Vietnam Airlines nợ quá hạn hơn 6.600 tỷ, đợi tiền vay ưu đãi để trả

Không kể các khoản đã được giãn thời hạn thanh toán, Vietnam Airlines vẫn có khoảng 6.640 tỷ đồng nợ quá hạn tại ngày cuối năm 2020.

Vietnam Airlines nợ quá hạn hơn 6.600 tỷ, đợi tiền vay ưu đãi để trả - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines tại sân đỗ. (Ảnh: Song Ngọc).

Tại ngày 31/12/2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đang phải trả người bán ngắn hạn hơn 13.300 tỷ đồng. Trong số này có 6.640 tỷ đồng nợ đã quá hạn thanh toán, chưa kể các khoản đã được giãn thời hạn trả.

Vietnam Airlines cho biết công ty vẫn tiếp tục đàm phán với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ để cơ cấu lại số tiền và thời hạn thanh toán các khoản phải trả này. 

Hãng bay quốc gia này tin tưởng rằng với các khoản hỗ trợ tài chính đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua, cũng như sự hỗ trợ của các đối tác, Vietnam Airlines có thể thanh toán các khoản nợ phải trả quá hạn trong năm 2021.

Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt phương án để Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi, đồng thời được phép phát hành cổ phiếu để huy động thêm 8.000 tỷ đồng dù kết quả kinh doanh năm vừa qua thua lỗ hơn 11.000 tỷ đồng. 

Theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, doanh nghiệp muốn chào bán thêm cổ phiếu phải đáp ứng điều kiện "Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán". Quốc hội đã miễn điều kiện này với Vietnam Airlines.

Ngày 26/3/2021 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 450 quy định về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, NHNN tái cấp vốn không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của TCTD sau khi cho Vietnam Airlines vay. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn cho TCTD là 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn 0%, tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tối đa ba năm và giải ngân trước ngày 31/12/2021.

Khoản vay mà TCTD cấp cho Vietnam Airlines vẫn đòi hỏi có tài sản bảo đảm và lãi suất lớn hơn 0%. Dự kiến trong tháng 4, Vietnam Airlines sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn TCTD có khả năng đưa ra mức lãi suất thấp nhất cho khoản vay này.

Phần chênh lệch giữa lãi vay thực tế và lãi suất thị trường sẽ được quy đổi thành cổ phần Vietnam Airlines theo giá phát hành 10.000 đồng/cp hoặc một phương án khác.

Vietnam Airlines nợ quá hạn hơn 6.600 tỷ, đợi tiền vay ưu đãi để trả - Ảnh 2.

Hành khách lên tàu bay A321 của Vietnam Airlines tại Nội Bài. (Ảnh: Đức Quyền).

Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Công ty kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Vietnam Airlines là Deloitte Việt Nam đặc biệt chỉ ra một số điểm đáng lưu ý:

Thứ nhất, tại ngày cuối năm ngoái, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 24.456 tỷ đồng, bên cạnh đó còn khoản phải trả quá hạn 6.640 tỷ đồng. Cả năm 2020, Tổng công ty lỗ sau thuế hợp nhất 11.178 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần âm 6.456 tỷ đồng.

Thứ hai, COVID-19 vẫn đang tiếp tục tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines. 

"Khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch COVID-19", Deloitte Việt Nam nhận định.

Một vấn đề đáng chú ý khác là theo công văn số 26/BTC-TCDN do Bộ Tài chính ban hành ngày 12/1/2021, công ty mẹ Vietnam Airlines đã hạch toán chi phí khấu hao dựa trên số giờ hoạt động thực tế của máy bay thay vì phương pháp đường thẳng như các năm trước đây. Nhờ vậy, Tổng công ty tiết kiệm được 2.181 tỷ đồng chi phí khấu hao so với năm 2019 và giảm lỗ 2.800 tỷ đồng so với ước tính ban đầu.

Theo Chứng khoán HSC, Vietnam Airlines vẫn sẽ áp dụng phương pháp khấu hao mới trong năm 2021.

Những giải pháp khắc phục tạm thời

Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Vietnam Airlines đã thực hiện một số biện pháp để giảm nhẹ tác động của dịch bệnh như:

Điều chỉnh lại lịch bay và các chặng bay theo diễn biến kiểm soát dịch. Từ tháng 5 đến hết tháng 12/2020, Tổng công ty đã mở thêm 21 đường bay, nâng mạng bay nội địa lên 61 đường.

Cắt giảm chi phí; đàm phán giảm giá, giảm lãi suất, hoãn thời hạn thanh toán cho các đối tác là nhà cung cấp, tổ chức tín dụng, … "Hầu hết các ngân hàng đã đồng ý giãn thanh toán nợ vay cho các khoản vay đến hạn hoặc giãn các khoản dư nợ vay gốc đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư số 01" của NHNN ngày 13/3/2020, Vietnam Airlines cho hay.

Vietnam Airlines cũng đã và đang đàm phán lùi lịch nhận máy bay thuê hoạt động. Trong đó, 6 tàu thân rộng Boeing 787-10 và thân hẹp A320Neo đã được gia hạn nhận tới cuối năm 2021 và trong năm 2022, 2023 thay vì nhận trong năm 2020 theo thỏa thuận ban đầu.

Tổng Công ty còn tìm kiếm các nguồn thu khác như thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, thanh lý các khoản đầu tư. Trong năm 2020, Vietnam Airlines đã bàn giao 3/5 máy bay A321 thuộc hợp đồng thanh lý 5 máy bay đã ký từ năm 2019 và thu được toàn bộ số tiền là 365 tỷ đồng. 

Với hai máy bay còn lại, khách đã thanh lý hợp đồng và thanh toán khoản phạt 23,5 tỷ đồng. Trong năm 2021, Vietnam Airlines dự tính tiếp tục bán 2 tàu bay nói trên và 9 máy bay A321 khác.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vietnam-airlines-no-qua-han-hon-6600-ty-doi-tien-vay-uu-dai-de-tra-20210406154312941.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/