VKSND Tối cao: Phán quyết chia toàn bộ cổ phần tại Trung Nguyên cho ông Vũ là không đúng

VKSND Tối cao cho rằng, phán quyết chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Viện kiểm soát nhân dân tối cao (VKSND Tối cao) vừa ra Quyết định Kháng nghị Giám Đốc Thẩm đối với Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên vào ngày 5/12/2019 của Toà án nhân dân cấp cao Tại TP HCM.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKSND Tối cao nhận thấy tại Bản án li hôn giữa ông Vũ và bà Thảo của Toà án nhân dân cấp cao Tại TP HCM ngày 5/12/2019 có thiếu sót, sai phạm; trong đó có các sai phạm về công nhận thuận tình li hôn, phân chia tài sản làm ảnh hưởng quyền lợi các đương sự trong vụ án.

Đối với quyết định công nhận thuận tình li hôn Toà TP HCM, VKSND Tối cao nêu trong quá trình giải quyết vụ án, bà Thảo lúc xin li hôn lúc xin đoàn tụ, ông Vũ lúc đầu xin đoàn sau đó xin li hôn.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2/12/2019, bà Thảo muốn được đoàn tụ với ông Vũ và các con nhưng ông Vũ không đồng ý và vẫn yêu cầu li hôn. Như vậy, bà Thảo kháng cáo xin được đoàn tụ, do ông Vũ không đồng ý nên không còn là thuận tình li hôn giữa bà Thảo và ông Vũ nhưng tòa cấp phúc thẩm vẫn quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, theo đó tuyên công nhận thuận tình li hôn giữa bà Thảo và ông Vũ là không đúng quy định.

Đối với việc thẩm định giá để làm căn cứ chia tài sản, Kháng nghị cũng chỉ ra nhiều quá trình tố tụng có vi phạm nghiêm trọng như các bản thẩm định giá tài sản hết hiệu lực; sau khi có kết quả thẩm định giá, Toà đã không tiến hành thẩm định giá mà sử dụng kết quả thẩm định giá và các bất động sản do các bên tự định giá là không đúng.

Việc toà sơ thẩm và phúc thẩm sử dụng kết quả thẩm định giá từ đơn vị thẩm định giá dựa trên các báo cáo tài chính không được kiểm toán của các công ty thành viên trong Tập đoàn Trung Nguyên trong quá trình thẩm định giá là không đúng. 

Bên cạnh đó, VKTND Tối cao cũng cho rằng việc thẩm định giá cũng thiếu sót khi đơn vị thẩm định giá chưa thực hiện thẩm định giá trị thương hiệu là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Thảo.

Kháng nghị hủy án li hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên

Nội dung có ý nghĩa quan trọng nhất, cũng chính là căn nguyên xung đột của hai vợ chồng  ông bà chủ Trung Nguyên đó chính là việc phân chia cổ phần tại CTCP Tập đoàn Trung Nguyên cũng đã được VKSND Tối cao nêu trong Kháng nghị là không đúng.

Kháng nghị nêu trong quá trình giải quyết vụ án bà Thảo luôn có yêu cầu được nhận bằng hiện vật là cổ phần và phần vốn góp tại các công ty để thực hiện việc kinh doanh, vì bà Thảo là doanh nhân.

Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không xem xét đánh giá toàn diện về cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét đánh giá toàn diện về cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm và sơ thẩm về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TPHCM xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định cũng nêu rõ tạm đình chỉ thi hành bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm nêu trên, cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm. 

Theo qui định, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ xem xét kháng nghị, sau đó quyết định chấp thuận hoặc bác bỏ kháng nghị này.

Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm, cuối năm 2019, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP HCM đã tuyên giao ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Ông có trách nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo 1.190 tỉ đồng.

Đầu tháng 2/2020, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chấp nhận đơn yêu cầu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, tạm hoãn thi hành án vụ li hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, để có thời gian xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm. 

Trong khi đó, luật sư của ông Vũ cho biết đã thi hành gần hết bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao trước đó. Cụ thể là đã nộp hơn 1.220 tỉ đồng cho cơ quan thi hành án.

Sau đó, phía Trung Nguyên phát thông báo, khẳng định bà Thảo không còn là cổ đông của Trung Nguyên. Ông Vũ chính thức sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty trong tập đoàn sau khi đã nộp số tiền 1.190 tỉ đồng thi hành xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo.

Cuối tháng 2/2020, Bà Thảo tiếp tục đưa ra bằng chứng mình là cổ đông sáng lập Trung Nguyên bằng thư của công ty kiểm toán PKMG có chữ kí của ông Đặng Lê Nguyên Vũ ngày 27/2/2020. Qua đó, bà Thảo khẳng định bà vẫn đang là cổ đông sáng lập của Trung Nguyên và vẫn có quyền và lợi ích trong tập đoàn. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vksnd-toi-cao-phan-quyet-chia-toan-bo-co-phan-tai-trung-nguyen-cho-ong-vu-la-khong-dung-20200403234400043.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/