Xu hướng FDI toàn cầu giảm cả về quy mô và số lượng dự án trước thương chiến Mỹ - Trung

Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đang giảm xuống tương đương mức giảm năm 2009, thời điểm kinh tế thế giới còn chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính.

Những con số báo động về xu hướng FDI toàn cầu

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), động lực cho quá trình toàn cầu hoá, đang chậm lại, thể hiện tâm lý kinh doanh suy yếu trong bối cảnh toàn cầu nhích dần tới chủ nghĩa bảo hộ.

Số lượng dự án đầu tư mới – bao gồm nhà máy, trung tâm nghiên cứu và văn phòng một công ty xây dựng khi bắt đầu thâm nhập một thị trường nước ngoài – trong nửa đầu năm 2019 đang rơi xuống mức tương đương nửa sau năm 2009 khi kinh tế thế giới vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoàng tài chính Mỹ.

Tệ hơn, đã có những sự xáo trộn nhất định trong các diễn đàn thế giới. Nikkei Asian Review nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy lãnh đạo quốc gia sẽ chấp thuận một giải pháp hiệu quả đối với những bất ổn kinh tế toàn cầu tại hội nghị G7, bắt đầu khai mạc từ cuối tuần trước tại Pháp.

Theo dữ liệu từ Financial Times, số lượng dự án đầu tư mới đã chạm đỉnh ở con số 8.152 trong nửa đầu năm 2018 và sau đó giảm trong hai chu kì 6 tháng liên tiếp xuống còn 6.243 dự án trong nửa đầu năm 2019.

Rút vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng lên. Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, hay UNCTAD, vào tháng trước cho biết dư đầu tư FDI toàn cầu, bao gồm cả vốn gọi thông qua thâu tóm và sáp nhập, ở mức 30,9 nghìn tỉ USD trong năm 2018, giảm 4% so với cùng kì năm trước. Đây là lần đầu tiên con số này cho thấy mức giảm kể từ năm 2008.

c1 copy

(Nguồn: Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương Mại và Phát triển, Việt hoá: Thái Sơn)

Xu hướng giảm lần đầu chứng kiến trong một thập niên cho thấy những quan ngại bất định về kinh tế trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng.

Delta Electronics, một nhà sản xuất máy cấp điện Đài Loan, đang tăng cường sản xuất nội địa và giảm tỉ trọng sản xuất ở Trung Quốc. Samsung Electronics là một ví dụ khác khi thực hiện đóng cửa một nhà máy smartphone tại Thiên Tân, Trung Quốc.

Theo Nikkei Asian Review, trong nửa đầu năm 2019, số lượng công ty vào Trung Quốc, châu Á và châu Âu giảm 30% so với một năm trước đó, cùng lúc Nhật Bản cũng chứng kiến mức giảm 20%. 

Mặc dù châu Phi được kì vọng sẽ đánh dấu sự gia tăng mạnh trong số lượng dự án FDI được thực hiện, số lượng dự án mới tại châu lục này cũng giảm gần 10%.

c2 copy

(Nguồn: fDi Markets/ Financial Times, Việt hoá: Thái Sơn)

Thuế quan từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và những bá quyền về công nghệ đang ảnh hưởng đến tâm lí đầu tư. Số lượng dự án vào Trung Quốc từ Mỹ trong nửa đầu năm 2019 giảm hơn 10% so với một năm trước đó, xuống còn 104. Trong đó, riêng đầu tư trực tiếp cho mục đích "sản xuất" giảm tới 30%.

Số lượng dự án đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ thậm chí còn giảm trầm trọng hơn ở mức 50%, xuống còn 30. Đầu tư cho các dự án thiết kế, nghiên cứu và phát triển cũng giảm mạnh trước áp lực từ Mỹ khi quốc gia này cho rằng Trung Quốc đang muốn dành thế bá quyền về công nghệ.

Quá trình toàn cầu hoá đang định hình nhưng kết quả nó mang lại vẫn còn là ẩn số

Châu Á vẫn đang đóng vai trò chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu các thiết bị điện tử như một nút thắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy, số lượng các công ty vận hành trong khu vực này tỏ ra lo lắng đang tăng lên trong bối cảnh căng thẳng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Số lượng dự án đầu tư mới vào châu Á, bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc, giảm xuống mức thấp nhấp trong vòng 16 năm qua xuống còn 1.365 dự án trong nửa đầu năm 2019.

Ngay cả tại Việt Nam, quốc gia dành được nhiều sự quan tâm khi nhiều công ty muốn rời Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ, số lượng dự án mới cũng giảm 50%. Ở Đài Loan, con số này là 30%.

Nhiều công ty đang ngần ngại đầu tư vào các quốc gia như Việt Nam mặc dù lo lắng hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ bị đánh thuế. Thay vào đó, họ khắc phục điểm yếu bằng cách thuê các nhà máy hợp đồng đã hoạt động tại các quốc gia này hoặc tận dụng tốt hơn các nguồn lực từ số nhà máy hiện có.

Ngược lại, Mỹ đón nhận mức tăng 14% cơ sở sản xuất được chuyển về Mỹ để tránh thuế quan. Nhà sản xuất xe Volvo Cars đã xây nhà máy đầu tiên tại Mỹ, trong khi đó DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới của Trung Quốc, cũng đang cân nhắc một kế hoạch tương tự.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng tạm ngừng đánh thuế để khuyến khích các công ty Mỹ chuyển dòng vốn từ nước ngoài về đầu tư trong nước. Dù vậy, Mỹ không phải một môi trường sản xuất lý tưởng vì chi phí nhân công cao, có thể cao hơn gấp tới 10 lần ở Mexico.

c3 copy

(Nguồn: Tổ chức Kinh tế Đối ngoại Nhật Bản, Việt hoá: Thái Sơn)

Số hoá cũng là một lý do đằng sau thương mại toàn cầu đi xuống. Với các doanh nghiệm công nghệ thông tin tập trung vào dữ liệu tăng lên, tầm quan trọng chiến lược của các công ty sản xuất quy mô lớn cũng mờ dần.

General Motors tuyên bố vào năm 2018 rằng sẽ đóng cửa ít nhất 8 nhà máy trên toàn thế giới, bao gồm nhà máy ở Mỹ, Canada và Hàn Quốc. Trong khi giảm chi phí đầu tư cố định, General Motors sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, một công nghệ quan trọng trong lĩnh vực xe tự hành.

10 năm vừa qua, đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực sản xuất đã giảm hơn 3%. Tỉ trọng đầu tư nước ngoài cho ngành dịch vụ, bao gồm công nghệ thông tin, trong khi đó đang tăng.

Sự chậm lại của đầu tư nước ngoài sẽ để lại áp lực đi xuống cho phát triển kinh tế trong trung hạn, Philipp Harms,Giáo sư tại Trường Đại học Johannes Gutenberg, chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xu-huong-fdi-toan-cau-giam-ca-ve-quy-mo-va-so-luong-du-an-truoc-thuong-chien-my-trung-20190825223119447.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/