Vụ Ngân hàng MHB: Luật sư đề nghị triệu tập đại diện kiểm toán Nhà nước
Sáng ngày 3/7, Tòa án Nhân dân TP HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) và CTCP Chứng khoán MHB (MHBS).
Các bị cáo có mặt tại phiên tòa (ảnh: MA) |
Nguyên đơn dân sự trong vụ án này là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (do sáp nhập với MHB) có ba luật sư bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp phát.
Ngoài 17 bị cáo có mặt, tòa đã triệu tập 17 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và có 15 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Tại phiên tòa, Luật sư (LS) Vũ Xuân Nam bào chữa cho bị cáo Huỳnh Nam Dũng, Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB đề nghị triệu tập hội đồng giám định và đại diện kiểm toán nhà nước để làm rõ tình tiết vụ án, báo cáo tài chính kiểm toán 2014 của Ngân hàng MHB. Đồng thời, LS đề nghị triệu tập đại diện MHBS.
Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận triệu tập hội đồng giám định và đại diện kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên việc triệu tập đại diện MHBS là không thể do hoạt động MHBS đã bị tạm ngưng, bị cáo Lữ Thị Thanh Bình vẫn là đại diện pháp luật của Công ty.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, ông Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Phước Hoà - nguyên Tổng Giám đốc Ngân Hàng MHB và các đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và với động cơ vụ lợi làm thiệt hại hơn 349 tỷ đồng cho Ngân hàng MHB và 108 tỷ đồng cho nhà nước.
Cụ thể, trong các năm từ 2011- 2014, ông Huỳnh Nam Dũng và ông Hòa đã thông qua việc họp Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản có (ALCO) Ngân hàng MHB thống nhất chủ trương cho phép chuyển 4.975 tỷ đồng cho Công ty MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ. Nhưng thực chất là Công ty MHBS sử dụng đem gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các Chi nhánh MHB và mua bán chính trái phiếu Chính phủ cùa chính Ngân hàng MHB.
Công ty MHBS do bà Lữ Thị Thanh Bình làm Tổng Giám đốc đã sử dụng 3.357 tỷ đồng đem gửi có kỳ hạn ngay tại các Chi nhánh trong hệ thống Ngân hàng MHB để hưởng lãi suất với tổng số tiền 45 tỷ đồng. Trong đó, đã thanh toán trả được 18,3 tỷ đồng, còn lại 26,9 tỷ đồng gây thiệt hại cho Ngân hàng MHB.
Số tiền 1.558 tỷ đồng còn lại được sử dụng để ký các thỏa thuận hơp tác đầu tư môi giới mua, bán trái phiếu Chính phủ của chính Ngân hàng MHB thông qua các Công ty trung gian. Từ đó thực hiện việc môi giới, mua bán trái phiếu Chính phủ quay vòng giữa các công ty để cho các Công ty trung gian này và Công ty MHBS được hưởng lợi dẫn đển Ngân hàng MHB bị thiệt hại đồng thời không có khả năng thanh toán 272 tỷ tiền gốc.
Các bị cáo tại Ngân hàng MHB và MHBS là những người chịu trách nhiệm chính, các bị cáo là giám đốc các công ty khác phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức.
Thông qua hành vi trên, bị cáo Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng MHB hưởng lợi 460 triệu đồng; bị cáo Lê Nguyên Ngọc, Tổng giám đốc CTCP đầu tư Thủ đô Huy Khánh hưởng lợi 568 triệu đồng; bị cáo Phan Ngọc Nhân, Phó Tổng giám đốc Công ty Thủ đô Huy Khánh hưởng lợi 930 triệu đồng đồng; bị cáo Lê Việt Hùng, Tổng giám đốc CTCP Đại Phong Nguyên hưởng lợi 151 triệu đồng; bị cáo Đoàn Hồng Ngọc, Tổng giám đốc CTCP Econ Plus hưởng lợi 131 triệu đồng và bị cáo Trương Thanh Liêm, nguyên Phó giám đốc khối ngân hàng đầu tư MHB hưởng lợi 280 triệu đồng.