Xuất khẩu tiêu sẽ cải thiện trong ngắn hạn?

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, Ấn Độ đều đang có dấu hiệu phục hồi.

Xuất khẩu tiêu vẫn ảm đạm trong 9 tháng đầu năm

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tháng 9 năm 2020 ước đạt 18 nghìn tấn với giá trị đạt 45 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu hồ tiêu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 220 nghìn tấn và 489 triệu USD, giảm 5,8% về khối lượng và giảm 17,6% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Ba thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 là Mỹ, Ấn Độ và Đức chiếm 31,2% thị phần tổng giá trị xuất khẩu hồ tiêu. Thị trường có giá trị xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh nhất trong 8 tháng đầu năm 2020 là Myanma (tăng 31,4%).

Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu hồ tiêu giảm nhiều là Ấn Độ (giảm 46,4%). Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân 8 tháng năm 2020 đạt 2.198 USD/tấn, giảm 13,6% so với cùng kì năm 2019. 

Trong tháng 8, xuất khẩu hồ tiêu sang Mỹ và Ấn Độ đều giảm cả về giá trị và sản lượng. Cụ thể, tại Mỹ, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 4,5 nghìn tấn tương đương 11,5 triệu USD giảm 3% về lượng và 7% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Mặc dù xuất khẩu hồ tiêu sang Mỹ giảm nhẹ cả về giá trị và sản lượng, tuy nhiên giá xuất khẩu trong tháng 8 năm 2020 lại tăng nhẹ lên mức 2.556 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 7, nhưng vẫn giảm 4% so với cùng kì năm trước.

Xuất khẩu tiêu sẽ cải thiện trong ngắn hạn? - Ảnh 1.

Diễn biến giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm 2020 đến 17/9. Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu

Giá xuất khẩu tăng là nhờ giá hồ tiêu trên thị trường thế giới có xu hướng tăng trở lại do các hoạt động mua bán sôi động hơn trên các thị trường. Giá hồ tiêu Sri Lanka, Indonesia hay Brazil xuất sang Mỹ đều tăng 300-400 USD/tấn.

Hiện nay, Chỉ số PMI – thước đo hoạt động sản xuất và dịch vụ của Mỹ tăng lên 54,7 điểm, cao nhất trong 18 tháng qua cho thấy nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi.

Tại thị trường Ấn Độ, xuất khẩu trong tháng 8 đạt 532 tấn tương đương 1,32 triệu USD, giảm 53% về lượng và 48 % về giá trị so với cùng kì năm ngoái. Dịch COVID-19 đã làm tê liệt hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia này.

Tuy nhiên, mùa lễ hội sắp tới tại Ấn Độ có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ mặt hàng tiêu cao hơn trước. Hoạt động thu mua hồ tiêu đã bắt đầu tăng tại Ấn Độ do các hoạt động kinh tế đang dần được phục hồi.

Tại thị trường trong nước, giá hồ tiêu vẫn có xu hướng tăng trong tháng 9/2020. Cụ thể, so với tháng trước, giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu tăng 1.000 đồng/kg lên mức 51.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông tăng 500 đồng/kg lên 49.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai tăng 1.000 đồng/kg lên 48.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai tăng 500 đồng/kg lên 48.000 đồng/kg.

Trao đổi với người viết, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) nhận định chu kì giá tiêu giảm đang có dấu hiệu kết thúc và nguồn cung đang dần thiếu hụt nguồn cung.

"Đối tác ở các nước bắt đầu hỏi mua trở lại để chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu của Việt Nam giảm nhiều do cây chết hoặc người dân không đầu tư chăm sóc. Điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn cung trên toàn thế giới", ông Bính nói.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, sản lượng tiêu của Việt Nam chiếm khoảng 50% sản lượng toàn thế giới. Do đó, biến động trong sản lượng tiêu Việt Nam ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung trên toàn cầu.

Xuất khẩu tiêu trong ngắn hạn sẽ thuận lợi hơn

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, Ấn Độ đều đang có dấu hiệu phục hồi.

Bên cạnh đó EVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng hồ tiêu Việt Nam trên thị trường EU. Giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam cũng sẽ tăng cùng xu hướng tăng của giá hồ tiêu thế giới.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới. Indonesia dự kiến sẽ kết thúc vụ thu hoạch vào cuối tháng 9/2020.

Sản lượng hạt tiêu của Việt Nam dự tính giảm 15% trong năm 2020 và giảm từ 10-15% trong năm 2021.

Cùng với đó, việc Trung Quốc đẩy mạnh lượng mua vào sau 3 tháng 6, 7 và 8 nhập khẩu cầm chừng. Bên cạnh đó, nhu cầu hạt tiêu của Ấn Độ tăng cao do các hoạt động kinh tế đang dần hồi phục và mùa Lễ hội sắp tới tại Ấn Độ có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tăng.

Tại cuộc họp ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), ông Đinh Xuân Thu, Ủy viên ban chấp hành VPA cho rằng trong vòng 3 năm tới thị trường sẽ có nhiều biến động. Với vị trí hàng đầu trong ngành Hồ tiêu thế giới, sự biến động sản lượng tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu.

Diễn biến thực tế trong giai đoạn tháng 4 vừa qua, hoạt động mua bán giống tại vùng trồng trở nên nhộn nhịp nhưng hiện tại cung cấp giống gần như khan. Các vườn tiêu từ 1 đến 3 năm tuổi vẫn còn nhiều tại Đắ Lắk.

Như vậy, khả năng năm sau đường cong giá có thể chạm mức 70.000 đồng/kg rồi lại đi xuống. Trong vòng 3 năm tới, giá hồ tiêu có thể dạo động ở mức 80.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân có thể có lãi nếu đầu tư với chi phí hợp lí.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xuat-khau-tieu-se-cai-thien-trong-ngan-han-20201008142707348.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/