Anh chàng học kiến trúc theo chiến lược nhượng quyền để gây dựng thương hiệu giày Việt

Dành tình yêu đặc biệt với nghề giày da, Nguyễn Văn Hoang – người sáng lập Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Banuli - khát khao xây dựng một thương hiệu giày Việt ngang tầm với các thương hiệu giày nổi tiếng trên thế giới.

Bỏ đồ án tốt nghiệp để bán giày

Lớn lên trong một gia đình nghèo ở Bình Định, nên việc Nguyễn Văn Hoang (sinh năm 1990) thi đậu ngành Kiến Trúc (Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) là niềm tự hào và kỳ vọng của cả gia đình. 

Nhưng cuối năm 2015, khi chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, Hoang lại quyết định bỏ giữa chừng để tập trung vào kinh doanh, bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình, bạn bè.

Chia sẻ về quyết định này, Hoang cho biết, bản thân anh là một người có niềm đam mê đặc biệt với các sản phẩm thời trang, đặc biệt là giày da. Hồi đó, thị trường giày dép Việt Nam chịu sự chi phối của những thương hiệu lớn từ nước ngoài như Salvatore Ferragamo, Gucci, Prada, hay Adidas, Nike.

"Việt Nam là quốc gia sản xuất giày đứng thứ hai trên thế giới nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào gia công cho các thương hiệu lớn", Hoang nói.

Chàng sinh viên nghèo viết ước mơ về thương hiệu giày Việt - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Hoang – CEO Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Banuli. 5 năm bắt đầu từ những bước đầu tiên, đến nay Hoang đã có trong tay một nhà máy sản xuất cùng hệ thống cửa hàng kinh doanh và nhượng quyền giày. (Ảnh: NVCC)

Nhu cầu mua sắm giày dép của người Việt tăng cao, nhưng thị trường vẫn vắng bóng những sản phẩm nội địa hợp với túi tiền. Thực tế ấy đã thôi thúc một tín đồ thời trang Việt như anh hành dộng.

"Một lần tình cờ nhìn thấy một cửa hiệu đóng giày nhỏ bày bán những đôi giày do người Việt làm ra có chất lượng chẳng thua kém những thương hiệu nổi tiếng, tôi đã quyết tâm phải gây dựng một thương hiệu giày Việt sánh ngang tầm thương hiệu trên thế giới" – Hoang tâm sự.

Ban đầu, anh nhập hàng ở các cơ sở rồi bán sỉ. Sau thời gian làm việc tại văn phòng thiết kế, vừa hoàn tất các môn học, Hoang lại cùng chiếc xe Honda cũ rong ruổi khắp các con phố của Sài Gòn, cùng một bao tải mẫu giày để chào hàng. 

"Tôi nhận thấy đây là thời điểm thích hợp nhất để thực hiện đam mê kinh doanh. Vì nếu sau gần 1 năm làm đồ án tốt nghiệp, tôi sợ rằng thời cơ sẽ đi qua và bản thân cũng không còn động lực", Hoang thổ lộ.

Hoang quyết định kinh doanh vào thời điểm thời cơ đang chín muồi trong thị trường giày da, bởi khi đó ngành giày da trong nước chưa bùng nổ như hiện nay. Ngoài các sản phẩm ngoại nhập, thị trường trong nước mới có một vài thương hiệu gạo cội như Vina giày, Hồng Hạnh.

Mặt khác, thời điểm đó cũng là lúc mạng xã hội bùng nổ và trào lưu bán hàng trên facebook bắt đầu phát triển. Nắm bắt cơ thời cơ, anh tìm hiểu sâu hơn về internet. Mặc dù chưa có website nhưng anh lại tìm hiểu tiếp cận khách hàng trên Google. 

Lượng khách đặt tăng dần. Sau một thời gian bán hàng ổn định, năm 2017, nhận thấy chất lượng sản phẩm không phù hợp để xây dựng một thương hiệu xứng tầm, Hoang đã quyết định chuyển sang tự sản xuất giày, lấy thương hiệu Banuli.

Phát triển theo mô hình nhượng quyền

Sau 3 năm phát triển, đến nay thương hiệu giày Banuli đã tạo dựng uy tín trên thị trường. Các mẫu giày Banuli đều do Hoang tự thiết kế. Với vốn kiến thức của một người từng học kiến trúc, những mẫu thiết kế Banuli có phong cách riêng. Việc phối màu, tỷ lệ đường nét trên đôi giày cũng có tính thẩm mỹ cao. 

Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm, Hoang cũng thường xuyên cập nhật những xu hướng mới, nguyên liệu và công nghệ mới. Anh tâm niệm điều kiện tiên quyết trong ngành thời trang là phải hợp với xu hướng. 

Ngoài giày, anh phát triển thêm các sản phẩm từ da khác như ví, thắt lưng. Có chất lượng tốt, nhưng sản phẩm giày da Bunali có giá khá bình dân - chỉ từ 1-2 triệu đồng/sản phẩm. Đây chính là lợi thế cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Chàng sinh viên nghèo viết ước mơ về thương hiệu giày Việt - Ảnh 2.

Hiện tại, Hoang đã xây dựng được 4 cửa hàng nhượng quyền và hệ thống hàng chục đại lý. Ảnh: NVCC

Sau hơn 2 năm phát triển mạnh sản xuất và mở tới 6 cửa hàng, năm 2020 Hoang chuyển hướng sang phương thức nhượng quyền thương hiệu. Theo Hoang, đây là thời điểm vàng để công ty đẩy mạnh độ phủ thị trường. 

Chiến lược nhượng quyền thương hiệu sẽ giúp Banuli có thể phủ sóng ra toàn quốc một cách nhanh nhất. Mặt khác, hình thức nhượng quyền sẽ giúp công ty tập trung vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, đồng thời tối ưu chi phí bán lẻ. Hiện tại, công ty đã có 4 cửa hàng nhượng quyền và hệ thống hàng chục đại lý. 

"Sau giai đoạn phủ sóng thương hiệu, mục tiêu trước mắt của công ty là chinh phục thị trường Đông Nam Á, rồi phát triển thị trường ở Nhật", Hoang tiết lộ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/anh-chang-hoc-kien-truc-theo-chien-luoc-nhuong-quyen-de-gay-dung-thuong-hieu-giay-viet-20200923102323813.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/