Vietjet vay thêm hơn 4.000 tỷ trong một quý, vốn chủ tăng 257 tỷ

Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vietjet tại ngày 31/3 năm nay là 19.540 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng tăng lên 17.111 tỷ đồng nhờ lợi nhuận trong kỳ.

Quầy tự làm thủ tục của Vietjet tại Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Tại ngày cuối quý I/2022, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) đang ghi nhận nợ vay ngắn hạn 8.532 tỷ đồng, nợ vay và trái phiếu dài hạn 11.008 tỷ đồng, tăng lần lượt 1.212 tỷ và 2.868 tỷ đồng so với ngày đầu năm.

Tổng cộng, nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vietjet tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng trong ba tháng đầu 2022. Vốn chủ sở hữu tăng lên 257 tỷ, chủ yếu nhờ lợi nhuận đạt được trong quý I.  

Chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của Vietjet tại ngày 31/3 là Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank – Mã: HDB) với dư nợ 2.475 tỷ đồng. Chủ nợ ngắn hạn lớn thứ 2 của Vietjet là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) với dư nợ 2.285 tỷ đồng.

Vietjet có ba lô trái phiếu với tổng dư nợ 11.250 tỷ đồng. Một lô có giá trị 600 tỷ đồng đáo hạn vào năm 2022, một lô 650 tỷ đồng đáo hạn năm 2023 và một lô 10.000 tỷ đồng đáo hạn vào 2026.

Trong bối cảnh nợ vay lên cao, chi phí lãi vay của Vietjet cũng tăng mạnh lên 339 tỷ đồng, gấp đôi quý I/2021 và là mức cao nhất từ trước đến nay, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.

Tổng chi phí tài chính trong quý đầu năm nay là gần 403 tỷ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ do lãi vay tăng nhanh và mất đi phần lớn khoản hoàn nhập dự phòng chứng khoán kinh doanh.

Quý I/2022, chi phí lãi vay của Vietjet từ đầu năm 2019 đến nay.

Một chi tiết đáng chú ý trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của Vietjet là nợ phải trả cộng với vốn chủ sở hữu đang nhỏ hơn tổng nguồn vốn.

Cụ thể, nợ phải trả là gần 41.891 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 17.111 tỷ đồng, tổng cộng là 59.002 tỷ đồng. Báo cáo tài chính có dấu đỏ của Vietjet lại đang ghi nhận tổng nguồn vốn là 58.202 tỷ đồng, tức là các số liệu đang chênh nhau 800 tỷ.

Tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của Vietjet tại ngày 31/3/2022 nhỏ hơn tổng nguồn vốn. Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2022 của Vietjet.

Doanh nghiệp đối thủ của Vietjet là Tổng Cộng ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) hiện nay chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán cả năm 2021 cũng như báo cáo tài chính quý I/2022. Lý do mà Vietnam Airlines đưa ra là dịch COVID-19 bùng phát liên tục khiến quá trình lập và kiểm toán báo cáo gặp khó khăn, nhiều nhân viên của tổng công ty phải cách ly, điều trị tại nhà.

Trong khi đó, Vietjet đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán cả năm 2021 cũng như quý I/2022, tuy muộn hơn so với hạn chót theo quy định.

Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay Vietjet khai thác 28.150 chuyến bay trong khi Vietnam Airlines dẫn đầu với hơn 33.100 chuyến, chưa kể hai hãng thành viên là Pacific Airlines và Vasco. Tuy nhiên, như thống kê bên dưới cho thấy, Vietjet xếp trên Vietnam Airlines về tỷ lệ cất cánh đúng giờ (OTP).

Bamboo Airways là hãng có tỷ lệ cất cánh đúng giờ cao nhất ngành hàng không Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022.

Kết phiên hôm nay 9/5, cổ phiếu VJC của Vietjet giảm 3,1% trong khi HVN của Vietnam Airlines giảm kịch sàn 6,9%. Cả thị trường chứng khoán ghi nhận 356 mã giảm hết biên độ. So với đầu năm 2022, các cổ phiếu VJC và HVN đang thấp hơn lần lượt 3,4% và 15,6%.

 Giá cổ phiếu VJC và HVN hiện đều thấp hơn so với đầu năm 2022.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vietjet-vay-them-hon-4000-ty-trong-mot-quy-chi-phi-lai-vay-gap-doi-cung-ky--20225916586514.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/