Thị trường hàng hóa (13/7) Việt Nam trúng thầu xuất 60.000 tấn gạo đi Hàn Quốc, giá tiêu tiếp tục khủng hoảng
1. Việt Nam đang phải nhập trên 60% khoai tây để chế biến
Sản xuất khoai tây trong nước làm nguyên liệu chế biến hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%, còn lại đang phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Như Cường, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tại hội thảo hợp tác với Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP) tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp của Bộ NN-PTNT.
Ông Cường cho biết, khoai tây có thể sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao ở vùng khí hậu ôn hòa từ 17 - 22 độ C. Theo đó, vụ đông ở các tỉnh phía Bắc, vùng cao Đà Lạt (Lâm Đồng) là những vùng có lợi thế phát triển cây trồng này. Trong đó, diện tích trồng khoai tây ở miền Bắc đạt khoảng 90 - 95% diện tích sản xuất của cả nước.
2. Tiêu điều với... hồ tiêu
Không chỉ đối mặt với giá hồ tiêu rớt xuống mức kỷ lục trong nhiều năm qua, vựa tiêu của tỉnh Gia Lai ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh đang giảm sản lượng nghiêm trọng.
Trong đó, có một phần diện tích cây hồ tiêu già cỗi, bệnh tật cùng với đó thời tiết thất thường dẫn đến nguyên nhân tình trạng mất mùa trong năm nay. Chưa kể, giá tiêu xuống thấp khiến nhiều hộ dân bỏ bê vườn tiêu đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vì không có lãi.
Ở H. Chư Pưh cũng rơi vào tình trạng tương tự khi người trồng tiêu lao đao vì giá tiêu rớt thê thảm. Nhiều hộ dân trồng cũ thì ngậm ngùi tích trữ hồ tiêu lại để chờ giá cao, có hộ chăm sóc cầm chừng hoặc bỏ mặc vườn hồ tiêu.
Trong khi đó, những hộ dân trồng mới đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ bởi thời điểm đầu tư thì giá hồ tiêu lên cao nhưng với giá như hiện nay không thể bù chi phí chăm sóc, thu hoạch chứ chưa nói đến chuyện có lời.
3. Xác suất mất tải điện miền Nam cao gấp hàng trăm lần so với tiêu chuẩn
Xác suất mất tải (LOLE) của hệ thống điện miền Nam rất cao, giai đoạn 2020 - 2022 tương ứng là 373 giờ, 293 giờ và 593 giờ, cao hơn rất nhều so với tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện là 24 giờ. Nguy cơ xảy ra thiếu điện nếu xảy ra sự cố các nguồn điện là khá lớn.
Trong “Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trong quy hoạch điện VII điều chỉnh và giải pháp đảm bảo cung cấp điện đến năm 2025”, Bộ Công Thương cho biết Bộ đã giao EVN và Viện Năng lượng tính toán kiểm tra cung - cầu, đánh giá khả năng cung cấp điện 2018 - 2020 và tới năm 2025.
Kết quả cho thấy với phụ tải cơ sở được cập nhật, luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố mất điện trong các năm 2020 - 2023. Các nhà máy điện miền Nam phải vận hành rất cao từ 6.500-7.000 giờ.
Xác suất mất tải (LOLE) của hệ thống điện miền Nam rất cao, giai đoạn 2020 - 2022 tương ứng là 373 giờ, 293 giờ và 593 giờ, cao hơn rất nhều so với tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện là 24 giờ. Nguy cơ xảy ra thiếu điện nếu xảy ra sự cố các nguồn điện là khá lớn.
4. Xuất khẩu cao su tự nhiên của Malaysia tăng gần 8% trong tháng 5
Báo cáo từ cơ quan thống kê Malaysia công bố hôm 12/7 cho biết, sản lượng cao su tự nhiên của quốc gia này trong tháng 5 tăng 0,2%, đồng thời xuất khẩu tăng 7,6% lên 57.263 tấn.
Cụ thể, trong tháng 5, sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia tăng 0,2% so với tháng trước lên 35.789 tấn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng đã giảm 18,6%.
Trong khi đó, xuất khẩu cao su tự nhiên tăng 7,6% so với tháng trước lên 57,263 tấn, với Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 53,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các thị trường xuất khẩu chính khác là Đức (12,7%), Iran (5,8%), Thổ Nhĩ Kỳ (3,2%) và Phần Lan (3%).
5. Vượt Thái Lan, Việt Nam trúng thầu 60.000 tấn gạo xuất đi Hàn Quốc
Vượt qua các doanh nghiệp tên tuổi, là đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, Thái Lan, Úc, một doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu, xuất 60.000 tấn gạo lứt Japonica (loại gạo có giống từ Nhật Bản) sang thị trường khó tính Hàn Quốc. Đây như một câu chuyện ngoạn mục của một doanh nghiệp tư nhân.
Thông tin từ thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Công ty cổ phần tập đoàn Tân Long là đơn vị duy nhất của Việt Nam trúng thầu số lượng gạo trên. Cùng với loại gạo chất lượng cao Japonica, Tập đoàn Tân Long cũng trúng thêm 2.800 tấn gạo trắng hạt dài trong đợt đấu thầu vừa qua.
Đáng chú ý, đây là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã “đánh bật” các doanh nghiệp quốc tế đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để trúng “trọn gói” 60.000 tấn gạo Japonica cung cấp cho Hàn Quốc dưới dạng đấu thầu Chính phủ.
6. Cơ hội thu mua đậu nành Mỹ giá rẻ nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Theo Reuters, quyết định trả đũa thuế quan của Trung Quốc đối với đậu nành Mỹ có hiệu lực từ vào ngày 6/7, đã khiến giá loại hạt này lao dốc và gây ra làn sóng ép giá từ các nhà nhập khẩu tại nhiều quốc gia khác để thu mua nguồn cung giá rẻ của Mỹ.
Tính đến thời điểm này, người mua Trung Quốc chỉ chiếm 17% tổng lượng đặt hàng trước theo mùa của vụ thu hoạch đậu nành mùa thu tại Mỹ, giảm từ mức trung bình 60% trong một thập kỷ qua. Thay vào đó, họ nhập khẩu đậu nành từ Brazil, hiện được bán với mức bảo hiểm lên tới 1,5 USD/giạ vì giá đậu nành Mỹ giao sau đã giảm 17% trong vòng 6 tuần xuống 8,5 USD, mức thấp nhất trong gần một thập kỷ.
Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), khoảng cách về giá của đậu nành Mỹ đã tọa ra một cuộc chạy đua giữa các nhà nhập khẩu từ Mexico tới Paskistan và Thái Lan.
Xem thêm |