|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tại sao MSCI 'hững hờ' với thị trường chứng khoán Việt Nam?

15:15 | 21/06/2018
Chia sẻ
Vướng mắc liên quan đến nới room vẫn chưa thể gỡ bỏ; điểm trừ về các yếu tố hạ tầng thị trường như thanh toán bù trừ, chuyển nhượng, cho vay chứng khoán là một trong những nguyên nhân chính khiến MSCI “hững hờ”, chưa thể nâng hạng lên thị trường mới nổi cho chứng khoán Việt Nam.

Nới room ngoại vẫn còn một chặng đường dài

Theo công bố mới nhất của tổ chức nâng hạng quốc tế Morgan Stanley Capital International (MSCI), thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thể lọt vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Điều này cũng không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam biến động.

Tính tới cuối quý II/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng được hầu hết các tiêu chí về mặt định lượng theo yêu cầu của MSCI, bao gồm các tiêu chí về quy mô và thanh khoản thị trường. Tuy nhiên, thị trường chưa đáp ứng một số tiêu chí về mặt định tính như công bố thông tin bằng tiếng Anh, các rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài (về tỷ lệ sở hữu, pháp lý…), cơ sở hạ tầng, công nghệ và khả năng chuyển đổi ngoại tệ một cách thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư ngoại.

Cụ thể, MSCI đánh giá các công ty ở một số ngành có điều kiện và lĩnh vực nhạy cảm vẫn đang bị giới hạn về sở hữu nước ngoài. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Mặc dù hiện tại yếu tố room ngoại đối với những ngành nghề kinh doanh không có điều kiện được gỡ bỏ và một số công ty niêm yết cũng chủ động cắt giảm những ngành nghề đăng ký kinh doanh thuộc diện có điều kiện nhưng nếu nhìn tổng thể toàn thị trường và từ góc độ của một tổ chức đánh giá xếp hạng thì những nỗ lực này vẫn chưa đủ để được ghi nhận.

Mặt khác khi trở thành tổ chức có trên 51% vốn nước ngoài, theo Luật Đầu tư 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế...; chịu các ràng buộc nhất định trong hoạt động kinh doanh theo hướng chặt chẽ hơn so với các doanh nghiệp trong nước; không được phép thực hiện một số ngành nghề kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Do đó, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với chính sách tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Ngoài ra, việc xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cùng một ngành nghề hiện còn rắc rối do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Thanh toán T+2 vẫn chưa đúng chuẩn

Bên cạnh hạn chế về mặt nới room, những điểm trừ về các yếu tố hạ tầng thị trường như thanh toán bù trừ, chuyển nhượng, cho vay chứng khoán và bán khống nhìn chung chưa có thêm những cải tiến mới trong thời gian gần đây. Theo chứng khoán Bảo Việt (BVSC), hiện nhà đầu tư đang kỳ vọng cơ chế thanh toán bù trừ và chuyển nhượng chứng khoán trong thời gian tới đạt được mốc T+2 đúng chuẩn chứ không phải T+2,5 như hiện nay.

Tại hội thảo cơ hội kinh doanh đầu tư 2018, ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khóa Việt Nam (VSD) cũng cho rằng, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+3 xuống T+2 phải đợi sự nỗ lực từ cả phía Ngân hàng. Nếu như các Ngân hàng có thể mở hệ thống thanh toán sớm hơn (thay vì 9h như hiện nay) thì hoàn toàn có thể cải thiện được thời gian thanh toán.

Về việc bán chứng khoán chờ về, ông Sơn cho biết đây là câu chuyện đang được cân nhắc, đi kèm với nó là giao dịch vừa mua vừa bán trong ngày (T+0). VSD hiện đang cố gắng để có thể hoàn thiện vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể giao dịch vừa mua vừa bán trong ngày.

tai sao msci hung ho voi thi truong chung khoan viet nam

Khối ngoại bán ròng mạnh khiến MCSI “ngại” xem xét?

Việc thu hút dòng vốn ngoại là một yếu tố quan trọng, để tổ chức nâng hạng quốc tế đánh giá, nhưng với động thái khối ngoại bán ròng mạnh trong thời gian gần đây có thể là lý do khiến MSCI “ngại” xem xét nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong gần 4 tháng trở lại, đặc biệt ba phiên gần đây, khối ngoại đã bán ròng với khối lượng lớn. Cụ thể, phiên giao dịch ngày 18 và 19/6, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 500 tỷ đồng mỗi phiên và phiên ngày 20/6 là 230 tỷ đồng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp khả quan. Do đó, khó có một lý giải đầy đủ về nguyên nhân khiến khối ngoại gia tăng bán ròng.

Một điều tương đối dễ nhận thấy là xu hướng bán ròng xuất hiện vào đầu tháng 2, thời điểm thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh, cục diện kinh tế và lãi suất trên thế giới thay đổi khi chính quyền của Donald Trump quyết liệt thực thi các chính sách bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ. Fed nâng lãi suất nhanh hơn so với dự kiến và rủi ro về chiến tranh thương mại lan rộng có thể đã có ảnh hưởng đến quyết định của khối ngoại. Bên cạnh đó, việc có thêm nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn IPO và niêm yết cũng có thể dẫn đến việc cơ cấu lại danh mục của các quỹ nước ngoài.

Khi nào mới được nâng hạng?

Theo đánh giá của BVSC, việc không được nâng hạng tại kỳ này khả năng không gây ra ảnh hưởng quá tiêu cực đến diễn biến thị trường nhưng có thể tạo ra một khoảng “nghỉ”, một điểm tạm dừng trong chiến lược giải ngân của các quỹ đầu tư để chờ đợi thêm những diễn biến mới.

Áp lực bán sẽ chưa gia tăng mạnh nhưng lực cầu có thể sẽ chững lại và khiến thị trường điều chỉnh. Tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm “thị trường chứng khoán mới nổi” cần thêm nhiều thời gian để hoàn thành.

Theo SSI Research, quá trình nới room ngoại và thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp niêm yết cần đẩy nhanh để gia tăng hơn nữa quy mô đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc duy trì ổn định các cân đối vĩ mô đang được Chính phủ và NHNN thực hiện tốt, giúp tạo niềm tin cho cộng đồng đầu tư quốc tế.

Quan trọng hơn, thị trường ngoại hối cần được tổ chức linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu lưu chuyển dòng vốn của nhà đầu tư ra vào lãnh thổ Việt Nam. Ở kịch bản thuận lợi nhất, Việt Nam có thể được MSCI nâng hạng lên Emerging Markets vào năm 2020, trước đó cần ít nhất một năm để MSCI xin ý kiến tư vấn đánh giá từ cộng đồng đầu tư quốc tế, và thêm một năm để các quỹ đầu tư chuẩn bị cho các thay đổi và tái cơ cấu các danh mục đầu tư.

Xem thêm

Minh Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.