8 câu chuyện đáng chú ý tại hội nghị G20 tuần này

Hội nghị thượng đỉnh G20 trên đảo Bali, Indonesia có thể sẽ là một trong những kỳ họp khó khăn nhất cho tới nay. Hội nghị diễn ra giữa lúc chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn, Mỹ ngày càng đối đầu với Trung Quốc cũng như căng thẳng với Arab Saudi về nguồn cung dầu mỏ.

Nga giảm sự hiện diện

Theo Bloomberg, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tới dự hội nghị G20. Cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài tới tháng thứ 9 và nền kinh tế Nga đang chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề từ phương Tây.

Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, tại hội nghị G20, cựu Thủ tướng Canada Stephen Harper đã nói với Tổng thống Putin rằng ông sẽ bắt tay, “nhưng Nga phải rời khỏi Ukraine”. Thủ tướng Tony Abbott của nước chủ nhà Australia từng đe dọa sẽ “đẩy ngã” ông Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014. (Ảnh: Bloomberg).

Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ là người thay mặt cho Tổng thống Putin tại hội nghị G20 lần này, theo thông tin từ Bloomberg.

Trước chuyến công du tới Bali, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết G20 sẽ “không hoạt động như bình thường”. Ông nói: “Chúng tôi sẽ chỉ trích Moscow và lột trần sự thiếu tôn trọng tới hợp tác quốc tế của Nga”.

Cuộc gặp của ông Biden và ông Tập

Nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gặp nhau tại Bali vào ngày 14/11. Cuộc gặp gỡ sẽ đánh dầu lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo tiếp xúc trực tiếp kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Cuộc gặp diễn ra ngay sau khi ông Tập trúng cử nhiệm kỳ thứ ba và Đảng Dân chủ của ông Biden giành được đa số ghế tại Thượng viện.

Căng thẳng giữa hai cường quốc đang lên cao, liên quan đến các chính sách thương mại, công nghệ, tiếp cận thị trường, các động thái của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan, Hong Kong cũng như việc Bắc Kinh không lên án Nga trong xung đột Ukraine.

 

Tầm quan trọng của thị trường hàng hoá Trung Quốc đối với Mỹ và ngược lại đã giảm đi phần nào trong những năm qua, do thuế quan, căng thẳng và việc chuyển dịch thương mại sang những quốc gia khác.

Hai nước có một số lý do để điều chỉnh lại những rào cản trong quan hệ, có lẽ bằng cách tập trung vào những lợi ích chung như ngăn chặn biến đổi khí hậu hoặc ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ngũ cốc Ukraine và giá trần dầu Nga

Vào tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hợp Quốc, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận để đưa ngũ cốc của Ukraine tới những nước nghèo hơn nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực và ngăn chặn lạm phát toàn cầu.

Tháng trước, sau vụ tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga, Moscow đã tạm đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc. Sau đó, Nga đã quay trở lại khi được Thổ Nhĩ Kỳ thuyết phục. 

 

 

 

 

Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 19/11. Ngay cả khi Nga không muốn gia hạn, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc vẫn có thể cho phép các tàu tiếp tục đến và đi. Tuy vậy, các công ty vận chuyển có thể gặp rủi ro lớn và chi phí bảo hiểm cao. 

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G7 vẫn đang cố gắng hoàn thành kế hoạch áp giá trần với dầu Nga. G7 sẽ cần phải thuyết phục các nước khác để xúc tiến kế hoạch này.

Căng thẳng giữa các nhóm trong G20

Chiến sự Ukraine đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa các nền kinh tế G7, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp,… với những quốc gia được gọi là “Global South” (các nước kém phát triển hơn ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á).

Global South không có nhiều công cụ để chống lại khủng hoảng lương thực và năng lượng cũng như sự tàn phá của biến đổi khí hậu và đói nghèo bằng nhóm G7. Một số nước bất bình vì cho rằng phương Tây thiếu hỗ trợ họ.

Bất đồng cũng cũng được thể hiện ở việc một số nước bị ép buộc phải tham gia trừng phạt Nga, hoặc hạn chế mua năng lượng của Nga.

Những căng thẳng này đang phản ánh một thế giới ngày càng đa cực, nơi các liên minh xoay trục quanh Mỹ hoặc Trung Quốc, và trên cơ sở khu vực, xung quanh những quốc gia như Arab Saudi.

Quan hệ lạnh giá giữa Mỹ và Arab Saudi

Theo Bloomberg, khó có thể kỳ vọng ông Biden và Thái tử Mohammed bin Salman sẽ tham gia một cuộc trò chuyện ấm cúng. Mỹ và Arab Saudi đã mâu thuẫn trong suốt nhiều tuần kể từ khi Riyadh thúc đẩy OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu.

Vào tháng 7, ông Biden đã tới Arab Saudi nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của Thái tử bin Salman để kiềm chế giá dầu tăng cao. Chuyến thăm trên không mang đến nhiều kết quả tích cực.

Tổng thống Biden và Thái tử Mohammed bin Salman chào nhau bằng cái đấm tay ở Jeddah, Arab Saudi vào ngày 15/7. (Ảnh: Cơ quan Báo chí Arab Saudi).

Nhà Trắng cho rằng Arab Saudi đã buộc các nước OPEC+ khác cắt giảm sản lượng. Một số nhà lập pháp Mỹ bắt đầu kêu gọi hạn chế bán vũ khí cho Arab Saudi.

Về phần mình, Thái tử bin Salman dường như không bị dao động, và đang gửi tín hiệu rằng Chủ tịch Tập sẽ có chuyến thăm tới vương quốc vào tháng sau.

Những nhà lãnh đạo mới

Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này sẽ chứng kiến sự ra mắt của một số nhà lãnh đạo mới. Danh sách này bao gồm Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Ba nước G7 sẽ có các đại diện mới, bao gồm Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người mới thua ông Luiz Inacio Lula da Silva trong cuộc bầu cử, cũng có thể xuất hiện tại G20.

Thách thức của chủ nhà Indonesia

Chủ nhà Indonesia sẽ phải cố gắng ngăn hội nghị thượng đỉnh đi chệch hướng. Nước này sẽ phải sắp xếp sao cho một số nhà lãnh đạo không muốn nhìn thấy nhau tránh khỏi cảnh vô tình gặp mặt trong hành lang.

Thông cáo kết thúc cuộc họp có thể khó lòng thống nhất khi mà Nga từ chối gọi hành động quân sự của mình tại Ukraine là một cuộc xâm lược. Những truyền thống của hội nghị G20, chẳng hạn như “bức ảnh gia đình” của các lãnh đạo cũng sẽ khó xảy ra. 

Indonesia cũng cần phải đạt được một số tiến bộ chung, hoặc ít nhất là một tuyên bố chung về kế hoạch đối phó với các thách thức lớn như nợ công, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

 

Tuy vậy, các nước thường đạt được thoả thuận đáng chú ý bên lề các cuộc họp hơn là trong những hội trường lớn. Điều tốt nhất mà Indonesia có thể hy vọng là không có các cuộc tranh cãi gay gắt trong các buổi họp tập thể.

 

Bức ảnh nổi tiếng trong hội nghị G7 tại Canada năm 2018. (Ảnh :Bloomberg).

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018 ở Canada, các nhà lãnh đạo đã ra một thông cáo chung mặc sự phản đối gay gắt của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một bức ảnh vào năm 2018 cho thấy các nhà lãnh đạo tập trung xung quanh ông Trump, thúc giục ông ký vào thông cáo.

Cuối cùng, cựu Tổng thống Mỹ cũng chịu ký, chỉ để “hủy thỏa thuận” vài giờ sau khi rời hội nghị. Thủ tướng nước chủ nhà Canada, ông Justin Trudeau đã bị cựu Tổng thống Trump cáo buộc là thiếu trung thực.

Xao nhãng bên ngoài

Đối với ông Biden, hội nghị thượng đỉnh G20 có thể bị lu mờ bởi cựu Tổng thống Trump. Ông Trump dự kiến sẽ đưa ra một “thông báo lớn” trong tuần này, nhiều khả năng liên quan đến kế hoạch ra tranh cử năm 2024.

Việc ông Trump tái tranh cử sẽ là điều đầu tiên mà các nhà lãnh đạo hỏi ông Biden. Vào năm 2020, Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng việc chạy đua vào Nhà Trắng của ông là nhằm ngăn chặn nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Một người khác có thể ảnh hưởng tới hội nghị tại Bali là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người đã liên tục phóng tên lửa cỡ lớn và đang chuẩn bị thử vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có thể ngay lập tức thu hút sự chú ý khi các lãnh đạo từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc (đối thủ) và Nga, Trung Quốc (đồng minh) đang cùng ở Bali. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/8-cau-chuyen-dang-chu-y-tai-hoi-nghi-g20-tuan-nay-2022111415014696.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/