|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng bán lẻ chịu sức ép cạnh tranh từ các công ty FinTech

14:57 | 07/04/2017
Chia sẻ
Phần lớn các ngân hàng cho rằng lĩnh vực cho vay cá nhân (64%) và tài chính cá nhân (50%) có nhiều nguy cơ rơi vào tay các FinTech...

ngan hang ban le chiu suc ep canh tranh tu cac cong ty fintech

Cụm từ “Công ty FinTech” mới xuất hiện gần đây ở Việt Nam và được hiểu là các công ty công nghệ tài chính, chuyên cung cấp các dịch vụ như thanh toán di động (mobile payment), chuyển tiền, vay nợ, gây quỹ và thậm chí là cả quản lý tài sản… Tuy nhiên, các loại hình dịch vụ của các công ty FinTech đang trở thành mối quan tâm lớn của các công ty tài chính truyền thống, cũng như các ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam hiện nay…

Đối thủ tạo sức ép cạnh tranh với dịch vụ ngân hàng bán lẻ

PwC Việt Nam vừa phát đi thông tin về nghiên cứu mới nhất của PwC với tựa đề “Vẽ lại ranh giới: Ảnh hưởng ngày càng lớn của FinTech lên ngành Dịch vụ Tài chính”.

Nghiên cứu toàn cầu dựa trên kết quả khảo sát hơn 1.300 người cho thấy ngành tài chính đang dần nắm bắt được sự đổi mới sáng tạo. Sự hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống và FinTech xuất phát chủ yếu từ quan ngại rằng doanh thu của các tổ chức tài chính truyền thống sẽ rơi vào tay các công ty FinTech độc lập. 88% cho rằng đây là một mối đe dọa thực sự đối với họ (năm 2016: 83%) và họ nhận thấy khoảng 24% tổng doanh thu của mình đang bị đe dọa bởi các FinTech.

Giữa hai bên đang hình thành một nhận thức chung: các công ty khởi nghiệp FinTech cần khả năng tiếp cận vốn và nguồn khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống; các công ty tài chính lớn thì đang dần nhận ra rằng FinTech có thể là chìa khóa giúp họ giải quyết các vấn đề về hệ thống công nghệ kế thừa hay truyền thông khách hàng.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát của PwC cho biết, theo 80% người trả lời, lĩnh vực ngân hàng bán lẻ sẽ tiếp tục là tâm điểm bị ảnh hưởng trong 5 năm tới. Phần lớn các ngân hàng cho rằng lĩnh vực cho vay cá nhân (64%) và tài chính cá nhân (50%) có nhiều nguy cơ rơi vào tay các FinTech hơn cả. Để giữ chân khách hàng, các ngân hàng sẽ phải tập trung vào thiết kế sản phẩm, sự tiện dụng, khả năng tiếp cận dịch vụ 24/7 và tốc độ dịch vụ.

Khảo sát của PwC cho thấy các ngân hàng cũng đang khám phá các công nghệ mới như blockchain (sổ cái phân tán). Gần 1/3 người trả lời cho biết họ đang ở những giai đoạn đầu tiên trong việc đánh giá chiến lược và các đối tác tiềm năng để ứng dụng công nghệ blockchain.

Với phần lớn người tham gia khảo sát coi chuyển tiền và thanh toán là những lĩnh vực khách hàng đã và đang giao dịch với FinTech, 73% các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán vẫn cho rằng một phần hoạt động kinh doanh của mình đang bị các FinTech đe dọa, tuy nhiên con số này thấp hơn tỷ lệ 87% trong cuộc khảo sát năm ngoái.

Điều này phản ánh thực tế rằng, các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán đang coi FinTech là cơ hội nhiều hơn là thách thức, đặc biệt là khi tỷ lệ hợp tác với các công ty FinTech đã tăng lên mức 42% (cao hơn mức 35% năm ngoái).

Các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền di động đang trở thành cánh cổng để tiếp cận một bộ phận dân số chưa giao dịch với ngân hàng. PwC dự báo rằng công nghệ di động sẽ giúp nhiều khách hàng mới tiếp cận các dịch vụ tài chính và mở ra một thị trường mới có tổng giá trị tới 3 nghìn tỷ USD cho lĩnh vực thanh toán toàn cầu.

ngan hang ban le chiu suc ep canh tranh tu cac cong ty fintech

Các công ty FinTech đừng vội phát triển quá tham vọng

Chia sẻ về sự phát triển của FinTech tại Việt Nam, ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc, Phụ trách Dịch vụ Tư vấn CNTT của PwC Việt Nam nhận định:

“Có thể nói Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có hỗ trợ rất tốt cho sự phát triển của FinTech trong 5 năm qua, cụ thể là thông qua việc cấp giấy phép cho khoảng 20 tổ chức không phải là ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Tôi dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái cởi mở hơn nữa bằng việc cho thí điểm những dịch vụ FinTech mới như một số nước trên thế giới nhằm kích thích sự tăng trưởng của lĩnh vực này”.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Dũng cũng không khuyến khích các công ty FinTech có những nỗ lực phát triển quá tham vọng khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho lĩnh vực này. “Các công ty FinTech cần chủ động trao đổi các khía cạnh đáng lưu tâm với các cơ quan lập pháp để các cơ quan này hiểu rõ hơn nhu cầu của thị trường và xây dựng các quy định pháp lý phù hợp”, ông Dũng nhấn mạnh.

Còn theo ông Manoj Kashyap – Lãnh đạo toàn cầu dịch vụ FinTech của PwC: “Việc hợp tác với FinTech và rộng hơn là đổi mới sáng tạo, không đồng nghĩa với việc chạy theo những xu hướng mới nhất. Bản chất vấn đề ở đây là tìm được cách tốt nhất, hiệu quả nhất để triển khai chiến lược kinh doanh và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng”.

“Các tổ chức tài chính càng hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp FinTech thì người tiêu dùng sẽ càng cảm nhận được lợi ích rõ rệt hơn. Hy vọng rằng những chi phí và phiền hà mà khách hàng thường gặp phải khi tương tác với ngân hàng, công ty bảo hiểm hay quản lý tài sản sẽ giảm đi. Thay vào đó, khách hàng sẽ hưởng lợi từ những dịch vụ đồng bộ, hiệu quả và sản phẩm được thiết kế phù hợp hơn với nhu cầu của họ”, ông Manoj Kashyap chia sẻ./.

Vũ Ngà