Xét nghiệm nhanh có ý nghĩa thế nào với cuộc chiến COVID-19?

GS.TS Nguyễn Anh Trí đánh giá các xét nghiệm sàng lọc Covid-19 có vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn "mất dấu F0" hiện nay.

Từ cuối tháng 3, Hà Nội tổ chức xét nghiệm nhanh, xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng đối với các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Đây là nỗ lực của chính quyền thủ đô trong việc khoanh vùng, dập dịch đối với ổ dịch Bạch Mai và Công ty Trường Sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến khác nhau về mức độ chính xác của các xét nghiệm này cũng như vai trò của nó đối với việc phát hiện sớm nguy cơ. Để trả lời cho vấn đề này, Zing đã liên hệ với chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực huyết học, xét nghiệm ở Việt Nam, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, GS.TS Nguyễn Anh Trí.

Xét nghiệm nhanh có ý nghĩa thế nào với cuộc chiến COVID-19? - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Ảnh: T.Q.

Giai đoạn mất dấu F0

- Ông đánh giá thế nào về quyết định cho xét nghiệm trên diện rộng Covid-19 đối với các khu vực có nguy cơ cao như Bệnh viện Bạch Mai mà Hà Nội đang làm?

Việc Hà Nội cho xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc trong giai đoạn này không phải là nên hay không nên. Mà đây là việc phải làm và làm khẩn cấp bởi 2 lý do sau:

Một, dịch Covid-19 đã bước sang giai đoạn 3. Giai đoạn mà theo PGS.TS Trần Đắc Phu là giai đoạn mất dấu của F0. Tức là trước đây, ta xác định được các trường hợp F0 rồi từ đó tìm ra F1, F2, F3… để khoanh vùng, cách ly và chữa trị.

Trong giai đoạn này, chúng ta phát hiện F1, F2, thậm chí là F3 mà không biết F0 từ đâu cả. Điển hình nhất là vụ Công ty Trường Sinh. Đến giờ, nhân viên công ty này lây nhiễm từ đâu vẫn chưa giải thích được.

Hai, dịch bệnh đến giờ đã ẩn chứa ở rất nhiều nơi ở trong cộng đồng. Nguy cơ bùng phát dịch thời điểm này là rất cao. Vì vậy, với những khu vực có nguy cơ rất lớn như Bạch Mai, Công ty Trường Sinh thì cần phải cách ly, xét nghiệm diện rộng để sàng lọc thì mới có thể mong tìm được hết người đang lây nhiễm.

Bài học của Hàn Quốc đã rất thành công nhờ triển khai xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, quy mô lớn nên họ đã dập tắt nhanh ổ dịch ở thành phố Daegu. Nhiều nước trên thế giới cũng đang triển khai cách tương tự.

Xét nghiệm nhanh có ý nghĩa thế nào với cuộc chiến COVID-19? - Ảnh 2.

Các lều xét nghiệm dã chiến giúp sàng lọc người nghi mắc Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

- Hà Nội đang sử dụng bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 được cho là có độ chính xác 85%. Ông đánh giá thế nào về con số này. Độ chính xác 85% nên được hiểu ra sao?

Độ chính xác của xét nghiệm được hiểu là tỷ lệ phần trăm số chẩn đoán chính xác trên tổng số chẩn đoán. Ví dụ, khi nói độ chính xác 85% tức là có 85 ca trên 100 ca làm xét nghiệm cho kết quả chính xác, 15 ca còn lại có thể âm tính giả hoặc dương tính giả.

Dịch vừa mới xuất hiện nên việc sản xuất test kit còn thiếu kinh nghiệm, thiếu những yếu tố khoa học đầu vào để đưa vào quy trình sản xuất. Tôi tin tại thời điểm này khó tìm được test kit nhanh mà tốt được. Phải dần dần, về sau thì các quy trình, nguyên lý sản xuất các loại test kit chẩn đoán SARS-Cov-2 mới hoàn thiện.

- Vậy tỷ lệ chính xác 85% có quá thấp không, thưa ông?

Thứ nhất, về mặt khoa học, không có một xét nghiệm nào, dù tiên tiến, hiện đại tới đâu có thể cho kết quả chính xác 100%. 99,5% có thể có, nhưng 100% là không thể.

Ngoài ra, độ chính xác của mỗi test kit phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có chất lượng của test kit như công nghệ, trình độ sản xuất, cách tổ chức sản xuất, điều kiện bảo quản. Bên cạnh đó, độ sai lệch của kết quả còn do người lấy mẫu, làm xét nghiệm có được đào tạo bài bản, đủ trình độ hay không, mẫu có được lấy trong điều kiện tối ưu không...

Đối với Hà Nội, trong hoàn cảnh gấp gáp, cần kíp thế này, việc thành phố chọn mua được loại kit có độ chính xác 85% là rất cố gắng rồi. Tuy nhiên, tôi mong các cơ sở xét nghiệm tìm kiếm được một loại test kit có độ chính xác cao hơn nữa cho việc xét nghiệm sàng lọc hiện nay.

Xét nghiệm Realtime RT-PCR là gì?

- Chúng ta đang sử dụng xét nghiệm RT-PCR để khẳng định kết quả các trường hợp xét nghiệm nhanh. Vậy nguyên lý của loại xét nghiệm này là như thế nào?

Virus SARS-CoV-2 là một loại virus ARN, vì vậy kỹ thuật xét nghiệm được dùng để phát hiện là Realtime RT-PCR (Real time Reverse Transcription Polymerase Chain Reaction). Đây là một xét nghiệm khuếch đại cho bộ gen có mạch là ARN, vì ARN cần phiên mã ngược để tạo thành ADN sau đó mới thực hiện khuếch đại gen thông qua phản ứng Realtime PCR.

Phương pháp này được sử dụng để phân tích định lượng RNA của virus trong các nghiên cứu và thực nghiệm lâm sàng. Đây là một tiến bộ vô cùng to lớn của khoa học, kỷ nguyên mới lớn lao trong việc phát hiện ra các tác nhân gây bệnh, virus như HIV, viêm gan, ung thư, đột biến gen. Dịp này chúng ta đang áp dụng để xét nghiệm SARS-Cov2.

Xét nghiệm nhanh có ý nghĩa thế nào với cuộc chiến COVID-19? - Ảnh 3.

Một máy xét nghiệm RT-PCR có thể xét nghiệm cho hàng chục mẫu bệnh phẩm trong 1 kíp xét nghiệm. Ảnh: Biotech.nz.

- Theo ông, ưu, nhược điểm của phương pháp này là gì?

Đây là thành tựu rất lớn của khoa học xét nghiệm, đã được đúc rút và hoàn thiện từ nhiều năm nay nên có tính chính xác cao, độ nhạy lớn, dễ dàng phát hiện sự có mặt của virus khi nồng độ rất thấp. Áp dụng vào xét nghiệm SARS-CoV2 cũng không ngoại lệ.

Ngoài ra, vì đây là xét nghiệm Realtime (thời gian thực) tức là xét nghiệm sẽ cho kết quả ngay lúc lấy bệnh phẩm để làm xét nghiệm nên tính khách quan cũng rất cao.

Về nhược điểm, đối với RT-PCR cũng như tất cả các xét nghiệm khác, đều có âm tính giả và dương tính giả mặc dù các trường hợp này không nhiều. Ngoài ra, nhược điểm lớn nhất là bị “nhiễm bẩn” khi bảo quản bệnh phẩm không tốt, hoặc môi trường làm việc không tinh sạch. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm còn bị ảnh hưởng của việc lấy bệnh phẩm không đúng cách, đúng hướng dẫn.

Song, điều này không quá đáng lo. Để tránh các nguy cơ sai lệch kết quả, Bộ Y tế quy định phải làm xét nghiệm từ 2 lần trở lên (làm sàng lọc xong phải làm khẳng định lại). Chỉ có các phòng xét nghiệm được thẩm định, đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế quy định và được Bộ trưởng Bộ Y tế cấp phép thì mới được làm các xét nghiệm khẳng định nên nguy cơ sai lệch không cao.

Phép toán quan trọng trong cuộc chiến dài hơi

- Theo ông, để hạn chế lây lan, nhất là đối với khu vực vô cùng phức tạp như Bạch Mai và Công ty Trường Sinh, Hà Nội cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc thế nào?

Về các bước triển khai của Hà Nội, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 cho đến giờ, tôi cho rằng về chuyên môn đã là rất đúng và phù hợp.

“Chống dịch như chống giặc”, mà “giặc” ở đây là virus, không nhìn thấy. Vậy muốn phát hiện để đánh “giặc virus” thì phải làm xét nghiệm.

Xét nghiệm sàng lọc chúng ta đừng nghĩ là tốn, thật ra nó tiết kiệm và hiệu quả hơn việc so với việc cách ly theo cảm tính số lượng lớn. Xét nghiệm sàng lọc sẽ giúp lựa chọn đúng khu vực cần cách ly, số người cách ly; tiết kiệm được cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực phục vụ việc cách ly. Đây là phép toán rất quan trọng trong chiến đấu dài hơi với dịch bệnh.

Tuy nhiên, để cho hiệu quả, theo tôi, cần làm diện rộng tại những nơi có ổ dịch và bằng kỹ thuật khếch đại gen (Realtime RT- PCR) cho các đối tượng F0, F1, F2, F3. Các trường hợp F4, F5 và nhân dân khu vực ổ dịch thì có thể làm bằng kỹ thuật test nhanh nhưng nên là loại phát hiện kháng nguyên, hoặc ít nhất là loại phát hiện kháng thể IgM.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xet-nghiem-nhanh-co-y-nghia-the-nao-voi-cuoc-chien-covid-19-2020040509484599.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/