10 bài học Sir John Templeton để lại cho nhà đầu tư

Ngài John Templeton là một trong những nhà đầu tư cổ phiếu xuất sắc nhất lịch sử thế giới, nổi tiếng với phong cách can đảm đi ngược đám đông.

10 bài học Sir John Templeton để lại cho nhà đầu tư - Ảnh 1.

Sir John Templeton, người sngs lập quỹ Templeton Growth Fund. (Ảnh: Getty Images).

John Templeton sinh năm 1912 tại bang Tennesse, Mỹ. Từ những năm Thế chiến thứ 2, ông đã được biết đến với kiểu đầu tư ngược đời là mua những cổ phiếu mà ít người để ý tới.

Năm 1939, Templeton rót 10.000 USD (số tiền khá lớn lúc đó) vào 104 mã cổ phiếu cùng có thị giá dưới 1 USD/đơn vị. Đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, khối cổ phiếu penny của ông có tổng giá trị khoảng 40.000 USD.

Trong những năm sau đó, Templeton thành lập một số quỹ tương hỗ và công ty quản lý tài sản, nổi tiếng nhất là Tập đoàn quản lý quỹ Templeton. Ông bán công ty này vào năm 1992 và nghỉ hưu ở tuổi 80 để tập trung vào hoạt động từ thiện.

Năm 1987, ông đã được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ (Knight) nên có thêm từ "Sir" trước tên gọi để tỏ ý kính trọng.

Cha đẻ của phong cách đầu tư giá trị quốc tế

Nếu như Benjamin Graham (thầy của Warren Buffett) được coi là cha đẻ của đầu tư giá trị tại Mỹ thì Templeton chính là cha đẻ của đầu tư giá trị toàn cầu.

Ông chuyên săn lùng các công ty ở khắp nơi trên thế giới có giá thấp và triển vọng dài hạn. Ông chỉ tìm hiểu các cổ phiếu hoàn toàn bị mọi người phớt lờ, tất cả những cổ phiếu khác đều không đáng để ông bận tâm.

Quỹ Templeton Growth Fund do ông lập ra vào năm 1954 tạo lợi nhuận trung bình 15% mỗi năm cho tới khi ông nghỉ hưu vào năm 1992, một thành tích dài hạn đáng nể ít ai làm được.

Những bài học của John Templeton

Dưới đây là 10 câu nói nổi tiếng của Sir John Templeton và cũng là những bài học mà ông để lại cho các nhà đầu tư hậu thế, theo tổng hợp từ GuruFocus:

1. "Nếu bạn muốn tạo lợi nhuận vượt trội so với đám đông, bạn phải làm những việc khác với đám đông".

2. "Trong đầu tư, 4 từ nguy hiểm nhất là 'Lần này sẽ khác'".

Nhiều người nhìn thấy những dấu hiệu bong bóng hoặc lừa đảo tương tự như các thảm họa tài chính trong quá khứ nhưng lại tự nhủ rằng "Lần này sẽ khác" và vẫn lao đầu vào, kết quả là tán gia bại sản.

3. "Hãy nhớ, không có khoản đầu tư nào là mãi mãi".

4. "Đầu tư là để đạt được tổng lợi nhuận thực lớn nhất, tức là lợi nhuận cực đại sau khi trừ đi thuế và lạm phát. Đây là mục đích đúng đắn duy nhất cho các nhà đầu tư dài hạn.

Chiến lược đầu tư nào không nhận ra được tác hại ghê gớm của thuế và lạm phát tức là chưa hiểu bản chất của môi trường đầu tư và dễ dẫn tới thất bại".

Mỗi lần mua bán cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ bị trừ một khoản phí giao dịch và thuế. Nếu mua bán quá nhiều lần, tác động tới danh mục sẽ tương đối đáng kể.

5. "Hãy nhớ lời dạy của huyền thoại Phố Wall Lucien Hooper. Ông ấy viết: 'Điều gây ấn tượng với tôi nhất là các nhà đầu tư dài hạn với tâm lý thoải mái tạo lợi nhuận tốt hơn nhiều những nhà giao dịch (trader) liên tục đảo qua đảo lại danh mục.

Một nhà đầu tư thoải moái thường nắm chắc thông tin hơn, hiểu rõ các giá trị thiết yếu hơn, kiên nhẫn hơn, bình tĩnh hơn, trả ít thuế và phí giao dịch hơn và không suy nghĩ quá nhiều'".

6. "Khi hết thảy mọi người đều bi quan cùng lúc, toàn thị trường sẽ sụp đổ. Thông thường, chỉ có một số nhóm ngành đi xuống. Các ngành công nghiệp như ô tô và bảo hiểm nhân mạng đi qua các chu kỳ đều đặn. Đôi khi, cổ phiếu của các quỹ tiết kiệm hoặc ngân hàng bị thất sủng.

Nhiều người tâm niệm rằng cần phải 'Mua thấp, bán cao', nhưng cụ thể là mua khi nào? Câu trả lời thường gặp là: Tất nhiên là sau khi các nhà phân tích đã đồng ý rằng cổ phiếu có triển vọng tích cực.

Đây là một chiến thuật ngu xuẩn, nhưng cũng chính là bản chất con người. Đi ngược lại đám đông, mua khi tất cả đang bán, là việc cực kỳ khó khăn. Mấy ai dám mua khi các chuyên gia tuyên bố thị trường đang tăm tối, hay ngành này, cổ phiếu này đang quá rủi ro".

7. "Cho dù bạn có cẩn thận đến đâu thì cũng không thể dự đoán hoặc kiểm soát tương lai. Một cơn bão hoặc trận động đất, một nhà cung ứng bỗng nhiên đình công, đối thủ đạt tiến bộ công nghệ vượt bậc hoặc chính phủ đột nhiên yêu cầu thu hồi sản phẩm … bất kỳ sự kiện nào trong số trên đều có thể khiến doanh nghiệp mất hàng triệu USD.

Kể cả những công ty có vẻ được quản lý rất tốt có thể tồn tại những vấn đề nội bộ mà bạn không thể nhận ra khi mua cổ phiếu".

8. "Nếu bạn kỳ vọng một công ty sẽ được mua lại với giá cao hơn giá trên thị trường, bạn có thể mua cổ phiếu đó. Nhiều năm trước, tạp chí Forbes thường xuyên công bố danh sách những cổ phiếu chậm hơn thị trường nhưng có đầy tài sản kiểu này. Nhưng hãy nhớ rằng ngày nay những công ty này còn rất ít. Các tay lão luyện đã vơ vét hết cả, hãy cẩn thận với những gì còn sót lại".

9. "Hãy tự tha thứ cho mình khi mắc sai lầm. Đừng nhụt chí và đừng cố bù lại khoản lỗi bằng cách tăng rủi ro lên. Hãy biến mỗi lỗi lầm thành một bài học kinh nghiệm. Hãy xác định rõ mình đã sai ở đâu làm thế nào để tránh lặp lại sai lầm trong tương lai".

10. "Thách thức với nhà đầu tư không chỉ là đưa ra các quyết định đúng đắn hơn một nhà đầu tư trung bình mà còn phải làm tốt hơn cả những tay chuyên nghiệp đang quản lý các định chế lớn".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/10-bai-hoc-sir-john-templeton-de-lai-cho-nha-dau-tu-20210820115434465.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/