8 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô ở UPCoM: Đại diện nhà FPT, Masan, Viettel đều góp mặt

Ở thị trường UPCoM hiện nay có 8 doanh nghiệp sở hữu vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó có nhiều tên tuổi quen thuộc như FPT Telecom, Hàng tiêu dùng Masan, Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV), …

UPCoM là thị trường dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết, tên đầy đủ tiếng Anh là Unlisted Public Company Market, thuộc Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu ở sàn HOSE hoặc HNX, còn doanh nghiệp ở UPCoM thì chỉ "đăng ký giao dịch", không phải niêm yết.

Điều kiện để giao dịch cổ phiếu ở UPCoM thấp hơn so với ở HNX và HOSE. Nhiều doanh nghiệp khi không đáp ứng đủ tiêu chuẩn niêm yết sẽ chuyển xuống giao dịch ở UPCoM.

Đa phần các doanh nghiệp lớn và nổi tiếng đều niêm yết cổ phiếu ở HOSE, tuy vậy vẫn còn một số tổng công ty lớn lựa chọn giao dịch ở thị trường UPCoM với giá trị niêm yết hàng tỷ USD.

Tính đến cuối phiên giao dịch gần đây nhất (18/6), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất UPCoM với giá trị hơn 155.600 tỷ đồng, tương đương gần 6,8 tỷ USD.

So với đầu năm, vốn hóa của ACV đã bay hơi khoảng 17.000 tỷ đồng. Diễn biến này là không bất ngờ trong bối cảnh ngành hàng không vẫn đang chật vật vì dịch bệnh.

Các đường bay quốc tế, vốn mang lại nguồn thu lớn cho ngành, chưa được nối lại. Trong nước lại xảy ra hai đợt dịch liên tiếp vào tháng Tết Tân Sửu và giai đoạn từ trước kỳ nghỉ 30/4 cho tới nay chưa hết.

8 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô ở UPCoM: Đại diện nhà FPT, Masan, Viettel đều góp mặt - Ảnh 1.

Cửa hàng vắng khách tại một sân bay do ACV quản lý. (Ảnh: Song Ngọc).

Tại ngày 31/12/2020, ACV còn nằm trong top 6 vốn hóa toàn thị trường (bao gồm cả UPCoM, HNX và HOSE) nhưng hiện nay đã tụt xuống vị trí thứ 11.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã hạ giá mục tiêu của cổ phiếu ACV do lo ngại dịch COVID-19 tái bùng phát ở Việt Nam và một số biển thể virus trên toàn cầu sẽ tác động tiêu cực tới sản lượng hành khách của ACV.

Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Mã: VGI) đứng ngay sau ACV với vốn hóa 108.600 tỷ đồng (tương đương 4,7 tỷ USD), tăng khoảng 7.200 tỷ đồng so với đầu năm. Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đang sở hữu tới 99% vốn của VGI.

8 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô ở UPCoM: Đại diện nhà FPT, Masan, Viettel đều góp mặt - Ảnh 2.

VGI được thành lập vào tháng 10/2006 để phụ trách mở rộng kinh doanh ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel. Hiện nay, VGI đang hoạt động tại 9 quốc gia (4 ở châu Á, 4 ở châu Phi và một ở châu Mỹ), có 57 triệu khách hàng quốc tế sử dụng dịch vụ di động, internet băng rộng, điện thoại cố định và không dây.

Năm 2020, VGI ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 22.246 tỷ đồng, tăng trưởng 15,4%. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 37,7%, cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 429 tỷ đồng, trái ngược với số lỗ 545 tỷ đồng của năm 2019.

Quý I năm nay, VGI lại báo lỗ 422 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 lãi 902 tỷ.

"Họ Masan" có hai đại diện trong top 10 vốn hóa ở UPCoM là Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) và Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – Mã: MCH).

Tập đoàn Masan hiện đang sở hữu gián tiếp hơn 69% vốn điều lệ của Masan Consumer. Với giá trị niêm yết lên tới 81.500 tỷ đồng, Masan Consumer hiện là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ ba ở UPCoM và cao hơn bất kỳ doanh nghiệp nào đang niêm yết ở HNX.

Trong khi UPCoM có tới 8 doanh nghiệp tỷ đô thì sàn HNX chỉ có hai là Thaiholdings (Mã: THD) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHB) với giá trị lần lượt khoảng 69.000 và 53.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhu cầu hàng tiêu dùng tăng lên trong thời dịch, Masan Consumer ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan. Doanh thu thuần hợp nhất năm 2020 tăng 26% so với năm trước lên 23.343 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt gần 4.600 tỷ, tăng 13%.

Trong quý I/2021, doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng lần lượt 16% và 9%.

8 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô ở UPCoM: Đại diện nhà FPT, Masan, Viettel đều góp mặt - Ảnh 4.

Sản phẩm nước mắm Chin-Su của Masan Consumer. (Ảnh: Song Ngọc).

Masan High-Tech Materials do Tập đoàn Masan sở hữu gián tiếp 86,4%, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác và chế biến các loại khoáng sản gồm vonfram, florit, bismut và đồng.

Giống như Đầu tư Quốc tế Viettel, Masan High-Tech Materials cũng ghi nhận lỗ ròng trong quý I vừa qua.

FPT Telecom (Mã: FOX) là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 7 thị trường UPCoM.

Năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất 11.466 tỷ đồng, tăng trưởng 10,3% so với năm 2019 và bằng 97,1% kế hoạch đề ra. Trong đó:

+ Doanh thu mảng dịch vụ viễn thông cho khách hàng tổ chức (kênh thuê riêng, thoại trong nước, cho thuê máy chủ và chỗ đặt máy chủ, dịch vụ lưu trữ ảo, ...) tăng 3,1% so với năm 2019;

+ Doanh thu dịch vụ viễn thông cố định cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình tăng trưởng 10,9%;

+ Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền tăng 27,6% trong bối cảnh người dân ở nhà nhiều hơn so với trước dịch.

+ Duy nhất mảng nội dung số có doanh thu giảm 1,6% và chỉ hoàn thành 90,2% kế hoạch do lĩnh vực quảng cáo gặp nhiều khó khăn, khách hàng doanh nghiệp cắt giảm ngân sách chi tiêu, cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội, truyền hình, digital marketing.

8 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô ở UPCoM: Đại diện nhà FPT, Masan, Viettel đều góp mặt - Ảnh 5.

Nhân viên FPT Telecom đang làm việc. (Ảnh: FPT Telecom).

Quý I vừa qua, FPT Telecom báo cáo doanh thu thuần 2.925 tỷ và lãi sau thuế 461 tỷ, tăng trưởng lần lượt 9,6% và 28,9% so với cùng kỳ.

Cả năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu 12.700 tỷ và lãi trước thuế 2.380 tỷ, tăng tương ứng 10,8% và 14,8% so với thực hiện năm ngoái. Đồng thời, FPT Telecom cũng lên kế hoạch đầu tư dự án xây dựng tuyến cáp đất liền Việt Nam – Singapore và dự án xây dựng tòa nhà văn phòng FPT Telecom Tower tại TP HCM.

CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng vốn hóa ở UPCoM với giá trị niêm yết khoảng 2,8 tỷ USD.

Quý I vừa qua, BSR báo cáo lãi sau thuế 1.848 tỷ đồng, cao thứ 12 toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả khả quan này cũng trái ngược hoàn toàn với số lỗ gần 2.400 tỷ cùng kỳ 2020 khi nhu cầu nhiên liệu giảm sốc vì các biện pháp phong tỏa chống dịch.

Trong báo cáo phân tích về ngành dầu khí mới đây, Chứng khoán SSI cho rằng lợi nhuận của BSR dự kiến sẽ phục hồi đáng kể vào năm 2021 nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 10%, cũng như biên lợi nhuận phục hồi theo xu hướng giá dầu tăng.

Theo phân tích của SSI, cổ phiếu BSR có tương quan biến động rất cao với giá dầu thô Brent. Khi giá dầu tăng 1% thì giá BSR tăng khoảng 0,82% trong khi PLX là 0,78%, GAS là 0,77%, PVT là 0,68% còn PVS và PVD lần lượt là 0,67% và 0,6%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/8-doanh-nghiep-von-hoa-ty-do-o-upcom-dai-dien-nha-fpt-masan-viettel-deu-gop-mat-20210620112522457.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/