|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden sẽ điều hành nền kinh tế Mỹ như thế nào nếu đắc cử thêm 4 năm nữa?

10:41 | 02/02/2024
Chia sẻ
Các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Biden đã tạo ra tác động rõ rệt đến nền kinh tế Mỹ. Nếu giành được nhiệm kỳ thứ hai, nhiều khả năng ông Biden sẽ tiếp tục nỗ lực giúp chính phủ tăng cường đầu tư cho công nghiệp và chi tiêu cho xã hội.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty Images). 

Ông Biden sẽ làm gì nếu có nhiệm kỳ hai?

Các đối thủ của ông Joe Biden tuyên bố vị tổng thống 81 tuổi không có đủ sức để lãnh đạo nước Mỹ. Nhưng tờ Economist nhận định rằng nhiệm kỳ đầu tiên của ông Biden có lẽ là 4 năm chính phủ Mỹ hoạt động tích cực nhất trong gần nửa thế kỷ.

Ông đã ban hành các gói chi tiêu lớn, đến mức tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em có lúc đã giảm một nửa. Ông thổi sức sống mới vào phong trào công đoàn. Và ông vạch ra chính sách công nghiệp nhắm mục tiêu định hình lại nền kinh tế Mỹ.

Những chính sách nói trên đã tạo ra tác động rõ nét lên nền kinh tế số một thế giới. Một minh chứng là sự bùng nổ của hoạt động xây dựng nhà máy. Sau khi loại trừ tác động của lạm phát, các khoản đầu tư vào cơ sở sản xuất đã tăng gấp đôi dưới thời ông Biden, leo lên mức cao nhất trong lịch sử. 

Ông Biden sẽ làm gì nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ hai? Các cố vấn trước và nay của ông đều khẳng định rằng mục tiêu của chính sách Bidenomics rất to lớn, tương đương với việc tạo ra một cuộc cách mạng cho nền kinh tế Mỹ.

Ông Biden có 5 mục đích chính. Thứ nhất là tăng cường quyền lực của người lao động, chủ yếu thông qua công đoàn. Thứ hai là tăng chi tiêu cho xã hội, đặc biệt là giáo dục cho trẻ em. Thứ ba là củng cố chính sách cạnh tranh nhằm quản lý các doanh nghiệp lớn chặt chẽ hơn.

Thứ tư là một làn sóng đầu tư để nền kinh tế Mỹ thân thiện với môi trường hơn và có năng suất cao hơn. Cuối cùng, ông Biden muốn đánh thuế các doanh nghiệp lớn và người giàu để tài trợ cho những chương trình trên.

Một số kế hoạch của ông Biden bị Quốc hội Mỹ bác bỏ. Kết quả là những phần nổi bật nhất của Bidenomics là những chương trình đầu tư, bao gồm ba dự luật tập trung vào cơ sở hạ tầng, chất bán dẫn và công nghệ xanh trị giá khoảng 2.000 tỷ USD.

*Đã loại trừ ảnh hưởng của lạm phát tính theo CPI. 

Nếu ông Biden tiếp tục làm chủ nhân Nhà Trắng nhưng Đảng Cộng hòa giành được Hạ viện hoặc Thượng viện, các cố vấn cho biết trọng tâm của ông sẽ là bảo vệ những thành tựu đã đạt được.

Ví dụ, ông có thể dùng các khoản giảm thuế sắp hết hạn làm đòn bẩy để thuyết phục các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tiếp tục phân bổ ngân sách hàng năm cho các chương trình trợ cấp công nghiệp đã được thông qua.  

Nhưng ông Biden sẽ làm gì nếu Đảng Dân chủ giành được lưỡng viện Quốc hội, đồng nghĩa với việc các kế hoạch của ông ít bị cản trở hơn trước?

Đầu tiên, ông Biden và Đảng Dân chủ có thể sẽ quay trở lại những chính sách xã hội bị loại khỏi đạo luật Build Back Better (Xây dựng lại tốt hơn).

Các chính sách này bao gồm miễn phí trường mầm non cho trẻ từ 3 đến 4 tuổi, trợ cấp chăm sóc trẻ em, chi tiêu cho chăm sóc người lớn tuổi và mở rộng chương trình cắt giảm thuế cho gia đình có con nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen mô tả những chương trình trên là “kinh tế học trọng cung hiện đại”.

Bà Yellen nói đầu tư vào giáo dục sẽ giúp người lao động Mỹ trở nên năng suất hơn, còn đầu tư vào chăm sóc sức khỏe sẽ tạo cơ hội việc làm cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, qua đó giúp mở rộng lực lượng lao động.

Tuy nhiên, để làm vậy, chính phủ Mỹ sẽ phải tốn kém ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm, khiến tỷ lệ thâm ngụt ngân sách hàng năm tăng thêm 0,5 điểm %.

Ông Biden cũng sẽ nỗ lực để củng cố sức mạnh của công đoàn. Ông từng tuyên bố mình là tổng thống ủng hộ công đoàn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nếu ông Biden có nhiệm kỳ hai, các công đoàn hy vọng vị tổng thống có thể giúp thông qua dự luật PRO Act. Mục đích chính của dự luật là nâng cao vị thế và cơ hội đàm phán của công đoàn.

Song, dự luật trên cũng là một ván cược. Tính linh hoạt của thị trường lao động là một trong những nguồn sức mạnh của nền kinh tế Mỹ - điều có lợi cho người lao động trong những năm qua.

Việc ủng hộ công đoàn là một trong những nguyên nhân khiến ông Biden bị các đối thủ cho là chống đối doanh nghiệp. Nhưng thực tế, lý do quan trọng nhất khiến giới doanh nghiệp không thích Bidenomics là các chương trình bảo vệ cạnh tranh.

Dưới thời ông Biden, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã khởi kiện chống lại hai gã khổng lồ công nghệ Meta và Microsoft.

FTC còn đưa ra hướng dẫn mới về việc phê duyệt các thương vụ sáp nhập, yêu cầu các nhà quản lý đánh giá kỹ lương gần như mọi thoả thuận có thể giúp doanh nghiệp lớn mạnh hơn trước. Động thái này có thể mở đường cho những chính sách cạnh tranh gây tranh cãi hơn.

Tập trung vào nội địa

Ông Biden cũng có thể sẽ mở rộng các chính sách sản xuất của nhiệm kỳ đầu tiên. Khoản tiền 50 tỷ USD phân bổ cho lĩnh vực chất bán dẫn mới chỉ là bước đầu, bởi con số này khá nhỏ khi so với khoản đầu tư cần thiết cho các nhà máy chip lớn. Các cố vấn của ông Biden đã bắt đầu bàn về gói kích thích bổ sung.

Chính phủ Mỹ sẽ lấy tiền từ đâu để tài trợ các chương trình trên? Ông Biden đã nói rõ rằng ông muốn tăng thuế đối với doanh nghiệp và người giàu, cụ thể là những hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 400.000 USD.

Trong khi đó, thứ còn thiếu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Biden là một chương trình thương mại nghiêm túc, Economist nhận xét. Có lẽ ông Biden sẽ chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực này trong nhiệm kỳ thứ hai.

Một trong những thử thách của ông sẽ là đàm phán để Mỹ và châu Âu thiết lập một thỏa thuận quan trọng về khoáng sản, hợp tác cùng nhau để đảm bảo đầu vào cho hoạt động sản xuất pin và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

Ông Biden gần như chắc chắc sẽ duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Một số người thân cận cho biết Tổng thống Biden có thể sẽ giảm thuế đánh vào các mặt hàng tiêu dùng cơ bản, nhưng tăng thuế đối với sản phẩm công nghệ cao.

Giang