|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch ASF, Hiệp định CPTPP – thách thức của ngành chăn nuôi heo 2019

07:00 | 29/12/2018
Chia sẻ
Nếu muốn hướng tới phát triển chăn nuôi heo bền vững và có thể đương đầu với những thách thức trong năm tới, heo hơi nên được giao dịch trong khoảng 45.000 – 48.000 đồng/kg, theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi heo tỉnh Đồng Nai.

Thị trường chăn nuôi heo năm 2018 ghi nhận những chuyển biến tích cực về hai vấn đề quan trọng là giá và sản xuất. Theo đó, giá heo hơi đã tăng so với hai năm trước, có thời điểm lên tới 56.000 – 57.000 đồng/kg và tổng số đàn heo tính đến tháng 11 đã tăng 2,8%.

Tuy nhiên, nếu muốn hướng tới phát triển chăn nuôi heo bền vững và có thể đương đầu với những thách thức trong năm tới, heo hơi nên được giao dịch trong khoảng 45.000 – 48.000 đồng/kg, theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi heo tỉnh Đồng Nai.

Nhìn lại biến động giá của thị trường heo năm 2018

Sau Tết Nguyên đán năm 2018, giá heo hơi vẫn chưa có nhiều thay đổi, duy trì ở mức thấp khoảng 28.000 – 35.000 đồng/kg trên cả nước.

Việc giá heo xuống thấp trong thời gian kéo dài khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ, dẫn tới phải treo chuồng và giảm đàn trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán. Điều này đã dẫn tới tình trạng thiếu cung trong những tháng sau đó, giúp giá heo hơi phục hồi trở lại vào tháng 4.

Đặc biệt tại miền Bắc, nguồn cung thiếu hụt đã hỗ trợ kéo giá heo trong khu vực, lúc cao điểm có nơi còn lên tới 56.000 – 57.000 đồng/kg. Hai khu vực còn lại cũng báo giá heo hơi phục hồi nhưng không mạnh như miền Bắc.

Đà tăng của giá heo miền Bắc chậm lại và chấm dứt sau tuần đầu tiên của tháng 8 vì nhu cầu yếu và chính phủ bắt đầu điều tiết thị trường để hạ nhiệt giá heo.

dich asf hiep dinh cptpp thach thuc cua nganh chan nuoi heo 2019
Ảnh minh họa.

Ngược lại với sự sụt giảm của miền Bắc, giá heo hơi tại miền Nam tăng trở lại và hiện là mức giá tốt nhất cả nước. Trong tháng 10, giá heo hơi tại miền Nam cũng lên tới 55.000 – 56.000 đồng/kg tùy khu vực. Nguyên nhân của sự tăng giá được nhiều người dự đoán là vì nguồn cung thiếu hụt.

Tuy nhiên, theo ông Đoán, sau hai tháng theo dõi kể từ tháng cao điểm nhất là tháng 10, với lượng heo cung ứng cho chợ đầu mối TP HCM trung bình khoảng 5.000 con, giá heo hiện giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg.

Nguồn cung heo sẽ vẫn đủ trong dịp Tết Nguyên đán 2019

Theo ông Đoán, căn cứ lượng heo cung ứng cho thị trường TP HCM, nơi có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất, là trung bình 5.000 con/ngày, thì nguồn cung vẫn đủ để phân phối cho thị trường.

"Vào dịp cuối năm, tức khoảng 1 tháng nữa, chúng tôi dự báo nguồn cung vẫn không thiếu, mặc dù cuối năm lượng heo cũng dồn vào một số ngày như sau ngày cúng ông Táo về trời, nhưng chắc chắc sẽ đáp ứng được nguồn cung, hoặc nếu thiếu thì chỉ thiếu 1 ngày, và ngày hôm sau lại cung ứng đầy đủ ngay", ông nói.

"Với tình hình chăn nuôi hiện tại thì nguồn cung đầy đủ và tương đối dồi dào", ông nói thêm.

“Ngày nào heo về chợ vượt quá 5.000 con, giá heo sẽ không tốt; còn lượng heo về dưới 5.000 con – thực tế có rất ít ngày như lễ Vu Lan, rằm, mưa bão lớn và Giáng sinh – thì giá heo mới tốt”, ông Đoán nhận định.

Như vậy, có thể thấy giá heo tăng tại khu vực không phải vì thị trường thiếu cung.

Về tình hình sản xuất, theo Cục Chăn nuôi, số lượng đàn heo và sản lượng thịt tiếp tục tăng và vượt kế hoạch năm 2018. Ước tính năm 2018, sản lượng thịt heo hơi đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.

Tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi heo miền Nam, tổng đàn heo đã lên tới khoảng 500.000 con trong năm nay, ông Đoán cho biết.

Thách thức của ngành chăn nuôi heo năm 2019

Sự phục hồi của giá heo trong năm qua đã mang tới tin vui cho ngành chăn nuôi, nhưng mức giá hiện tại – với miền Nam vẫn trên 50.000 đồng/kg – không thể mang lại sự bền vững cho ngành.

Vì vậy, giá heo hơi tốt nhất dao động trong khoảng 45.000 – 48.000 đồng/kg để cả người chăn nuôi có lợi nhuận và người tiêu dùng được hưởng giá tốt, theo ông Đoán.

Mặc dù vậy, biến động của giá heo hơi trở nên khó đoán hơn khi bước sang 2019, ngành chăn nuôi heo phải đối mặt với rủi ro xâm nhiễm của dịch tả heo châu Phi từ Trung Quốc và lượng thịt heo nhập khẩu tăng khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Khi gia nhập CPTPP, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khi mở cửa thị trường tại Canada, Mexico và Peru vì những quốc gia còn lại đều đã kí FTA với Việt Nam. Đặc biệt, xét theo mặt hàng, thịt heo trong nước có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu.

Nguyên nhân là nhập khẩu thịt heo tăng trong khi giá heo hơi tại Việt Nam hiện đang ở cao thứ hai thế giới, sau Hàn Quốc, theo dữ liệu từ Genesus.

Ngoài ra, rủi ro xâm nhiễm dịch tả heo châu Phi qua biên giới từ Trung Quốc cũng khiến thị trường thay đổi và giá heo trở nên khó lường hơn trong năm tới.

Dịch tả heo châu Phi đã bùng phát tại Trung Quốc từ đầu tháng 8 và tiếp tục lây lan mạnh mẽ trên khắp quốc gia này, với nhiều trường hợp đã được báo cáo tại các tỉnh biên giới giáp Việt Nam và những quốc gia Đông Nam Á khác. Trường hợp mới nhất được phát hiện tại tỉnh Quảng Đông hôm 25/12, theo Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc.

Tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc báo cáo hơn 90 trường hợp nhiễm bệnh tại 18 tỉnh và 4 khu tự trị.

Dịch tả heo châu Phi có nguy cơ lây nhiễm cao, và gây tử vong 100% đối với heo nhiễm bệnh.

Xem thêm

Tố Tố