Bản tin Tài chính ngày 12/6: Nhà đầu tư dài hạn sang tay cho nhà đầu cơ, 'kích hoạt' đợt giảm giá Bitcoin
Bản tin tài chính ngày 11/6: NHNN công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, HDBank trả cổ tức bằng tiền mặt ngày 5/7 |
1. Khi người cho vay cũng... khóc!
Lòng tham là thứ luôn tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Nó có thể là động cơ tốt và động cơ xấu tùy thuộc vào nhận thức và trách nhiệm của mỗi người. Một khi được vay tiền quá dễ dàng, cho dù đó là từ ngân hàng thương mại hay công ty tài chính tiêu dùng, không phải tuyệt đối 100% người vay đều có ý thức trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Họ cũng không biết rằng hậu quả của việc vay mà không trả đủ, trả đúng hạn ảnh hưởng ra sao đến khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng trong tương lai.
2. Gây thất thoát trăm tỉ, cựu sếp Agribank Mạc Thị Bưởi hầu tòa
Ngày 12/6, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (nay là chi nhánh Trung tâm Sài Gòn).
5 bị cáo nguyên là lãnh đạo Agribank Mạc Thị Bưởi phải hầu tòa, trong đó có Phạm Thị Mai Toan (nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm giám đốc), Phí Thị Ong (nguyên giám đốc), Đỗ Thị Yến (nguyên phó giám đốc)…
Cáo trạng thể hiện từ đầu năm 2007, Agribank Mạc Thị Bưởi có quan hệ tín dụng với công ty Á Châu do Phạm Văn Chính là giám đốc. Tháng 10/2009, Phạm Văn Chính ký hồ sơ vay số tiền 90 tỉ đồng gửi Agribank Mạc Thị Bưởi để đầu tư dự án khu phức hợp căn hộ.
Quá trình thẩm định, các cán bộ Agribank Mạc Thị Bưởi đều báo cáo dự án có tính khả thi cao và đề xuất cho công ty Á Châu vay vốn. Sau đó, Phó giám đốc Agribank Mạc Thị Bưởi là Phí Thị Ong đã ký phê duyệt cho vay.
Mặc dù thời điểm vay vốn, công ty Á Châu chưa được cấp phép thực hiện dự án nhưng Phạm Thị Mai Toan vẫn chỉ đạo nhân viên cấp dưới tiến hành làm thủ tuc để Á Châu vay 90 tỉ đồng.
3. Có dữ liệu công dân: tín dụng tiêu dùng sẽ phát triển lành mạnh
Để hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, giảm lãi suất cho vay, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Việt Nam phải xây dựng cơ sở dữ liệu công dân của quốc gia. Dữ liệu này phải được cập nhật thường xuyên và được chia sẻ rộng rãi, dùng chung cho cả xã hội chứ không chỉ phục vụ cho ngành công an, tư pháp…
"Muốn giảm lãi suất, trước hết chúng ta phải xây dựng cơ sở dữ liệu công dân của quốc gia. Ngân hàng căn cứ vào lịch sử vay vốn cũng như các thông tin của khách hàng mà quyết định khoản vay và mức lãi suất phù hợp" – ông Kiên nói.
4. Giá bitcoin hôm nay (12/6): Tăng nhẹ sau khi chạm mức thấp nhất 6.647 USD trong 2 tháng qua
Giá bitcoin hôm nay (12/6) gặp khó khăn trong việc tạo xu hướng mới khi chạm vào mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua.
Theo số liệu từ tổ chức phân tích blockchain Chainalysis, chính những người nắm giữ bitcoin dài hạn trước đây kích hoạt đợt giảm giá này và sau đó tiếp tục bán tháo từ giữa tháng 12/2017 đến tháng 4/2018.
Đa phần họ bán cho những nhà đầu cơ. Điều này khiến cho tỷ lệ nắm giữ của họ chuyển sang những người không đủ lực để có thể giữ và chịu đựng những mất mát lớn trong nhiều năm. Sự tham gia của những nhà đầu cơ này khiến cho giá giảm nhanh hơn khi họ không nắm giữ lâu dài như nhà đầu tư dài hạn khi họ bán ngay khi có những dấu hiệu giảm giá. Hiện tại, lượng cung bitcoin trong lưu thông đang chia gần như đều cho nhà đầu tư và nhà đầu cơ.
5. NHNN cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới qua điện thoại
Ngày 11/6, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết vừa có văn bản gửi các TCTD trên địa bàn, cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án.
Theo đó, gần đây tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại VOIP (gọi thoại qua mạng internet thay vì các cuộc gọi qua di động, điện thoại bàn thông thường) mạo danh điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án có dấu hiệu phức tạp trở lại, với phương thức và thủ đoạn mới.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo qua điện thoại (giả danh công an) yêu cầu bị hại ra một ngân hàng khác để mở một tài khoản đứng tên của chính người bị hại, đồng thời đăng ký dịch vụ Internet Banking cho tài khoản mà mình đã mở bằng số điện thoại của kẻ lừa đảo. Sau đó, các đối tượng đăng nhập chuyển tiền của bị hại sang tài khoản khác qua Internet Banking và chiếm đoạt tiền.