|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nguyên Chủ tịch Ngân hàng MHB 'đẩy' trách nhiệm sang cho Tổng giám đốc

16:15 | 03/07/2018
Chia sẻ
Ông Huỳnh Nam Dũng cho rằng mình không có thẩm quyền để thực hiện và cũng không có bất kỳ văn bản nào chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện việc chuyển vốn, chuyển lợi nhuận cho MHBS. Người có quyền hạn trong việc này là Tổng giám đốc.
 

Chiều ngày 3/7, phiên tòa xét xử vụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) và CTCP Chứng khoán MHB (MHBS) diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB chuyển tội danh sang Tổng giám đốc

Trong phiên tòa, bị cáo Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB cho rằng việc buộc tội trong cáo trạng đã không dựa trên chứng cứ và có nhiều điểm bất hợp lý.

Thứ nhất, Hội đồng ALCO không ban hành chủ trương cho phép chuyển 4.975 tỷ cho Công ty MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái trái phiếu chính phủ theo như cáo trạng.

Cáo trạng cho rằng bị cáo đã lợi dụng quyền hạn là Chủ tịch HĐQT MHB và MHBS chỉ đạo cho toàn bộ quá trình chuyển tiền từ MHB sang cho MHBS sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, theo các quy định tại Điều lệ của MHB và MHBS, cũng như các biên bản họp phê duyệt về mặt chủ trương, chỉ đạo triển khai việc đầu tư trái phiếu chính phủ thì có thể thấy rằng người có quyền hạn trong việc triển khai chuyển tiền, theo dõi, quản lý, báo cáo chính là Tổng Giám đốc.

“Là Chủ tịch HĐQT của MHB, MHBS và Chủ tịch của ALCO, bị cáo không có thẩm quyền để thực hiện và cũng không có bất kỳ văn bản nào chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện việc chuyển vốn, chuyển lợi nhuận cho MHBS”, bị cáo Dũng cho hay.

Trong khi đó bị cáo Lữ Thanh Bình, nguyên Tổng giám đốc MHBS cho rằng thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Dũng. Trong phiên tòa, khi tham gia xét hỏi, bị cáo Bình khá lúng túng, trả lời vòng vo, có xin HĐXX trả lời lại do nhớ nhầm. Vào khoảng 3/2011, ông Dũng chỉ đạo mua lại trái phiếu MHBS của ngân hàng ACB, nguồn tiền do Ngân hàng MHB chuyển khoản để mua. Công ty đã mua lại 1,9 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng ACB. Bị cáo đều trực tiếp làm viêc với ông Dũng, cuối năm 2013 do lãi suất tiết kiệm thấp hơn lãi suất trái phiếu nên ông Dũng yêu cầu mua lại 2,1 triệu trái phiếu MHBS, nguồn tiền dư gửi tại chi nhánh Ngân hàng MHB.

Tài khoản chuyển tiền trực tiếp mở tại ngân hàng MHB, dòng tiền ra vào bị cáo không biết. Mỗi lần nhận vốn, điều tiết vốn bị cáo đều báo cáo với ông Dũng.

nguyen chu tich ngan hang mhb day trach nhiem sang cho tong giam doc
Các bị cáo tại phiên toà (Ảnh: MA)

“Không có chứng cứ nào chứng minh bị cáo nhận 460 triệu đồng”

Bên cạnh đó, tại phiên tòa, bị cáo Dũng cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy bị cáo đã nhận được 460 triệu tiền thù lao cho Chủ tịch HĐQT trong thời gian từ năm 2007 - 2010

Theo quy định của điều lệ của MHBS, các khoản thù lao cho HĐQT phải được thể hiện bằng một mục riêng tại các báo cáo tài chính hàng năm của MHBS, và phải được HĐQT báo cáo cho ĐHĐCĐ để thông qua.

Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính các năm 2007, 2008, 2009 và 2010 đã được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập, khoản chi thù lao cho HĐQT này hoàn toàn không xuất hiện trong các báo cáo tài chính đó. Trong tất cả các báo cáo của HĐQT trước đại hội cổ đông hay nghị quyết cũng không có nội dung về tổng số tiền thù lao cho HĐQT.

Số tiền 460 triệu mà cáo trạng cho rằng bị cáo đã hưởng lợi cá nhân theo hồ sơ vụ án được, xác định là số tiền mà bị cáo hưởng thù lao cho chức danh Chủ tịch HĐQT của MHBS với số tiền là 10 triệu đồng/tháng trong 4 năm (2007-2010). Tuy vậy lại không có bất kỳ bằng chứng nào thể hiện bị cáo là người nhận tiền trực tiếp từ phòng kế toán, thủ quỹ, hay gián tiếp thông qua ông Thắng, bà Bình số tiền 460 triệu đồng này.

Theo bị cáo Dũng, việc chi thù lao lương thưởng thuộc nhiệm vụ của Phòng Kế toán thủ quỹ, không thuộc trách nhiệm của ông Thắng – Phòng tổ chức hành chính, càng không thuộc trách nhiệm bà Bình – Tổng Giám đốc. Bị cáo cũng không nhờ bà Bình, ông Thắng nhận hộ thù lao HĐQT.

Do đó không căn cứ nào để ông Thắng, hay bà Bình thay bị cáo nhận thù lao từ phòng kế toán, thủ quỹ. Thực tế số tiền, được cho là trả thù lao cho bị cáo, được rút ra theo đề nghị của Phòng tổ chức hành chính và Phòng Kinh doanh chứ không phải từ Phòng Kế toán thủ quỹ theo như quy định.

Xem thêm

Minh Anh