6 biểu đồ thể hiện tác động của giãn cách tới chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Dù Việt Nam đã kết thúc đợt giãn cách xã hội dài nhất trong đại dịch COVID-19 vào ngày 1/10, loạt vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng vẫn còn khá ngổn ngang.

Sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội, cuộc sống của người dân, đời sống kinh tế và các đối tác kinh doanh của Việt Nam đều chịu tổn thất ít nhiều. Một số doanh nghiệp Mỹ có nhà cung ứng tại nước ta phải đối mặt với tình trạng đơn hàng bị hủy hoặc giao chậm.

Hiện tại, Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp giãn cách, tiến tới giai đoạn "bình thường mới". Tuy nhiên, các nhà sản xuất giờ đây lại phải lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động, một hệ lụy từ đại dịch.

Trang tin Supply Chain Dive đã tổng hợp một số dữ liệu đáng chú ý vào 6 biểu đồ, qua đó cho thấy ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong hơn 4 tháng vừa qua.

1. Đối tác thương mại đang lên của Mỹ

Theo dữ liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), Việt Nam là nước xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất sang Mỹ. Ngoài ra, các nhà cung ứng trong nước còn sản xuất quần áo, máy móc điện tử, chất bán dẫn và sản phẩm cao su cho các đối tác Mỹ.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu khoảng 6,7 tỷ USD sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40% trong tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ, tăng 4,5 điểm % so với cùng kỳ 2020.

Hồi tháng 7, ông Tom Gould, Phó Chủ tịch tại công ty môi giới hải quan Flexport (Mỹ), nhận xét: "Việt Nam đã có vị thế nhất định trong mắt các đối tác nước ngoài. Họ có thể sản xuất và tự cung ứng sản phẩm, chứ không còn là một địa điểm gia công hàng hóa".

Lợi thế trên đã giúp Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu hàng đầu của Mỹ tại Đông Nam Á, trong bối cảnh các công ty nước ngoài muốn tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

 

2. Hình mẫu chống dịch lung lay

Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, Việt Nam được coi là một hình mẫu trong cuộc chiến chống dịch trên toàn cầu.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt cùng với hoạt động xuất khẩu bùng nổ đã giúp nền kinh tế nước ta tăng trưởng 2,91% trong năm 2020, là "một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới".

Tuy nhiên, khi làn sóng COVID mới xuất hiện vào tháng 5 năm nay tại các tỉnh phía nam, hình mẫu thành công đã bị lung lay. Các lệnh "ai ở đâu, ở yên đó" cùng quy định sản xuất "3 tại chỗ" được ban hành, doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa,…

Trước tháng 5, Việt Nam báo cáo chưa đến 3.000 ca tử vong do COVID-19. Con số đó đã tăng lên đến 21.700 trường hợp, theo Bộ Y tế Việt Nam.

 

3. Cảng biển "dậm chân tại chỗ"

Đại dịch COVID-19 cũng tấn công các cảng biển tại Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu sụt giảm vì các chuyến hàng bị trì hoãn, theo dữ liệu từ nền tảng hàng hải Project44. Thời gian ở lại cảng của các container tăng liên tục kể từ tháng 8 và leo lên gần một tuần tại thời điểm giãn cách xã hội được dỡ bỏ vào ngày 1/10.

"Khác với tình hình các cảng tại Mỹ và một số ở Trung Quốc, thời gian container ở lại cảng và tình trạng tắc nghẽn cảng ở Việt Nam chủ yếu liên quan đến đại dịch COVID-19", ông Hariesh Manaadiar, Giám đốc cấp cao tại Project44 (Mỹ), cho hay. Chưa kể, lượng công nhân sẵn có tại các cảng của Việt Nam có thời điểm sụt còn khoảng 50%.

 

4. Xuất khẩu lao dốc

Do các nhà máy phải tạm thời đóng cửa và hoạt động sản xuất chững lại trên khắp cả nước, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng chậm lại, ông Chris Jones - Phó Chủ tịch của nền tảng logistics Descartes, thông tin.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sụt giảm mạnh nhất trong tháng 9, vài tháng sau khi miền nam giãn cách xã hội.

"Tại sao kim ngạch xuất khẩu giữ vững trong tháng 7 và 8, và chỉ bắt đầu giảm trong tháng 9? Chúng tôi cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ sự lệch pha giữa sản xuất và vận chuyển", ông Jones nói.

"Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vận tải biển toàn cầu vẫn diễn ra, nhiều khả năng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong tháng 7 và 8 đã được sản xuất từ đầu năm", vị phó chủ tịch nói thêm.

 

5. Các thương hiệu toàn cầu đối mặt rủi ro lớn

Cú sốc ở phía nhà cung ứng tại Việt Nam đã ảnh hưởng đến các thương hiệu trên toàn cầu, dù không phải sản phẩm và doanh nghiệp nào cũng chịu tác động tương đương nhau.

Ngân hàng đầu tư Cowen (Mỹ) đã công bố một nghiên cứu hồi đầu tháng 10, trong đó đánh giá các tác động tiềm tàng của tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đến doanh số của nhà bán lẻ tại Mỹ.

Các nhà phân tích đã xem xét mức độ phụ thuộc của các thương hiệu nhất định vào Việt Nam bằng cách tính toán tỷ trọng cung ứng hàng hóa của nước ta trong tổng nguồn cung của các thương hiệu đó.

Khi dịch bệnh lan rộng hơn vào tháng 8 và 9, một số công ty có chuỗi cung ứng đáng kể tại Việt Nam đã cảnh báo về những thiệt hại tài chính tiềm tàng.

Ông Jonathan Ramsden, CEO của hãng bán lẻ Big Lots, cho biết việc các nhà máy ở nước ta tạm đóng cửa có thể khiến công ty này mất 60 triệu USD doanh thu do nguồn hàng có thể không đến kịp lúc.

 

6. Đồ nội thất, may mặc khó thoát hiểm

Big Lots đặc biệt gọi các sản phẩm nội thất của mình là một phân khúc có rủi ro về doanh số. Đồ nội thất chiếm khoảng 35% tổng công suất vận tải hàng từ Việt Nam sang Mỹ, đồng thời chiếm 28% số vận đơn, theo dữ liệu của Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ.

Các công ty nhập khẩu những danh mục hàng khác từ Việt Nam, chẳng hạn như hàng may mặc, cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

 

Nhiều nhà máy tại miền nam Việt Nam đã bắt đầu khởi động lại từ đầu tháng 10, nhưng có thể phải mất một thời gian để họ khôi phục công suất. Cowen dự đoán công suất có thể bình thường trở lại trong khoảng từ cuối tháng 10 năm nay (kịch bản lạc quan nhưng kém thực tế nhất) đến quý I/2022 (kịch bản dễ xảy ra nhất).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/6-bieu-do-the-hien-tac-dong-cua-gian-cach-toi-chuoi-cung-ung-tai-viet-nam-20211026174341623.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/