|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ở đỉnh cao 5 năm, ai đang là cổ đông ngoại trung thành của ACB?

07:00 | 09/04/2017
Chia sẻ
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu – ACB hiện là một trong hai nhà băng kín room ngoại (30%) cùng với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội - MBBank.
 

Kết thúc năm 2016 là thời điểm đánh dấu chặng đường 5 năm ACB “lột xác” sau đại án bầu Kiên. Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng, chỉ tiêu tài chính được cải thiện và nằm trong giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý là giá cổ phiếu ACB cũng bước qua thời kỳ cận kề mệnh giá để đạt mức đỉnh 5 năm trở lại đây. Tính đến ngày 7/4/2017, thị giá cổ phiếu ACB ở mức 24.800 đồng/cp, so với mức đỉnh 25.400 đồng/cp trước đó ít phiên thì đây vẫn được xem là mức giá cao trong 5 năm qua khi tăng hơn 90%.

Mặt khác thanh khoản cổ phiếu ACB từ đầu năm 2017 đã lấy lại phong độ khớp lệnh, lên đến hàng triệu đơn vị mỗi phiên.

co phieu o dinh cao 5 nam ai dang la co dong ngoai trung tha nh cua acb

Cổ phiếu ACB ở mức giá cao nhất trong 5 năm qua. (Nguồn: VNDirect).

Cơ cấu cổ đông ACB cuối năm 2016 cho thấy tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài đã ở mức trần 30%. Qua đó ACB cùng MBBank là hai nhà băng kín room ngoại, hiện VietinBank cũng chỉ còn khoảng 0,1% room ngoại đang trống.

co phieu o dinh cao 5 nam ai dang la co dong ngoai trung tha nh cua acb
Tỷ lệ room ngoại còn trống ở một số ngân hàng Việt Nam hiện nay. (Ảnh: Tiến Vũ tổng hợp/KIS)

Theo cáo báo mới được công bố của ACB, Ngân hàng có 44 cổ đông nước ngoài gồm 16 pháp nhân và 28 thể nhân. Trong đó, pháp nhân nắm 29,99% vốn điều lệ (ứng với gần 281,2 triệu cổ phần), còn lại 0,01% do thể nhân nắm.

Danh sách cổ đông ACB cho thấy có 4 cổ đông lớn là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 29.08% vốn Ngân hàng. Trong đó, Standard Chartered APR sở hữu nhiều nhất với 8,77%; kế đến là Limited Connaught Investors LTD sở hữu 7,26% vốn; Dragon Financial holdings (DC) sở hữu 6,81% và Standard Chartered (Hong Kong) là 6,23%.

co phieu o dinh cao 5 nam ai dang la co dong ngoai trung tha nh cua acb
Cơ cấu cổ đông ACB tính đến hết năm 2016. (Ảnh: Tiến Vũ tổng hợp).

Standard Chartered APR là cổ đông và đối tác chiến lược của ACB từ tháng 7/2005. Năm 2008, tổ chức này trở thành cổ đông ngoại lớn của ACB sau khi mua thêm cổ phần ACB từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và trái phiếu chuyển đổi của ACB, nâng sở hữu lên 8,77%. Tại Ngân hàng, cổ đông lớn này có 1 đại diện trong Hội đồng quản trị (HĐQT) là ông Julian Fong Loong Choon. Tuy nhiên vào tháng 7/2015, ông Choon đã xin rút khỏi HĐQT ACB.

Connaught Investors Ltd. tham gia vào ACB từ năm 1997. Đại diện tổ chức là ông Alain Xavier Cany làm Thành viên HĐQT ACB từ năm 2008 – 2015. Tương tự, Dragon Financial Holding Ltd. trở thành đối tác chiến lược ACB cũng vào năm 1997, đại diện là ông Dominic Timothy Charles Scriven tham gia vào HĐQT Ngân hàng từ tháng 4/2015.

Standard Chartered Bank Hong Kong Ltd. có sự góp mặt của Ông Andew Colin Vallis là Phó Chủ tịch ACB từ năm 2013. Như vậy hiện chỉ còn 2 cổ đông lớn ngoại có đại diện trong HĐQT ACB là ông Andew Colin Vallis và Dominic Timothy Charles Scriven.

co phieu o dinh cao 5 nam ai dang la co dong ngoai trung tha nh cua acb
Ông Andew Colin Vallis (trái) và Dominic Timothy Charles Scriven. (Nguồn: ACB).

Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của ACB đã tăng từ 9.377 lên 10.273 tỷ đồng nhờ việc phát hành gần 90 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2016 cho cổ đông hiện hữu vào tháng 1 vừa qua.

Đầu tháng 2, một cổ đông ngoại khác là The CH/SE Asia Investment Holdings (Singapore) PTE. Ltd (một quỹ thuộc Dragon Capital) đã thoái 539.330 cổ phần ACB

Kể từ đại án Bầu Kiên (năm 2012) đến nay, Ngân hàng ACB đang dần lột xác và phấn đấu trở lại vị thế nhà băng đi đầu về bán lẻ. Tổng số chi nhánh và phòng giao dịch đạt con số 350 điểm. ACB cho biết năm qua, Ngân hàng tích cực xây dựng một bảng tổng kết tài sản lành mạnh, có tính thanh khoản và an toàn vốn.

ACB tách khách hàng doanh nghiệp thành 2 phân khúc gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp lớn (MMLC) nhằm tập trung hơn vào phân khúc khách hàng mục tiêu.

Tổng tài sản ACB năm 2016 đạt hơn 233.681 tỷ đồng, mức cao nhất trong 5 năm qua. Tỷ lệ cho vay/huy động vốn được ổn định ở mức 79%, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 và an toàn vốn hợp nhất đạt lần lượt 8,26% và 13,19%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,87%, thấp nhất kể từ 2012.

Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán KIS Việt Nam dự phóng đến năm 2021, tổng tài sản ACB có thể chạm mốc 463.100 tỷ đồng, gấp đôi năm 2016. Cho vay khách hàng khoảng 368.720 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2016. Tiền gửi khách hàng tăng lên 461.325 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu tăng trưởng thu nhập lãi thuần và lợi nhuận giai đoạn 2017 – 2021 bình quân lần lượt là 14,5%/năm và 32%/năm. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1,5% trong giai đoạn này.

co phieu o dinh cao 5 nam ai dang la co dong ngoai trung tha nh cua acb
(Ảnh: Tiến Vũ tổng hợp/KIS)
co phieu o dinh cao 5 nam ai dang la co dong ngoai trung tha nh cua acb
Một số chỉ tiêu kinh doanh dự phóng đến năm 2021 của ACB. (Ảnh: Tiến Vũ tổng hợp/KIS)

Tiến Vũ