì mỗi bang được điều hành khác nhau và chính quyền khu vực buộc công ty phải thực hiện các nghĩa vụ trước khi cho phép họ xây dựng danh mục sản phẩm ở đó.

“Dù thế nào, Apple sẽ phải tìm những nơi phù hợp để thay thế “iPhone City” (đề cập tới nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn tại Trịnh Châu)”, ông Dan Panzica kết luận.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/apple-day-nhanh-ke-hoach-mo-rong-san-xuat-ra-ngoai-trung-quoc-2022125115040529.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/