WeWork sa thải 2.400 nhân viên trên toàn cầu

Với việc thoái vốn ở các dự án đầu tư và tập trung vào mô hình kinh doanh cốt lõi, WeWork đã cắt giảm một lượng lớn nhân viên lên đến con số 2.400.

Trong quá trình cắt giảm chi phí nhân sự, WeWork để 2.400 nhân viên nghỉ việc, CNBC đưa tin.

Tuyên bố của mình, WeWork cho rằng việc cắt giảm nhân sự nằm trong kế hoạch tái thiết công ty cũng như tập trung vào mô hình kinh doanh cốt lõi ban đầu là tạo ra các không gian làm việc chung. 

Cụ thể, 2.400 trong tổng số 12.500 nhân viên của WeWork đã bị sa thải, tương đương 19% nhân sự của kì lân nước Mỹ. Thống kê về tổng nhân sự được thực hiện bởi Ủy ban Chứng khoán Mỹ vào thời điểm tháng 6/2019.

106029643-1563562009295gettyimages-1145667877

WeWork cắt giảm 19% tổng số nhân viên của mình. Ảnh: CNBC

"Việc cắt giảm nhân lực đã bắt đầu từ trước đó ở một số chi nhánh khác trên thế giới và tiếp tục thực hiện triệt để ở nước Mỹ vào tuần này. 

2.400 nhân viên bị buộc thôi việc trên toàn thế giới sẽ tiếp tục nhận các khoản trợ cấp và phụ phí trong quá trình tìm việc mới. Đây đều là những chuyên gia hết sức tài năng và chúng tôi rất trân trọng những gì họ đã cống hiến cho công ty trong thời gian qua", phát ngôn viên của WeWork chia sẻ.

Trên thực tế, thông tin về việc WeWork cắt giảm hàng loạt nhân sự đã được đồn đoán từ rất lâu trước đó. Tháng 10/2019, tân Chủ tịch Marcelo Claure từng tuyên bố sẽ có một đợt sa thải hàng loạt nhưng không công bố con số cụ thể.

Cuối tuần trước, tờ New York Times thậm chí còn nhận định số nhân viên mà WeWork sa thải có thể lên đến 4.000 nếu muốn chỉ tập trung vào mô hình kinh doanh cốt lõi là cung cấp văn phòng chia sẻ.

Có thể nói, việc nhiều người "mất việc" tại WeWork là điều không thể tránh khỏi khi công ty đang trải qua một giai đoạn đầy biến động. 

Tháng 9/2019, startup tỉ đô này đã buộc phải rút đơn IPO sau khi các nhà đầu tư có dấu hiệu nghi ngờ về khả năng sinh lời của mô hình kinh doanh cũng như những rắc rối trong khâu quản trị của Adam Neumann.

Những lùm xùm tiếp sau đó khiến cựu CEO Adam Neumann buộc phải từ chức dưới những áp lực của các nhà đầu tư, trong đó đáng kể nhất chính là SoftBank. Sebastian Gunningham và Artie Minson đã trở thành hai đồng giám đốc điều hành của WeWork.

106258742-1574352032205gettyimages-1179654249

SoftBank "cứu" WeWork nhưng kì lân nước Mỹ sau đó buộc phải tập trung vào mô hình kinh doanh cốt lõi của mình. Ảnh: CNBC

Thậm chí đã có những lúc WeWork được cảnh báo rằng không còn đủ tiền mặt và mất khả năng thanh toán trong vài tuần sau đó. Thế nhưng vào phút 89 thì SoftBank, nhà đầu tư lớn nhất của kì lân này quyết định tung ra một gói cứu trợ, qua đó cứu WeWork khỏi tình cảnh hiểm nghèo.

Gói cứu trợ đã đưa SoftBank trở thành công ty mẹ của WeWork với việc nắm giữ 80% cổ phần. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến WeWork đã thoái vốn ở một vài công ty không có cùng ngành nghề trọng tâm, đồng thời cắt giảm một lượng lớn nhân sự.

Bên cạnh đó, WeWork sẽ tập trung đến các khách hàng doanh nghiệp lớn thay vì các cá nhân hay công ty, tổ chức nhỏ. Quí III/2019, WeWork đã đẩy nhanh qui mô hoạt động tuy nhiên đây cũng là quí mà công ty lỗ nặng nhất, lên đến 1,25 tỉ USD chỉ trong ba tháng từ tháng 7 đến 9/2019.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/wework-sa-thai-2400-nhan-vien-tren-toan-cau-20191122143804541.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/