3 bí quyết từ bỏ thói quen tệ hại khiến bạn trở nên nghèo túng

Vì sao những thói quen tài chính tệ hại lại khó từ bỏ đến như vậy và đâu là bí quyết làm được điều đó?

Thay đổi thói quen là một việc hết sức khó khăn và thậm chí được so sánh tương đương với cai nghiện. Hầu hết chúng ta đều trải qua cảm giác thất bại khi tiêu tiền tiết kiệm cho một bộ đồ mới hay hay mải mê lướt Instagram thay vì tập trung làm việc để kịp deadline.

Phần lớn những hành vi này là do chúng ta liên tục bị kích thích bởi khao khát tiếp nhận thông tin và kết nối, các kích thích chiếm lĩnh hệ thống học tập dựa trên phần thưởng trong bộ não của chúng ta được thiết kế ban đầu để tồn tại.

Nói một cách đơn giản, quá trình hình thành thói quen dựa trên "phần thưởng" liên quan đến một yếu tố kích hoạt (ví dụ: cảm giác được tiêu tiền), tiếp theo là hành vi (tiêu tiền) và phần thưởng (cảm thấy hài lòng). 

Chúng ta luôn muốn làm những điều khiến bản thân thỏa mãn nhiều hơn và e ngại những điều gây ra lo lắng hoặc căng thẳng. Cả ba giai đoạn kích hoạt, hành vi và "phần thưởng" là chuỗi vòng lặp xảy ra mỗi khi bạn phung phí tiền bạc hay đầu tư theo thói quen. 

Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực tài chính và sự nghiệp. Mỗi lần phải đối mặt với công việc hay thách thức khó khăn, chúng ta thường cố gắng xoa dịu bản thân bằng cách củng cố về "phần thưởng" sau đó đến mức những phiền nhiễu không lành mạnh có thể trở thành thói quen.

Vậy tại sao chúng ta không thể kiểm soát bản thân và thay đổi thói quen xấu bằng những thói quen tốt? Lí thuyết về tự kiểm soát đã phổ biến trong nhiều thập kỉ dù thực tế là các nhà nghiên cứu tại Yale đã chỉ ra rằng mạng lưới thần kinh liên quan đến tự kiểm soát (vỏ não trước trán) là nơi đầu tiên rối loạn khi gặp phải các yếu tố như căng thẳng. 

Học thuyết về quyền tự kiểm soát đã bỏ lỡ một điều quan trọng: vòng lặp thói quen dựa trên "phần thưởng", không phải hành vi. Kết quả của một hành vi ảnh hưởng lớn tới khả năng chúng ta có lặp lại hành vi đó trong tương lai hay không và đây là lí do tại sao thay đổi thói quen bằng cách tự kiểm soát thường thất bại.

Ngược lại, nhận thức sâu sắc về phần thưởng trực tiếp hay những gì củng cố hành vi có thể giúp một người hiểu được nguồn gốc ban đầu của thói quen. Từ đó, liên kết giữa bản thân và "phần thưởng" sẽ suy giảm dần theo thời gian.

Dù nghiên cứu của chuyên gia Harvard Business Reviews Judson Brewer chỉ chủ yếu tập trung vào thay đổi thói quen sức khỏe, ông tin rằng các phát hiện nên được áp dụng cho nhiều lĩnh vực, bao gồm cả sự nghiệp và tài chính. 

Chiến lược dưới đây có thể giúp mọi người tăng năng suất làm việc, cải thiện tinh thần và các thói quen tài chính bằng cách vượt qua những thói quen xấu đang kìm hãm các tiềm năng tích cực. 

1. Định hình vòng lặp thói quen của bạn

Bước đầu tiên để phá vỡ một thói quen bất kì là tìm ra nguyên nhân. Ví dụ, nếu thói quen của bạn là chần chừ hoặc căng thẳng khi đưa ra quyết định, chi tiêu lãng phí bất chấp quyết tâm tiết kiệm trước đó…, hãy chú ý đến hoàn cảnh xung quanh khi bạn làm những việc đó. Bạn có đang gặp áp lực công việc quá lớn? Các mối quan hệ quan trọng như gia đình, đồng nghiệp có đang khiến bạn khó chịu?

Khi đã xác định được những yếu tố kích thích, đã tới thời điểm nhìn nhận lại hành vi. Bạn đang dùng mạng xã hội thay vì làm việc? Bạn mua sắm bừa bãi dù đã tới ngày thanh toán nợ? Bạn phải nắm được hành động cụ thể mà bản thân thực hiện để cảm thấy thoải mái hoặc an tâm hơn trước khi tiến hành đánh giá "phần thưởng".

photo-1

Những thói quen tài chính tệ hại được hình thành từ cảm giác dễ chịu tức thời. Ảnh: HBR

2. Phân tích hậu quả của thói quen 

Bước tiếp theo là liên kết rõ ràng hành vi và kết quả bạn nhận được. Những người phải vật lộn để bỏ thuốc lá thường được yêu cầu lưu ý tới hành vi hút thuốc và cảm giác sau khi hút.

Nếu bạn thường mua sắm khi căng thẳng, bạn cảm thấy thế nào sau khi tiêu tiền? Hành động đó đã ảnh hưởng đến trạng thái của bạn như thế nào? Bạn nhận được gì từ việc lướt Facebook? Bạn có thấy rằng đó là các hành vi vô ích đang gây hại tới công việc và tài chính của mình?

Hãy ghi nhớ các câu trả lời hoặc viết ra để củng cố chúng như những nguyên tắc trong tâm trí.

Nhận thức mới này sẽ giúp não bộ cập nhật chính xác giá trị "phần thưởng" của thói quen xấu và để bạn nhận thấy những hậu quả đó đang kìm hãm bạn phát huy tối đa tiềm năng vốn có.

3. Thay thế "phần thưởng" bằng sự tò mò

Bước cuối cùng để thay đổi thói quen tài chính tồi tệ là tìm ra "phần thưởng" mới xứng đáng hơn hành vi hiện có bởi não bộ luôn có xu hướng tìm kiếm những gì lớn hơn, tốt hơn.

Hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng phá bỏ một thói quen xấu như dùng mạng xã hội tại nơi làm việc hay cám dỗ mua sắm nhằm nuông chiều bản thân khi mệt mỏi, bạn nên thay thế điều đó với sự tò mò về lí do tại sao bạn lại muốn làm điều đó?

Giá trị phần thưởng của sự tò mò khác biệt rõ rệt so với các hành động trên trong trường hợp này. Cuối cùng, tò mò luôn mang đến cảm xúc tích cực và thú vị hơn nhiều so với sự thỏa mãn chóng vánh của các thói quen xấu.

Lần tới, khi phát hiện một thói quen xấu của bản thân, hãy dành một chút thời gian suy nghĩ và cân nhắc để vượt qua. Hành vi có thể không thay đổi ngay lập tức nhưng nếu bạn có thể dẫn đường cho tâm trí bằng các phương pháp ở trên, thoát khỏi những thói quen tài chính không mong muốn chỉ là vấn đề thời gian.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/3-bi-quyet-tu-bo-thoi-quen-te-hai-khien-ban-tro-nen-ngheo-tung-20191211085621075.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/