Vốn cho ngành điện - Bài 2: Vốn ở đâu?

Theo Báo cáo mới nhất về dự thảo Quy hoạch điện VIII (Tờ trình số 1156/TTr-BCT ngày 09/3/2022 của Bộ Công Thương), vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 theo hai phương án là từ 127,45 - 133,5 tỷ USD. Như vậy, vốn đầu tư cho phát triển ngành điện trong giai đoạn 2021-2030 bình quân khoảng 13 tỷ USD/năm. Đó là chưa nói đến việc sử dụng nguồn vốn này sao cho hiệu quả. Vậy, làm sao để huy động số vốn lớn như vậy cũng đang còn nhiều thách thức.

Nhu cầu vốn lớn

Theo ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Chính phủ thường xuyên chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII là phải cân đối cung - cầu theo vùng, miền và toàn hệ thống điện quốc gia phải tối ưu nhất; cơ cấu nguồn điện hợp lý và hiệu quả kinh tế chung cao nhất; giảm truyền tải điện xa và giảm đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng.

Thực tế cho thấy, thực hiện các Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh còn chưa đảm bảo yêu cầu như nhiều dự án, công trình phải tiết giảm sản lượng làm giảm hiệu quả đầu tư. Toàn hệ thống điện không thiếu công suất nhưng lại có nguy cơ thiếu điện. Đó là do vấn đề phát triển nguồn điện không phù hợp với nhu cầu phụ tải theo vùng miền; không tính hết khả năng truyền tải hoặc đầu tư truyền tải điện không theo kịp đầu tư nguồn điện; trong đó, có việc phát triển nóng năng lượng tái tạo.

Tổng công suất đặt của hệ thống đến hết năm 2020 là 69.300 MW; hết năm 2021 là 76.620 MW nhưng công suất phụ tải cực đại toàn quốc năm 2021 chỉ 43.518 MW, bằng 62,8% tổng công suất đặt nguồn điện đến cuối năm 2020 và bằng 56,8% tổng công suất nguồn cuối năm 2021. Trong quý I/2022, công suất lớn nhất đạt 40.144 MW, bằng 52,4% tổng công suất nguồn cuối năm 2021.

Để đảm bảo vốn đầu tư cho phát triển ngành điện, ông Hùng cho rằng, phải tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển nguồn điện. Đồng thời, tiếp tục rà soát hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ liên quan đến cân đối theo vùng, miền, cơ cấu nguồn điện hợp lý và hiệu quả; giảm truyền tải xa để có thể giảm quy mô, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển ngành điện. 

 Ảnh minh hoạ: EVNCPC.

Theo báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong giai đoạn 2021-2025, EVN sẽ khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 8.240 MW; trong đó, hoàn thành đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.090 MW.

Đối với các công trình lưới điện, sẽ hoàn thành đưa vào vận hành 338 công trình (gồm 82 công trình 500 kV và 256 công trình 220 kV) với tổng chiều dài khoảng 17.000 km và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 86.000 MVA. Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn tập đoàn giai đoạn 2021-2025 khoảng 600.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

Với nguồn lực có hạn, đây sẽ là khó khăn lớn với EVN, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay. Theo ông Tài Anh, hiện thủ tục phê duyệt phương án huy động vốn với các dự án nguồn điện của EVN có giá trị vốn vay lớn nên phải trình cơ quan đại diện chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phê duyệt phương án huy động vốn.... Ngoài ra, vướng mắc liên quan đến phê duyệt hợp đồng thế chấp tài sản (đối với các hợp đồng mà giá trị dự kiến của tài sản thế chấp vượt quá mức dự án nhóm B theo Luật Đầu tư công, các dự án liên quan đến công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia) làm kéo dài thời gian thu xếp vốn cho các dự án.

Đối với vay vốn ODA ưu đãi nước ngoài, theo quy định tại Nghị định 97/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA/ưu đãi nước ngoài, các dự án phải áp dụng cơ chế cho vay lại chịu rủi ro tín dụng. Do đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay lại chịu rủi ro tới EVN khi gặp vướng mắc liên quan đến giới hạn tín dụng.

Đối với vay vốn có bảo lãnh Chính phủ, Luật Quản lý nợ công năm 2017 quy định đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ là dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Do vậy, để được cấp bảo lãnh Chính phủ, các dự án của EVN phải trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.

Đối với vay vốn nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ, tổng mức đầu tư của hầu hết các dự án nguồn điện của EVN đều vượt mức dự án nhóm B nên EVN gặp rất nhiều khó khăn khi thu xếp vốn vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả cho các dự án này.

Điểm nghẽn trong thu hút vốn

Tập đoàn T&T là một trong những Tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam hướng "mũi nhọn" vào ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh, bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện khí, điện sinh khối và điện từ rác thải.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Tập đoàn này đã hoàn thành xây dựng để sớm đưa vào vận hành gần 1.000 MW các nguồn điện từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đồng thời đã tổ chức khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Nhà máy điện khí – LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Trong 10 năm tới, Tập đoàn T&T có định hướng mục tiêu và kế hoạch đầu tư phát triển các dự án năng lượng như điện khí LNG và các nguồn điện từ năng lượng tái tạo với tổng công suất đạt từ 12 - 15 GW, chiếm gần 10% tổng công suất nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T, có rất nhiều điểm nghẽn đang cản trở các nhà đầu tư mạnh dạn "bơm tiền" vào lĩnh vực tiềm năng này.

Cụ thể, ông Nguyễn Thái Hà cho hay, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của chúng ta chưa được thông suốt, liên tục và đang bị gián đoạn như: điện mặt trời đã bị chững lại từ sau 1/1/2021 và gần đây là điện gió sau 1/11/2021. Do đó, cần có một hành lang pháp lý thông suốt, rõ ràng và liên tục đối với cả điện khí LNG lẫn điện gió ngoài khơi. Các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài.

Ngoài ra, về lưới truyền tải, trong bối cảnh hiện nay và xu thế phát triển thì tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam, nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp.

Hơn thế nữa, lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo cả hiện tại cũng như trong tương lai nên việc cho phép và thu hút các doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được coi là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ "điểm nghẽn" trong các tuyến đường dây truyền tải điện.

Do vậy, việc sớm ban hành các hành lang pháp lý sẽ giúp xóa bỏ điểm nghẽn này để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống truyền tải điện gắn với phát triển năng lượng bền vững.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, chỉ riêng với điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực rất triển vọng, có tính chủ đạo trong tương lai, có tác động tích cực đến việc thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ khi tham dự hội nghị COP26, nhưng hiện đang thiếu một Quy hoạch tổng thể đầy đủ để hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn điện này. Đó là quy hoạch không gian biển – quy hoạch điện gió ngoài khơi, cũng như các hướng dẫn, chỉ dẫn cần thiết, rõ ràng cho các bước đi trong quá trình thực thi, từ xin giấy phép khảo sát, đo gió, khu vực/địa điểm nào sẽ ưu tiên phát triển dự án trong giai đoạn đến năm 2030 và sau 2030

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/von-cho-nganh-dien-bai-2-von-o-dau-202248222051510.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/