|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực kế hoạch lợi nhuận 2017 của các ngân hàng

10:16 | 09/04/2017
Chia sẻ
Các ngân hàng đang lần lượt công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2017 để chuẩn bị họp đại hội đồng cổ đông.
ap luc ke hoach loi nhuan 2017 cua cac ngan hang
ACB là một trong những ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2017, với mức tăng 32% so với năm 2016. Ảnh: KINH LUÂN

Một số ít ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao so với năm 2016, như Ngân hàng ACB là 2.205 tỉ đồng, tăng 32%; Ngân hàng Quân đội là 4.700 tỉ đồng, tăng 29%. Đa số các ngân hàng đều khá thận trọng trong việc này, như VCB chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 12%, Liên Việt tăng 11%, Agribank tăng 10%, trong khi các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Sacombank vẫn đang cân nhắc.

Áp lực duy trì hệ số NIM

Năm 2016, đa số các ngân hàng có hệ số tỷ lệ thu nhập lãi cận biên-NIM (thu nhập lãi thuần/tổng tài sản có sinh lời) giảm sút so với năm 2015. Năm 2017, dự kiến các ngân hàng khó duy trì được hệ số NIM như năm vừa qua. Thứ nhất là do các trái phiếu chính phủ (TPCP) ở kỳ hạn năm năm mà các ngân hàng đã đầu tư trong giai đoạn 2011-2012 với lãi suất cao 10-12% đang đáo hạn dần, trong khi phần trái phiếu đầu tư trong thời gian gần đây có lãi suất thấp hơn rất nhiều, chỉ từ 5-6%. Vì vậy, nguồn thu nhập cố định từ các TPCP có thể bị ảnh hưởng do suất sinh lời sụt giảm.

Chi phí vốn huy động có thể tăng lên do trong năm 2016 nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có cấp 2, bên cạnh việc phát hành các chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao và tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài nhằm tăng nguồn vốn trung, dài hạn trong thời gian gần đây. Trong khi đó, lãi suất cho vay có thể phải giữ ổn định theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, biên độ lãi suất đầu ra - đầu vào có thể tiếp tục bị co lại. Thống kê cho thấy chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm dần trong ba năm trở lại đây.

Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 60% về còn 50% cũng sẽ làm giảm mức độ tối ưu hóa việc sử dụng vốn của ngân hàng. Theo đó, một lượng vốn nhàn rỗi có thể phải được duy trì (không thể cho vay ra) để đảm bảo tỷ lệ trên, trong khi việc hạn chế cho vay trung, dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ số NIM vì các khoản vay trung, dài hạn thường có lãi suất cao hơn rất nhiều so với cho vay ngắn hạn.

Hạn chế tăng trưởng kinh doanh và áp lực về chi phí

Ngoài ra, trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ không dễ dàng do đã bị hạn chế rót vốn vào một số lĩnh vực như các dự án BOT, BT, các dự án bất động sản từ cuối năm ngoái, trong khi đây là những lĩnh vực cần sử dụng vốn vay ngân hàng nhiều nhất do đó giúp các ngân hàng dễ tìm đầu ra cho vốn. Có lẽ vì sớm nhận thấy khó khăn trong việc tìm đầu ra cho vốn nên nhiều ngân hàng đã tích cực đẩy vốn cho vay ra ngay từ những tháng đầu năm nay, đây là diễn biến đáng chú ý và trái ngược so với những năm trước đây.

Cũng cần biết rằng áp lực từ việc tuân thủ Basel 2 có thể làm tăng chi phí vốn và hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng được thí điểm trong năm 2017. Mười ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, MBB, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và Maritime Bank sẽ bắt đầu lộ trình áp dụng Basel 2 từ tháng 9-2017. Nếu không thể tăng được vốn điều lệ thì một số ngân hàng cũng khó có thể mở rộng hoạt động phát triển kinh doanh. Do đó, có thể họ phải hạn chế tín dụng để duy trì hệ số an toàn - CAR (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro), thay vào đó sẽ tiếp tục rót vốn vào thị trường trái phiếu hoặc kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp hơn, từ đó càng ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.

Trong khi đó, chi phí hoạt động có thể chịu áp lực tăng khi một số ngân hàng tiếp tục tuyển dụng ồ ạt và có kế hoạch mở rộng mạng lưới trong năm 2017. Đặc biệt với đề án thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển hệ thống tài chính tại các vùng nông thôn, các ngân hàng sẽ tiếp tục nâng cấp công nghệ để phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, đồng thời phát triển mạng lưới tại các vùng nông thôn theo định hướng của Chính phủ nhằm ưu tiên cung cấp nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng tại vùng sâu, vùng xa.

Câu chuyện cổ tức cũng đáng quan tâm, vì nếu các ngân hàng chịu áp lực từ cổ đông phải chi trả cổ tức bằng tiền mặt thì vốn tự có chịu áp lực giảm xuống, trong khi việc tăng vốn như đã nói thời gian qua gặp nhiều trở ngại. Với chính sách chia cổ tức ít hoặc thậm chí không chia trong nhiều năm qua thì áp lực từ đòi hỏi của cổ đông là tất yếu, nhất là tại những ngân hàng duy trì mức lãi lớn hoặc đang phục hồi trở lại với lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng.

Vẫn có những yếu tố hỗ trợ lợi nhuận cho các ngân hàng

Nợ xấu của các ngân hàng đã được giải quyết đáng kể trong thời gian qua, từ việc trích lập dự phòng đầy đủ, tích cực xử lý và thu hồi các khoản nợ có vấn đề, cơ cấu lại nợ cho các khách hàng có khả năng trả nợ, do đó áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng sẽ giảm xuống so với giai đoạn trước đây, ngoại trừ trách nhiệm trích lập cho phần trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn còn đè nặng.

Nhiều ngân hàng đang tiếp tục đẩy mạnh mảng bán lẻ với cho vay tiêu dùng ở phân khúc khách hàng cá nhân. Đây là lĩnh vực cho vay có biên độ lãi suất khá cao, do đó sẽ phần nào hỗ trợ cải thiện hệ số NIM cho các ngân hàng. Trong năm 2016, hàng loạt ngân hàng, kể cả những ngân hàng có truyền thống bán buôn, đã đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân dẫn đến tăng trưởng cho vay ở phân khúc này rất cao so với khách hàng doanh nghiệp.

Các khoản thu nhập từ xử lý, thu hồi nợ, từ hoạt động mua bán nợ nếu làm tốt công tác xử lý nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC cũng đóng góp phần nào vào lợi nhuận của các ngân hàng. Bên cạnh đó, các khoản thu nhập phi lãi, như thu nhập từ dịch vụ, từ kinh doanh ngoại hối, từ mua bán chứng khoán kinh doanh, có thể tiếp tục ổn định, khi mà các ngân hàng đang định hướng tiếp tục nâng cao tỷ trọng nguồn thu nhập ngoài lãi.

Chi phí vốn huy động sẽ tăng lên do trong năm 2016 nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có cấp 2, phát hành các chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao và tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài nhằm tăng nguồn vốn trung, dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay có thể phải giữ ổn định theo định hướng của Chính phủ và NHNN.
ap luc ke hoach loi nhuan 2017 cua cac ngan hang Cổ phiếu ở đỉnh cao 5 năm, ai đang là cổ đông ngoại trung thành của ACB?

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu – ACB hiện là một trong hai nhà băng kín room ngoại (30%) cùng với Ngân hàng ...

ap luc ke hoach loi nhuan 2017 cua cac ngan hang Bước tiến mới tái cơ cấu ngân hàng

Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu (dự thảo luật) vừa được Ngân hàng ...

ap luc ke hoach loi nhuan 2017 cua cac ngan hang Ngân hàng bán lẻ chịu sức ép cạnh tranh từ các công ty FinTech

Phần lớn các ngân hàng cho rằng lĩnh vực cho vay cá nhân (64%) và tài chính cá nhân (50%) có nhiều nguy cơ rơi ...

Thụy Lê