5 điều ít biết về người phụ nữ quyền lực đứng đầu ngân hàng trung ương Nga

Bà Elvira Nabiullina là người phụ nữ đầu tiên làm thống đốc một ngân hàng trung ương trong khối G8 và là một trong những cố vấn thân cận của ông Putin.

5 điều ít biết về người đàn bà quyền lực đứng đầu ngân hàng trung ương Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Thống đốc Ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina. (Ảnh: Reuters).

Bà Elvira Nabiullina giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) liên tục từ tháng 6/2013 đến nay và nhiệm kỳ của bà sẽ kết thúc vào tháng 6/2022. Theo quy định, Tổng thống Nga Vladimir Putin cần tái đề cử bà Nabiullina hoặc giới thiệu người thay thế trước 24/3.

Ngày 18/3, ông Putin tái đề cử bà Nabiullina làm Thống đốc thêm nhiệm kỳ thứ 3. Hạ viện Nga sẽ xem xét đề cử này vào ngày 21/3, hãng tin TASS cho hay.

Theo Reuters, bà Nabiullina năm nay 58 tuổi, là nữ Thống đốc đầu tiên của CBR và là người có quan điểm chống lạm phát quyết liệt.

Cuối tháng 2 vừa qua, trong bối cảnh đồng ruble (rúp) mất giá vì cuộc xung đột Ukraine và hàng loạt lệnh cấm vận của Phương Tây, bà Nabiullina đã nâng lãi suất điều hành từ 9,5% lên 20%/năm để ngăn đồng tiền mất giá.

Bộ Kinh tế Nga và nhiều ông trùm công nghiệp đã kêu gọi ngân hàng trung ương hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng nhưng bà Nabiullina khước từ.

5 điều ít biết về người đàn bà quyền lực đứng đầu ngân hàng trung ương Nga - Ảnh 1.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Giờ đây, khi trách nhiệm của ngân hàng trung ương Nga đối với duy trì ổn định vĩ mô ngày càng lớn, Tổng thống thường xuyên nói chuyện với bà Nabiullina".

Reuters dẫn lời ông Dmitry Polevoy, Giám đốc đầu tư của Locko Invest nhận xét: "Quyết định tái bổ nhiệm này sẽ loại bỏ nhiều câu hỏi không cần thiết từ 'các nhóm ảnh hưởng' khác nhau. Rõ ràng là trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế cần một chính sách tiền tệ mang tính kích thích … Nhưng có vẻ thực tế sẽ không có thay đổi nào lớn khi bà Nabiullina được tái bổ nhiệm".

Dưới đây là 5 thông tin đáng chú ý về bà Elvira Nabiullina:

1. Bà tốt nghiệp Đại học Moscow và vào năm 2013 trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một ngân hàng trung ương trong khối G8. Trước đó, bà Nabiullina từng là cố vấn của Tổng thống Putin và Bộ trưởng Kinh tế.

Nhóm G8 bao gồm 8 nền kinh tế lớn và phát triển nhất thế giới là: Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada và Nga. Sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, Nga bị 7 nước còn lại buộc rời khỏi nhóm, từ đó G8 trở thành G7.

Nền kinh tế Nga cũng rơi vào khó khăn kể từ năm 2014 do nhiều lệnh cấm vận của Phương Tây.

5 điều ít biết về người đàn bà quyền lực đứng đầu ngân hàng trung ương Nga - Ảnh 4.

2. Bà Nabiullina được nhiều người rất tôn trọng, bao gồm cả các chuyên gia Phương Tây. Bà được coi là có công hiện đại hóa Ngân hàng trung ương Nga, giúp tổ chức này lấy được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời kỳ kinh tế khó khăn, bao gồm giai đoạn cấm vận sau năm 2014.

3. Sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea đầu năm 2014, bà Nabiullina giúp Nga xây dựng kho dự trữ ngoại hối trị giá hơn 640 tỷ USD, xếp thứ 4 thế giới. Bà cũng chủ trương tăng cường tích trữ vàng và giảm tỷ trọng USD.

Đáng tiếc là khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022, một lượng lớn dự trữ của Nga vẫn để ở các ngân hàng Phương Tây và khoảng 300 tỷ USD đã bị phong tỏa. Tuy vậy, Nga vẫn còn hơn 2.000 tấn vàng ở trong nước, trị giá khoảng 140 tỷ USD.

5 điều ít biết về người đàn bà quyền lực đứng đầu ngân hàng trung ương Nga - Ảnh 5.

Tại ngày 31/12/2021, dự trữ ngoại hối của Nga là 631 tỷ USD. Đến 25/2/2022, con số tăng lên thành 643 tỷ USD.

4. Bà Nabiullina là người dân tộc Tatar và là một trong số ít phụ nữ trong giới lãnh đạo cao cấp của Nga. Bà được Tổng thống Putin rất tin tưởng và có quan điểm chống lạm phát mạnh mẽ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tháng 12 năm ngoái, bà Nabiullina cho rằng lạm phát cao có thể làm xói mòn lòng tin vào ngân hàng trung ương Nga.

5. Bà Nabiullina nổi tiếng với việc gửi đi các thông điệp ngầm thông qua cách lựa chọn trang phục và các phụ kiện đi kèm mỗi lần xuất hiện trước công chúng.

Tháng 5/2020, khi chính phủ Nga khuyến khích người dân ở yên trong nhà để phòng dịch, bà Nabiullina đeo một chiếc ghim cài áo hình ngôi nhà.

Một tháng sau đó, khi ngân hàng trung ương Nga cắt lãi suất, bà đeo chiếc ghim cài áo hình chim bồ câu. Trong giới tài chính, bồ câu mang nghĩa chính sách tiền tệ nới lỏng, trái ngược với diều hâu mang nghĩa thắt chặt.

Ngày 28/2/2022, ngân hàng trung ương Nga đột ngột nâng lãi suất từ 9,5% lên 20% để ngăn dòng người ồ ạt rút tiền sau các lệnh trừng phạt của Phương Tây. Trong buổi công bố chính sách mới, bà Nabiullina đã mặc một chiếc váy màu đen tuyền – loại thường được mặc tới các đám tang.

5 điều ít biết về người đàn bà quyền lực đứng đầu ngân hàng trung ương Nga - Ảnh 6.

Thống đốc Nabiullina mặc váy đen khi thông báo nâng lãi suất từ 9,5% lên 20%/năm hôm 28/2/2022. (Ảnh: CBR).

Giới quan sát đoán rằng chiếc váy đen cho thấy bà Nabiullina không ủng hộ quyết định quân sự của ông Putin ở Ukraine và bà đang lo rằng các lệnh cấm vận của Phương Tây sẽ đánh gục, thậm chí giết chết, nền kinh tế Nga.

Bài toán khó cho nữ thống đốc

Ngày 18/3, ngân hàng trung ương Nga quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 20% để giữ giá đồng tiền. Tuy vậy, lạm phát cao là điều khó tránh khỏi.

"Nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mang tính cấu trúc quy mô lớn. Lạm phát tăng tạm thời là điều không thể tránh khỏi", thông cáo của CBR viết.

Một khảo sát độc lập do CBR yêu cầu thực hiện trong tháng 3 này cho thấy các nhà phân tích dự báo lạm phát năm nay sẽ lên tới 20% và GDP sẽ suy giảm 8%. Lãi suất trung bình cả năm 2022 sẽ vào khoảng 18,9%.

Hôm 18/3, CBR không đưa ra dự báo lạm phát và tăng trưởng kinh tế năm 2022 nhưng nói rằng GDP sẽ giảm trong các quý tới và lạm phát sẽ quay về mức mục tiêu 4% vào năm 2024.

5 điều ít biết về người đàn bà quyền lực đứng đầu ngân hàng trung ương Nga - Ảnh 7.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/5-dieu-it-biet-ve-nguoi-dan-ba-quyen-luc-dung-dau-ngan-hang-trung-uong-nga-20220320014041036.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/