5 bước loại bỏ thói quen mua sách nhưng không bao giờ đọc

Động lực đọc sách biến mất khi những "núi sách" liên tục chồng chất. Nó khiến không gian sống bề bộn và việc đọc trở nên vô cùng gượng gạo. Nếu muốn nói lời tạm biệt với "tsundoku", hãy thử 5 bước sau đây.

5 bước loại bỏ 'Tsundoku': Thói quen mua sách nhưng không bao giờ đọc  - Ảnh 1.

Hãy tạm biệt "tsundoku" - thói quen mua sách nhưng không bao giờ đọc. (Ảnh: Medium).

Tham khảo từ bài viết của Sayaka Nogawa.

"Tsundoku" là gì?

"Tsundoku" có nghĩa là một chồng sách chất đống mà chủ nhân không đoái hoài đến. Theo từ điển Kojien (Nhật Bản), tsundoku là cách chơi chữ của "tsun-de-oku" và "doku". Nó được hình thành từ những động từ "chất thành đống", "bỏ đi" và "đọc", được dùng để ám chỉ thói quen mua sách nhưng không bao giờ đọc.

Từ thời Meiji (giai đoạn năm 1868 - 1912), những người yêu sách tại Nhật Bản đã thường xuyên sử dụng tsundoku như từ ngữ mang tính mỉa mai đầy hài hước:

A: Bạn có mua sách nữa à? Tôi biết bạn còn chưa động tới quyển nào.

B: Ừ thì vậy, nhưng cuốn sách này trông thú vị lắm, nó là quyển bán chạy nhất đấy! Chắc chắn sẽ rất đáng đọc!

A: Tsundoku, tôi chắc chắn bạn không có thời gian đọc chúng!

Nếu không phải là một Otaku (người say mê anime, manga...) hay nhà sưu tầm thì chắc chắn họ từng là những người rất muốn đọc sách. Nhưng cảm giác choáng ngợp và chán nản xuất hiện khi những "núi sách" liên tục chồng chất đã hình thành thói quen "tsundoku". Thói quen này sẽ khiến không gian sống của họ trở nên bề bộn và họ chỉ đọc sách vì không muốn tiền bạc bị lãng phí. 

Tuy nhiên, đây không phải là một "căn bệnh" khó trị. Chỉ với năm bước, bạn đã có thể nói lời tạm biệt với "tsundoku". Nhưng bạn không cần phải chúng nếu yêu thích cảm giác sống cùng với sách. Song, nếu bạn ghét sự thừa thãi và cảm thấy khó chịu vì thói quen này thì ít nhất hãy đọc qua bước thứ năm. 

Bước 1. Đặt ra giới hạn cụ thể để kiểm soát hành vi 

Đầu tiên, hãy đặt ra giới hạn cụ thể để dễ dàng kiểm soát hành vi của bản thân. Những người mắc thói quen tsundoku thường có xu hướng bị thu hút bởi những quyển sách mới. Hãy giảm dần số sách bạn muốn mua trong một tháng. Đừng mua ba quyển sách/tháng. Thay vì vung tay quá trán, hãy tuyển chọn những quyển sách bạn thật sự thích. Điều đó sẽ tạo ra động lực giúp bạn hoàn thành chúng. 

Sẽ thế nào nếu ta đọc hết một quyển sách và bắt đầu ngay quyển tiếp theo? Chuỗi hành động này sẽ tạo ra động lực cùng cảm giác thật sự năng suất. Và nó đáng được ghi nhận như một thành tích của bạn.

Bước 2. Đừng biến việc đọc sách thành một nghĩa vụ

Bạn có thể đọc sách bất cứ khi nào mình muốn. Và hãy nhớ rằng, số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Nhìn theo hướng tích cực, thành tích giúp tạo ra động lực. Tuy nhiên, nếu quá chạy theo thành tích, nó sẽ biến thành một căn bệnh. Vì vậy, đừng ép bản thân vào một quy tắc nào cả. 

Không ai buộc bạn phải đọc hết ba quyển sách trong vòng một tháng. Vì trên thực tế, ta chỉ có thể bắt đầu quyển sách thứ hai sau khi kết thúc quyển thứ nhất. Và cũng đừng đọc chúng cùng lúc, điều đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức của bạn.

3. Học cách loại bỏ sự thừa thãi

Hãy nói lời tạm biệt với những quyển sách đã nằm yên trên kệ quá ba tháng. Ba tháng không quá dài nhưng đủ để thay đổi sở thích của bạn. Có lẽ, vào thời điểm mua nó, bạn đã thật sự quan tâm đến chủ đề mà quyển sách nhắc đến. Nhưng thông tin luôn cập nhật và thay đổi từng ngày, đã đến lúc để làm mới tủ sách, tái tạo sự tò mò và khởi động lại thói quen đọc sách của mình.

4. Cho đi

Hãy bán những quyển sách cũ, hoặc nhân văn hơn, hãy mang tặng chúng cho những người bạn. Những quyển sách sẽ rất vui khi được chủ nhân mới nâng niu, chăm sóc. Hơn thế nữa, nhờ vào việc cho hoặc bán sách, bạn sẽ nhận lại tình cảm và không cảm thấy rằng mình đang phí phạm tiền của.

5. Tìm ra thể loại yêu thích

Trước khi sách của bạn trở thành tsundoku, chắc hẳn bạn đã đọc qua vài quyển đúng không? Hãy tìm ra loại sách yêu thích của mình bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Đâu là quyển sách hấp dẫn bạn từ đầu đến cuối? Bạn đã và chưa hoàn thành những quyển sách nào? Và hãy chọn ra là hai quyển sách đọc nhanh và chậm nhất của bạn.

Theo đó, những quyển sách bạn không thể hoàn thành, bỏ dở hoặc cảm thấy mệt mỏi khi đọc chúng là những thứ bạn không thích. Bằng cách trả lời những câu hỏi đó, bạn sẽ giới hạn được mối quan tâm thực sự của mình. Đồng thời, xác định được loại sách không phù hợp. Và có thể bạn sẽ nhận ra rằng, những quyển sách bán chạy nhất đôi khi không thú vị như mình tưởng.

Tạm kết

Tsundoku có khiến bạn liên tưởng đến điều gì không? Đó là triệu chứng mở nhiều trang trên máy tính. Chúng thật thật hỗn loạn. Vì không biết nên đọc tài liệu nào trước mà những hành động thiếu quyết đoán đã gây rối một phần của cuộc sống.

Hãy thanh lý những quyển sách không cần đến, xoá bớt các trang tính và cố gắng sàng lọc thông tin để tập trung vào việc đọc và thưởng thức. Không có áp lực nào ở đây cả. Thậm chí nếu bạn quyết định ngừng đọc, cũng chẳng có gì là tồi tệ. Vẫn còn rất nhiều cách để mở mang đầu óc, nó tuỳ thuộc vào mức độ bận rộn của bạn. Nếu bạn đang ngán ngẫm việc đọc sách và muốn có một lựa chọn thay thế thì hãy chọn một kênh podcast thú vị và thử nghe khi có thời gian. 

Và cũng chẳng có vấn đề gì khi bạn thích những chồng sách chất đống. Nhưng đừng quên giữ chúng sạch sẽ và gọn gàng nhất có thể. Vì theo thời gian, thói quen nhỏ sẽ tạo nên cuộc sống.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/5-buoc-loai-bo-thoi-quen-mua-sach-nhung-khong-bao-gio-doc-20210817180839786.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/