5 bài học từ xung đột Ukraine: Chiến tranh quy mô lớn quay lại, quân đội mạnh là chưa đủ

Xung đột Ukraine đã cho thấy chiến tranh hiện đại không chỉ diễn ra trên chiến trường, bằng xe tăng, súng đạn, mà còn trên mặt trận kinh tế, ngoại giao, chính trị, ....

Bài học Afghanistan

Vào cuối mùa đông, Moscow đưa hàng trăm lính dù xuống sân bay chính của một quốc gia láng giềng với mục tiêu chiếm thủ đô, giết tổng thống và thiết lập chính quyền mới. Khi xe tăng vượt qua biên giới, Điện Kremlin cho rằng quốc gia này sẽ nhanh chóng thất thủ.

Đó là kế hoạch của Moscow - cho cuộc xâm lược Afghanistan vào năm 1979. Theo Financial Times, 4 thập kỷ sau, Nga đã áp dụng kế hoạch tương tự để tấn công Ukraine.

Ông Mark Galeotti, chuyên gia và nhà sử học kỳ cựu về nước Nga, cho biết: “Có một sự tương đồng đáng buồn” giữa quyết định tấn công Afghanistan và xung đột Ukraine. “Trong cả hai trường hợp, quân đội nghĩ cuộc tấn công là một ý tưởng tồi, nhưng đều bị bác bỏ”.

Chiến tranh Afghanistan đã khiến 15.000 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng, và Moscow kẹt lại trong vũng lầy tới 10 năm. Financial Times cho rằng Điện Kremlin đang tiếp tục lặp lại sai lầm tại Ukraine.

Quân đội Moscow đã bị kẹt lại Afghanistan trong 10 năm. (Ảnh: Sipa/Shutterstock).

Moscow đã thất bại trong việc chiếm thủ đô Kiev hồi đầu cuộc xung đột. Quân đội Ukraine cũng đã đẩy Nga ra khỏi một số vùng lãnh thổ quan trọng, chẳng hạn như Kharkov hay thành phố Kherson. 

Tuy vậy, Moscow dường như vẫn không nản lòng. Ukraine đã nhiều lần cảnh báo rằng Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công trên bộ khác vào Kiev. 

Hôm 26/12, hãng thông tấn TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: "Những đề xuất của chúng tôi về phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa các vùng lãnh thổ do Kiev kiểm soát, loại bỏ mối đe dọa đối với an ninh của Nga, bao gồm cả những vùng đất mới, đã được phía Ukraine hiểu rõ".

“Câu chuyện rất đơn giản: [Hoặc Ukraine] hoàn thành những đề xuất trên vì lợi ích chính họ. Hoặc quân đội Nga sẽ định đoạt”.

Sẵn sàng cho chiến tranh trên quy mô lớn

Các quan chức quân sự và nhà phân tích nhận định rằng “chiến tranh quy mô lớn đã quay trở lại”. Các quốc gia phải có năng lực công nghiệp quốc phòng và kho vũ khí khổng lồ để duy trì xung đột cường độ cao.

Theo ông James Heappey, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh, Ukraine đã được đồng minh phương Tây cung cấp cho “chiều sâu chiến lược”. Các quốc gia này đã gửi hơn 40 tỷ USD viện trợ cho Kiev. 

Tuy vậy, cho đến nay, phương Tây vẫn cảnh giác với khả năng leo thang xung đột, dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga. Mỹ và đồng minh vẫn từ chối cung cấp xe tăng hiện đại, tên lửa tầm xa và máy bay phản lực cho Kiev.

Ông Domitilla Sagramoso, chuyên gia an ninh về Nga tại Đại học King, nói: “Câu hỏi quan trong cho năm 2023 là phương Tây sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine bao nhiêu hỗ trợ quân sự và dưới hình thức nào?”.

Tầm quan trọng của tình báo và chỉ huy

Ông Ben Barry, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định rằng hậu cần tốt, quân số đông và vũ khí hiệu quả cũng “chẳng có ý nghĩa gì nếu tình báo và lãnh đạo thiếu năng lực”.

Ông cho rằng quân đội Nga tiếp tục thể hiện “tinh thần thấp, chiến lược hiệp đồng tác chiến và lãnh đạo kém”.

Nga đã rút lui khỏi nhiều khu vực rộng lớn, như Kharkov hay bờ tây tỉnh Kherson.  

Vào tháng 10, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm Đại tướng Sergey Surovikin làm chỉ huy lực lượng Nga tại Ukraine. Ông Surovikin “nhiều khả năng là nhà lãnh đạo có năng lực nhất mà Nga đã bổ nhiệm”, bà Dara Massicot, chuyên gia quân sự tại viện nghiên cứu Rand Corporation, nhận định.

Ông Surovikin đã củng cố tiền tuyến bằng những người lính mới động viện. Ông cũng là đạo diễn của cuộc rút lui thành không khỏi thành phố Kherson, khi quân đội Nga đối mặt với nguy cơ bị bao vây.

Theo các chuyên gia phương Tây, những vị trí phòng thủ kiên cố hơn khiến Ukraine khó phản công trong mùa đông nhằm cắt đứt hành lang trên bộ nối liền Nga với Crimea. Tuy nhiên, Ukraine vẫn có thể tạo được đột phá.

“Lực lượng Ukraine … cũng có vấn đề của riêng mình: thương vong cao, nhiều binh sĩ không được huấn luyện đầy đủ, một số đơn vị quá mệt mỏi, và thiếu vũ khí đạn dược”, một cố vấn quân sự phương Tây cho biết.

“Tuy nhiên, tinh thần và quyết tâm của Ukraine vẫn cao hơn đối thủ, và việc động viên binh sĩ của Kiev hiệu quả hơn so với Nga”, quan chức này nói thêm.

Sự ủng hộ của toàn xã hội

Lập trình viên Ukraine đã thiết kế ứng dụng giúp quân đội nhắm vào vị trí của Nga, đầu bếp nấu ăn cho binh sĩ ngoài tiền tuyến và tình nguyện viên tiếp tục gây quỹ để mua bộ sơ cứu hay kính nhìn ban đêm.

“Đa phần những chiến thắng của Ukraine trên chiến trường phụ thuộc vào xã hội dân sự đa dạng và tự tin, có khả năng hỗ trợ cho binh sĩ”, ông Timothy Snyder, một nhà sử học của Đại học Yale, nhận định.

Một cuộc thăm dò dư luận của Gallup vào tháng 10 cho thấy 70% người Ukraine muốn tiếp tục chiến đấu cho tới khi giành chiến thắng. Hơn 90% tin rằng chiến thắng đồng nghĩa với việc kiểm soát lại những lãnh thổ bị Nga chiếm, bao gồm cả Bán đảo Crimea.

Theo Meduza, một trang tin bị cấm ở Nga, tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga cho xung đột đã giảm còn một nửa trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11, xuống còn 27%.

Binh sĩ Nga được động viên chào tạm biệt gia đình vào tháng 9. (Ảnh: Yuri Kochetkov/EPA-EFE).

Xung đột nhiều mặt trận

Bài học thứ 5, và có lẽ là quan trọng nhất, chính là giao tranh đang diễn ra trên nhiều mặt trận, không chỉ với xe tăng, tên lửa và súng. 

Nga đã phóng hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, cố gắng bẻ gãy ý chí của người dân, cũng như tạo ra một làn sóng tị nạn vào châu Âu.

Moscow cũng đã đe dọa sẽ tiếp tục giảm nguồn khí đốt tới phương Tây khi mùa đông tới. Hải quân Nga vẫn kiểm soát Biển Đen, tuyến xuất khẩu lương thực chính của Ukraine.

Ông Galeotti nói: “Thông điệp của Nga dường như là giao tranh sẽ tiếp diễn, và chúng tôi có thể tiếp tục bao lâu tùy thích. Chiến lược này được thiết kế nhằm kéo Ukraine rời xa phương Tây”.

Ngay cả khi hai bên chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn, Nga vẫn có thể tác động tới Ukraine theo nhiều cách. Ông Galeotti cho rằng đặc điểm của chiến tranh hiện đại, cũng như bản chất của hòa bình có thể đều đã thay đổi. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/5-bai-hoc-tu-xung-dot-ukraine-chien-tranh-quy-mo-lon-quay-lai-quan-doi-manh-la-chua-du-20221228104151217.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/