|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyện ngân hàng tìm đối tác ngoại, nay còn giống xưa?

19:41 | 04/09/2017
Chia sẻ
Khi ngân hàng ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng Việt thì cũng là lúc các nhà băng rục rịch kế hoạch tìm kiếm những nhà đầu tư nước ngoài. Trước xu thế cạnh tranh, liệu câu chuyện tìm nhà đầu tư ngoại nay có còn giống trước đây.
chuyen ngan hang tim doi tac ngoai nay con giong xua
Ngân hàng Việt tìm đối tác ngoại. (Ảnh minh họa).

Chủ động hơn

Gần đây nhất là việc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) lấy ý kiến về mua cổ phiếu quỹ và hủy phương án tăng vốn, động thái này khá giống với Techcombank trước đó khi muốn mua vào hơn 222 triệu cổ phiếu quỹ cùng hủy phương án tăng vốn.

Tuy nhiên ngay sau đó, Techcombank lại lấy ý kiến cổ đông khóa room ngoại 0% sau khi HSBC hoàn tất thoái toàn bộ vốn. Đồng thời, Techcombank tái khởi động kế hoạch phát hành 500 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên 13.878 tỷ đồng, kế hoạch này đã được NHNN chấp thuận.

Hồi tháng 7, VIB hoàn tất mua lại Ngân hàng CBA chi nhánh Việt Nam. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu CBA - cổ đông chiến lược 4 năm qua của VIB có rút vốn khỏi ngân hàng này. Song phía CBA khẳng định cả hai bên còn ký kết hợp tác chiến lược trong 3 năm nữa với trị giá nhiều triệu USD.

Tháng 8 chứng kiến VN-Index giảm điểm nhưng trong nhóm ngân hàng lại cho thấy sự bức phá của cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trên thị trường xuất hiện tin đồn về kế hoạch BIDV đang tìm một đối tác Hàn Quốc mua 10% vốn cổ phần.

Vào tháng 4, BIDV đã ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực như: Tài trợ doanh nghiệp; Cho vay song phương ngắn hạn và trung - dài hạn; Thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại; Kết nối kinh doanh và phối hợp phục vụ khách hàng Hàn Quốc tại Việt Nam. Việc hợp tác này nhận được sự đánh giá cao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và mong muốn KDB tiếp tục hợp tác, kinh doanh thành công ở Việt Nam.

chuyen ngan hang tim doi tac ngoai nay con giong xua
Diễn biến cổ phiếu BID một năm qua. (Nguồn: VNDirect).

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank – Mã: VPB) cũng là một cái tên được nhắc liên tục trong tháng 8. Ngoài việc niêm yết trên HOSE, VPBank còn gây chú ý bởi việc thu hút nhanh chóng lượng vốn ngoại lên đến 1,2 tỷ USD, đưa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên đến 22% dù trước đó không có một cổ đông ngoại nào.

Chưa dừng ở đó, ngay phiên chào sàn, khối ngoại nhanh chóng gom hơn 37 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VBank lên ngưỡng 25%. VPBank cũng đã nhận khoản vay 57 triệu USD từ IFC, kèm theo là quyền được chuyển đổi dư nợ gốc thành cổ phần phổ thông của VPBank cho IFC. Khi đó, IFC sẽ trở thành cổ đông của VPBank với tỷ lệ sở hữu tối đa 5%, điều này đồng nghĩa room ngoại tại VPBank gần như kín 30%.

LienVietPostBank cũng không nằm ngoài cuộc đua tìm nhà đầu tư ngoại, ngày 22/8 ngân hàng chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến khóa room ngoại xuống còn 5%. Như bài viết trước của chúng tôi, Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng khẳng định việc khép room ngoại xuống 5% là nhằm mục đích lựa chọn được một đối tác nước ngoài tốt nhất. Theo kế hoạch trong quý III này LienVietPostBank sẽ đăng ký giao dịch trên UPCoM, ngoài ra nhà băng này cũng không giấu tham vọng mua một công ty tài chính nhằm lấn sân sang “mỏ vàng” tài chính tiêu dùng hiện nay.

OceanBank cũng đang được đối tác ngoại để mắt đến, đại diện NHNN đã xác nhận Ngân hàng ngoại này đang thực hiện giai đoạn 2 quá trình soát xét, đánh giá hoạt động của OceanBank. Theo nhiều lời đồn đoán thì đây là một đối tác Nhật Bản.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) vào tháng 7 cũng phát đi thông tin về việc cùng một ngân hàng đầu tư của Mỹ hoàn thiện các bước cuối cùng của phương án đầu tư để trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi chính thức mời đàm phán với các nhà đầu tư được lựa chọn vào danh sách ngắn.

Được biết trong năm 2017, NCB có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ lên 6.010 tỷ đồng, thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi và thu hút thêm các cổ đông chiến lược nước ngoài. Tại đại hội thường niên năm nay, lãnh đạo NCB cũng cho hay thời gian qua NCB làm việc với nhiều đối tác nước ngoài như Nhật Bản và Hàn Quốc, để sớm hoàn tất được việc xác định đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Cái khó, cái dễ - Mỗi nhà mỗi cảnh

Trái ngược với dòng vốn ngoại ồ ạt đổ vào VPBank thì Vietcombank vẫn loay hoay hơn một năm nay trên con đường hợp tác cổ đông chiến lược với Quỹ đầu tư Quốc gia Singapore (GIC).

Tháng 8/2016, GIC và Vietcombank ký kết bản thỏa thuận ghi nhớ GIC sẽ mua 7,73% vốn của VCB, tương đương 305,8 triệu cổ phiếu phát hành mới. Theo chia sẽ của lãnh đạo Vietcombank thì trở ngại nằm ở mức giá thỏa thuận giữa hai bên thấp hơn thị giá, tuy cao hơn giá trị định giá nhưng lại thấp hơn thị giá cổ phiếu VCB trên sàn chứng khoán.

chuyen ngan hang tim doi tac ngoai nay con giong xua
Diễn biến cổ phiếu VCB một năm qua. (Nguồn: VNDirect).

Trước đó, VCB phải mất 4 năm mới có thể tìm được đối tác ngoại đầu tiên là Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản và phía đối tác đã phải mua cổ phần VCB với giá cao hơn thị trường tới 25%.

Một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khác là BIDV, rục rịch kế hoạch tìm đối tác ngoại từ cuối năm 2015, kế hoạch được triển khai trong năm 2016 nhưng nay vẫn chưa có tiến triển. Cái khó của BIDV là sở hữu nhà nước tới hơn 95%, nên “điệp khúc” giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống còn 65% dường như “gần mà xa”. Năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm của BIDV là tăng vốn để đáp nhưng tỷ lệ an toàn theo chuẩn Basel II, trong đó có kế hoạch phát hành 102,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 20 nhà đầu tư.

Với OceanBank cũng từng lỡ hẹn trong câu chuyện tìm đối tác nước ngoài. Thông tin được nguyên chủ tịch Hà Văn Thắm tiết lộ tại phiên tòa xét xử tuần qua cho biết, trong thời gian quy định giảm tỷ lệ sở hữu của PVN tại OcenBank từ 20% xuống 15%, ông đã tìm được đối tác Singapore đồng ý mua lại phần vốn của PVN với giá 800 tỷ đồng, nhưng thương vụ này đã bất thành.

chuyen ngan hang tim doi tac ngoai nay con giong xua PVN từng được đối tác Singapore ngỏ ý mua 20% cổ phần của OceanBank

Câu chuyện của OceanBank nay đã khác "180 độ" so với nhiều năm nước, nhiệm vụ trọng tâm của nhà băng này là xử lý nợ xấu. Trong chuyến thăm Nhật Bản vào đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng đặt vấn đề liệu Ngân hàng Senshu Ikeda có thể tham gia mua lại ngân hàng yếu kém của Việt Nam (với nợ xấu ở mức vừa phải), để “đỡ phải mở văn phòng đại diện cho lâu”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẵn sàng tạo điều kiện cho việc này.

Hội nghị Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) vào cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tiết lộ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một Ngân hàng Thương mại yếu kém (bị mua lại với giá 0 đồng) của Việt Nam, và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại yếu kém”.

VPBank cho biết lộ trình hợp tác sâu rộng với nhà đầu tư ngoại là cho phép họ đưa người vào Hội đồng quản trị.

Hai cổ đông ngoại của ACB là Dragon Financial Holdings Limited và Standard Chartered APR Limited cũng đã thoái một phần vốn tại ACB, mặc dù tỷ lệ sở hữu vẫn còn trên 5% (tức vẫn giữ vai trò cổ đông lớn), nhưng trong tương lai gần sẽ dần thoái vốn. Điều này được khẳng định tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2017. Phía Standard Chartered cho hay họ đã hỗ trợ ACB rất nhiều, đến thời điểm này thì việc hỗ trợ không còn cần thiết nữa, đặc biệt là về mặt điều hành. Do đó, hai bên chuyển sang giai đoạn hợp tác nhằm mang lại hiệu quả cho đôi bên.

Với vị thế hiện tại của ACB, tỷ lệ nợ xấu nằm trong mức thấp nhất của hệ thống, những tồn đọng nhóm G6 của Bầu Kiên cũng đang dần được dọn dẹp sạch sẽ, cổ phiếu đang ở đỉnh cao lịch sử, ACB đang trở nên đắt giá rất nhiều trong mắt nhà đầu tư.

Techcombank đã trưởng thành thêm rất nhiều từ khi HSBC thành cổ đông chiến lược, nhưng khi Techcombank "đủ lông đủ cánh", thì đó lại trở thành trở ngại phát triển cho chính HSBC khi cùng phân khúc cạnh tranh.

Sự ra đi của ngân hàng ngoại cho thấy một phần sự trưởng thành của ngân hàng Việt, nhưng trong bối cạnh hội nhập, cạnh tranh, xử lý nợ xấu, số hóa thì vẫn cần rất nhiều sự hỗ trợ từ nhà đầu tư ngoại với tiềm lực tài chính mạnh, trình độ công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản trị nhân lực, quản trị rủi ro…

Tiến Vũ