Bước tiến mới tái cơ cấu ngân hàng
Với dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, lần đầu tiên việc mua ngân hàng 0 đồng (bắt buộc) được luật hóa một cách chi tiết và rõ ràng. Ảnh: MINH DUY |
Khoản 2, điểm đ, điều 56 dự thảo Luật nói trên đã bổ sung điều 52a vào sau điều 52 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 với nội dung: “Nhà đầu tư, cổ đông không được sử dụng vốn do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. Giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, giao dịch mua bán chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn thì bên mua, bên nhận chuyển nhượng phải chứng minh nguồn vốn”.
Nếu được Quốc hội thông qua, từ nay vốn mua cổ phần ngân hàng sẽ không thể là vốn vay ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời việc mua bán 1% vốn điều lệ ngân hàng trở lên phải chứng minh nguồn vốn, nói thẳng ra là chứng minh nguồn gốc tiền mua.
Ngân hàng 0 đồng được Chính phủ cấp vốn
Lần đầu tiên việc mua ngân hàng 0 đồng (bắt buộc) được luật hóa một cách chi tiết và rõ ràng. Điều 4 của dự thảo luật định nghĩa: “Phương án mua bắt buộc là phương án NHNN hoặc tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng yếu kém”.
Điều 28, khoản 2 nêu điều kiện NHNN mua bắt buộc là khi “giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng (không đồng); và không có tổ chức tín dụng nào đề xuất mua tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt”. Điểm mới nằm ở điều 29, theo đó NHNN yêu cầu ngân hàng yếu kém thuê tổ chức kiểm toán độc lập để đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực (còn lại nếu có) của vốn điều lệ. Trên cơ sở kiểm toán, ngân hàng yếu kém phải tăng vốn điều lệ. Trường hợp không tăng đủ vốn trong thời hạn yêu cầu thì sẽ bị mua bắt buộc. Theo điều 30, giá mua là 0 đồng.
Cũng lần đầu tiên, dự thảo luật công khai các biện pháp hỗ trợ ngân hàng bị mua bắt buộc (điều 31), gồm: được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ; được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất đến 0%; được vay tái cấp vốn và vay đặc biệt của NHNN với lãi suất đến 0%; được nhận tiền gửi hoặc vay của tổ chức tín dụng hỗ trợ với lãi suất đến 0% (ví dụ: Ngân hàng Xây dựng đang được Vietcombank hỗ trợ, thì Xây dựng có thể được vay tiền của Vietcombank với lãi suất đến 0%/năm - NV).
Một điểm quan trọng không kém, dự thảo luật miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Trên thực tế, không ít lãnh đạo có năng lực của một số ngân hàng được chỉ định sang hỗ trợ ngân hàng yếu kém đã từ chối vì công việc mới phức tạp, nhất là việc kiểm soát thu chi, tiền vào tiền ra của tổ chức tín dụng yếu kém, nhưng nếu lỡ để sơ sót, trách nhiệm rất nặng nề, không loại trừ liên quan đến hình sự. Để giải tỏa tâm lý và trở ngại này, dự thảo luật đề xuất “Khi tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, cán bộ công chức NHNN, thành viên Ban Kiểm soát đặc biệt, nhân sự của ngân hàng hỗ trợ không chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả của việc thực hiện phương án xử lý ngân hàng yếu kém”.
Sau khi phục hồi, việc thoái vốn của ngân hàng được NHNN mua bắt buộc thực hiện theo hình thức chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho các nhà đầu tư mới theo quy định pháp luật (điều 39, khoản 2, mục 3).
Làm rõ tình trạng kiểm soát đặc biệt
Kiểm soát đặc biệt không phải là giải pháp mới. Nó vốn đã được khẳng định trong Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và được các nghị định, thông tư dưới luật hướng dẫn. Tuy nhiên dự thảo lần này làm rõ hơn một số điểm.
Kiểm soát đặc biệt theo định nghĩa tại điều 4 là “việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của NHNN”. Kiểm soát đặc biệt xảy ra khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp: “Mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; hai năm liên tục bị xếp loại thấp theo quy định của NHNN; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định trong một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong sáu tháng liên tục” (điều 7, khoản 3). Điều kiện về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu để tránh bị kiểm soát đặc biệt xem ra khá ngặt nghèo bởi lẽ hiện tại, một số tổ chức tín dụng, kể cả bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh hàng đầu, chịu áp lực căng thẳng về tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9%. Có ngân hàng đại gia đang mấp mé tụt về dưới 9%. Có ngân hàng cổ phần nếu minh bạch ra thì tỷ lệ an toàn vốn đã ở mức 8% gần hai năm nay, tức phải ngay lập tức bị đặt vào kiểm soát đặc biệt.
Những ngân hàng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt phải xây dựng phương án phục hồi. Trong thời gian đó, họ không phải tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng (điều 19,20); được trích lập dự phòng rủi ro phù hợp với thực trạng kết quả chênh lệch thu chi; được bán nợ xấu không đủ điều kiện (nợ có tài sản thế chấp đang bị kê biên) cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); được vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của NHNN; được miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện tại đối với tiền đồng là 3% tổng vốn huy động - NV)...
Đề xuất cho phép phá sản ngân hàng
Dự thảo luật đề cập một cụm từ mới “phương án xử lý pháp nhân” với giải thích cụ thể “là phương án xử lý đối với tổ chức tín dụng yếu kém dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản theo quy định pháp luật” (điều 4).
Trong quá khứ, chuyện giải thể ngân hàng đã diễn ra và được xử lý tương đối thành công (như Ngân hàng TMCP Mê Kông; Ngân hàng TMCP Châu Á - Thái Bình Dương - NV). Riêng chuyện phá sản chưa có tiền lệ. Điều 26 của dự thảo luật nêu khi áp dụng phá sản ngân hàng, “Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt theo đề nghị của NHNN để chi trả số tiền gửi cá nhân còn lại sau khi đã được Bảo hiểm tiền gửi chi trả và cơ chế xử lý đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được từ ngân sách nhà nước”, “thủ tục phá sản tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện theo quy định pháp luật về phá sản”.