Lãnh đạo DNNN có nên là công chức?

Cơ chế tuyển chọn và trả lương lãnh đạo các DNNN chưa theo thị trường và theo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Chính phủ nên xem quản lý DNNN là một nghề và có trường đào tạo là những vấn đề cần sớm giải quyết.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), khi tiến hành tái cơ cấu VNPT 5 năm trước, nội bộ Tập đoàn có nhiều ý kiến khác, có cả ý kiến nêu chỉ cần làm một nửa mục tiêu. Thậm chí, để được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông ký trình Chính phủ thông qua Đề án Tái cơ cấu VNPT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc phải cam kết từ chức nếu không thực hiện được.

lanh dao dnnn co nen la cong chuc
Vốn đầu tư một số lĩnh vực của các doanh nghiệp nhà nước (Nguồn: Bộ KH-DT, Đvt: tỷ VND)

Bất cập khi… lãnh đạo DNNN vẫn là công chức

“Tôi kể chuyện cũ để thấy, nếu chúng ta làm nửa vời, sẽ không có kết quả. Với lãnh đạo DNNN, việc chịu trách nhiệm là đương nhiên, nhưng để họ dám đổi mới, sáng tạo… không dễ”, ông Hùng thẳng thắn.

Câu chuyện của VNPT lại là chuyện hiện tại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đề án Tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017 - 2025 đã được lãnh đạo PVN báo cáo Bộ Công thương 2 lần, đã hoàn chỉnh vài lần, nhưng đến giờ vẫn chưa lên tới bàn của Thủ tướng Chính phủ. “PVN đã được chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mong Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo để sớm báo cáo Thủ tướng, nhằm thực hiện kịp kế hoạch”, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch PVN kiến nghị.

Thực tế, hiện mức lương khu vực DNNN được đánh giá là chưa phù hợp với chức danh và chức vụ lãnh đạo. Nói như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, chính sách tiền lương trong khu vực này hiện còn phức tạp. Cụ thể, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

“Chính sách tiền lương khu vực này chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, việc quản lý các DNNN có nhiều tồn tại không theo cơ chế thị trường mà lại được khống chế trần, ở mức 72 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, các DNNN hiện không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, chịu gò bó, ràng buộc, không được tuyển dụng cán bộ, người lao động và trả lương theo nguyên tắc thị trường. “Nếu một lãnh đạo doanh nghiệp được trả 1-1,5 tỷ đồng một năm thì dư luận rất quan tâm. Vấn đề không phải là họ nhận được bao nhiêu tiền mà họ làm ra bao nhiêu tiền”, Viện trưởng CIEM lấy ví dụ.

Lãnh đạo DNNN vẫn là công chức, viên chức, thay vì tuyển dụng theo thị trường, trả lương, thưởng theo hợp đồng. Hệ thống đánh giá hiệu quả vẫn theo cách năm sau cao hơn năm trước, thay vì các tiêu chí năng suất, chất lượng và hiệu quả...

Đào tạo lãnh đạo DNNN

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên xem xét cơ chế tuyển chọn và trả lương lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước theo thị trường và theo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, Tổng Giám đốc điều hành cần phải là người chuyên nghiệp, có cơ chế tuyển chọn và trả lương theo thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Chúng ta cần từng bước hình thành thị trường lao động chuyên nghiệp trong khu vực kinh tế nhà nước, xứng tầm khu vực, quốc tế và để đảm bảo DNNN được vận hành theo mô hình quản trị hiện đại nhất, công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Được biết, Đề án cải cách chính sách tiền lương đã được Hội nghị TƯ 7 ban hành với tinh thần là giao cho doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương. Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu sẽ khoán tiền lương để người lao động và Ban Giám đốc gắn với hiệu quả lao động và kết quả sản xuất, kinh doanh. Xác định mức lương cơ bản của lãnh đạo, Hội đồng thành viên gắn với quy mô của DNNN, với mức độ phức tạp trong hoạt động sản xuất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả quản lý nguồn vốn của Nhà nước. Đặc biệt, với DNNN làm nhiệm vụ bình ổn thị trường, những nhiệm vụ công ích sẽ có một cơ chế tiền lương riêng.

“Nên tăng cường tính tự chủ tiền lương cho doanh nghiệp, thực hiện giao khoán tiền lương và thưởng theo hiệu quả quản lý và sử dụng vốn doanh nghiệp. Đổi mới cơ chế để doanh nghiệp chủ động trả lương, trả thưởng dựa vào năng suất, phù hợp với hiệu quả, quan trọng nhất không nên áp dụng mức lương tối đa đối với lãnh đạo các tập đoàn”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Là người nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý DNNN, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cho rằng, nên xem lãnh đạo DNNN là một nghề, đã là nghề thì phải học, có kinh nghiệm, bài bản. "Chúng ta không có trường lớp nào dạy quản lý trên 1,5 triệu tỷ đồng vốn nhà nước. Nên có trường đào tạo, xem đó là nghề, thử thách qua thực tế để giao nhiệm vụ cho cán bộ", ông Phạm Viết Thanh đề nghị.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lanh-dao-dnnn-co-nen-la-cong-chuc-112351.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/