|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phía sau các nhà cung ứng tại Việt Nam, Ấn Độ: Liệu Apple có thực sự 'rời Trung Quốc'?

08:52 | 02/05/2024
Chia sẻ
Khoảng 37% trong số 35 nhà cung cấp ở Việt Nam đến từ Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm cả các nhà lắp ráp Luxshare, Goertek, và BYD. Cả ba đều đã mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam để phục vụ Apple.

Theo phân tích của Nikkei Asia về danh sách nhà cung cấp chính thức mới nhất của Apple, năm 2023, hãng đã tăng số lượng nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc đại lục và các địa điểm sản xuất tại quốc gia tỷ dân. Ở chiều ngược lại, nhà sản xuất iPhone đã giảm bớt nhà cung cấp từ thị trường Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong số 187 đối tác, lần đầu tiên số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc vươn lên top đầu kể từ năm 2020 khi cán mốc 52 doanh nghiệp. Số lượng cơ sở sản xuất hoặc trung tâm phát triển ở Trung Quốc đã tăng từ 10 lên 286.

Quy định kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc đã từng khiến Apple gặp khó ở thời điểm ra mắt dòng iPhone 14 mới. (Ảnh: Reuters).

Mối quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Apple đang đẩy nhanh việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á. Số lượng nhà cung cấp của Apple hoạt động tại Việt Nam tăng vọt 40% lên 35 vào năm 2023, trong khi số lượng ở Thái Lan tăng khoảng 1/3 lên 24. 

Số lượng nhà cung cấp ở Ấn Độ vẫn duy trì ở mức 14, lần đầu tiên tập đoàn Ấn Độ Tata Group lọt danh sách các nhà cung cấp hàng đầu. Tập đoàn này cung cấp vỏ iPhone và sự hiện diện của họ trong chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tăng lên sau khi mua lại nhà máy lắp ráp iPhone ở Bangalore từ Wistron.

Tuy vậy, dấu chân của Apple ngày càng tăng ở Ấn Độ và Đông Nam Á không nhất thiết đồng nghĩa với việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Khoảng 37% trong số 35 nhà cung cấp ở Việt Nam đến từ Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm cả các nhà lắp ráp Luxshare, Goertek, và BYD. Cả ba đều đã mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam để phục vụ Apple. Các doanh nghiệp Trung Quốc khác lần đầu tiên lọt vào danh sách các nhà cung cấp hàng đầu của Apple trong năm 2023, bao gồm San'an Optoelectronics, Baoji Titanium Industry và Jiuquan Iron & Steel.

Các nhà cung cấp đến từ thị trường Đài Loan vẫn giữ vị trí là nhóm lớn thứ hai trong chuỗi cung ứng của Apple, tiếp theo là các nhà cung cấp từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chiến lược của Apple trái ngược với các đối thủ Mỹ, chẳng Dell đang hướng tới việc loại bỏ dần tất cả chip và linh kiện do Trung Quốc sản xuất. Tập đoàn HP cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp xây dựng năng lực sản xuất ở Đông Nam Á và Mexico.

Tờ Nikkei Asia nhận định Apple có lẽ đang đi trên dây thăng bằng giữa Washington và Bắc Kinh hơn bất kỳ công ty Mỹ nào khác. Không chỉ một phần đáng kể chuỗi cung ứng của họ nằm ở quốc gia tỷ dân, mà doanh thu của Apple từ Trung Quốc đại lục - thị trường điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới, vẫn chiếm 17% tổng doanh thu của hãng trong quý IV năm trước.

Tuần trước, Huawei - đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Apple trong phân khúc điện thoại cao cấp tại Trung Quốc, đã giới thiệu flagship là chiếc Huawei Pura 70. Cuối năm ngoái, ông lớn viễn thông này bất ngờ ra mắt dòng Mate 60 Pro, sử dụng chip 5G "nhà làm" và sự trở lại này đã gây áp lực cho Apple cũng như các đối thủ điện thoại cao cấp khác như Oppo và Vivo.

Dữ liệu của Counterpoint cho thấy, lượng hàng xuất xưởng của Huawei tại thị trường nội địa trong quý I tăng 69,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi của Apple giảm 19,1%. Tính trên toàn cầu, lượng hàng xuất xưởng của Apple trong quý I năm nay giảm gần 10%. Đây là mức giảm theo năm lớn hơn so với các đối thủ như Samsung và Xiaomi.

Bà Karen Ma Li-Yen, Giám đốc tại IEK Consulting, cho biết Apple có khả năng sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc vì họ hy vọng đạt được sự cân bằng địa chính trị và các công ty này có thể cung cấp các giải pháp tiết kiệm chi phí.

Bà Ma nói: "Apple có một số cân nhắc về địa chính trị và họ phải tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc, vì Huawei đang cho thấy những dấu hiệu mạnh mẽ về sự trở lại. Nếu Apple tiếp tục hy vọng nắm giữ thị trường Trung Quốc, họ phải chia sẻ một số lợi ích với các nhà cung cấp Trung Quốc. [Nhưng] không phải tất cả đều liên quan đến các yếu tố địa chính trị. Nhiều nhà cung cấp Trung Quốc có thể cung cấp các linh kiện chất lượng với giá cả hợp lý. Đây cũng là một quyết định thương mại'.

Compal - một nhà cung ứng cho Apple vừa đầu tư 260 triệu USD vào Thái Bình để xây dựng cơ sở sản xuất. (Ảnh: Taipei Times).

Theo vị giám đốc, các nhà cung cấp của Apple không có khả năng từ bỏ sản xuất tại Trung Quốc song họ sẽ tăng cường sản xuất bên ngoài nước này.

"Việt Nam và Thái Lan hiện là những điểm đến ưa thích nhất đối với các công ty công nghệ và nhà cung cấp của họ. Tuy nhiên, Việt Nam đang có sự hạn chế về điện và lao động. Điều này khiến Thái Lan trở thành một lựa chọn thay thế ngày càng hấp dẫn", bà Ma nói thêm.

Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới và là một thị trường khổng lồ đối với các nhà sản xuất thiết bị điện tử, nhưng đầu tư vẫn chưa được đẩy mạnh. Về đầu tư nước ngoài, bà Ma cho biết chỉ có các nhà lắp ráp thiết bị mới đang tăng cường dấu ấn sản xuất của họ tại quốc gia tỷ dân này, trong khi nhiều nhà sản xuất linh kiện và mô-đun điện tử vẫn đang trong chế độ chờ đợi.

"Apple đã gây rất nhiều sức ép lên các nhà cung cấp linh kiện để đến Ấn Độ", một giám đốc điều hành trong chuỗi cung ứng iPhone, có công ty đã đầu tư vào Nam Á, cho biết.

"Nhưng sức hút đó là không đủ để vượt qua những thách thức và phức tạp mà các nhà cung cấp sẽ phải đối mặt ở quốc gia này. Sẽ mất nhiều thời gian hơn chúng tôi nghĩ ban đầu để có một hệ sinh thái mới ở Ấn Độ", vị này nói thêm.

Bà Annabelle Hsu, nhà phân tích công nghệ IDC chuyên về chuỗi cung ứng, cũng nhận thấy động lực tương tự. "Nhìn chung, Trung Quốc vẫn có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhất thế giới cho máy tính xách tay và điện thoại thông minh. Trung Quốc vẫn là trung tâm cung cấp các linh kiện và bộ phận chính cho máy tính xách tay và điện thoại. Tuy nhiên, trong khi đa dạng hóa đang là xu hướng toàn cầu ngày càng tăng, việc chuyển đổi chuỗi cung ứng là một quá trình phức tạp và tốn thời gian", bà Hsu nói.

Thành Vũ (theo Nikkei)