Vietjet đứng trên Vietnam Airlines về tỷ lệ đúng giờ 2022, bám sát về số chuyến bay

Vietjet Air từng thua kém Vietnam Airlines về tỷ lệ đúng giờ năm 2021 nhưng đã chuyển lên dẫn trước trong năm 2022. Bamboo Airways là hãng có tỷ lệ cất cánh đúng giờ cao nhất 4 năm liên tiếp.

Hành khách đi qua quầy tự làm thủ tục của Vietjet Air. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo số liệu mới được Cục Hàng không Việt Nam công bố, các hãng hàng không của nước ta khai thác tổng cộng 312.841 chuyến bay trong năm 2022, tăng trưởng 148% so với 2021 do các biện pháp phòng dịch đã được gỡ bỏ từ những tháng đầu năm.

Vietnam Airlines (không kể Pacific Airlines và Vasco) tiếp tục dẫn đầu với xấp xỉ 116.000 chuyến bay, chiếm 37,1% thị phần toàn ngành. Vietjet Air bám sát phía sau với 115.349 chuyến, chỉ thấp hơn Vietnam Airlines 0,55% và vượt mục tiêu 100.000 chuyến mà đại hội cổ đông đã thông qua.

Bamboo Airways khai thác gần 52.000 chuyến bay trong năm qua, bằng khoảng 45% hai hãng đầu ngành.

Xét về tốc độ tăng trưởng, Vietjet tỏ ra vượt trội hơn hẳn Vietnam Airlines và Bamboo Airways khi số chuyến bay năm 2022 gấp hơn ba lần so với 2021. Biểu đồ bên dưới cho thấy tốc độ tăng trưởng của hai hãng còn lại là 157% và 131%.

Vietnam Airlines và Vietjet cạnh tranh nhau ngôi đầu về số chuyến bay.

Năm 2019 khi COVID chưa bùng phát, Vietjet dẫn đầu toàn ngành về số chuyến bay. Trong ba năm đại dịch vừa qua, Vietnam Airlines đã vượt lên. Tuy nhiên, Vietjet đang dần thu hẹp khoảng cách và hoàn toàn có khả năng giành lại ngôi đầu trong năm 2023.

Số chuyến bay của Vietnam Airlines trong năm 2022 tương đương 96,8% năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ này của Vietjet mới là 83%, đồng nghĩa dư địa hồi phục cho Vietjet vẫn còn rất lớn.

Với Bamboo Airways, số chuyến năm 2022 nhiều gấp 2,6 lần năm 2019 – vừa là năm cuối cùng trước khi COVID đổ bộ, vừa là năm đầu tiên Bamboo bay thương mại. Với Pacific Airlines và Vasco, tỷ lệ phục hồi lần lượt là 47,3% và 64,3%.

Tỷ lệ cất cánh đúng giờ (OTP) trong năm vừa qua cũng ghi nhận nhiều biến động. OTP toàn ngành là 89,7%, giảm 5 điểm % so với mức 94,7% của năm 2021. Tổng cộng đã có 32.260 chuyến bay bị chậm (delay) trong năm 2022, nhiều gấp 4,8 lần năm trước đó.

Vietnam Airlines năm 2021 có tỷ lệ OTP đạt 95% và đứng trên Vietjet Air nhưng đến năm 2022, Vietjet đã dẫn trước, Vietnam Airlines tụt xuống cuối bảng.

Bamboo Airways là hãng có tỷ lệ cất cánh đúng giờ cao nhất toàn ngành với 95,2%. Thống kê bên dưới cho thấy, trong 4 năm liên tiếp từ khi thành lập đến nay, hãng bay mang thương hiệu cây tre đều dẫn đầu về OTP.

Bamboo Airways dẫn đầu về tỷ lệ cất cánh đúng giờ trong 4 năm liên tiếp. Năm 2022, Vietnam Airlines có OTP đạt 87,5%, Vietjet là 88,5%, Vasco 92,1%, Vietravel Airlines 93%, Pacific Airlines 94%, Bamboo Airways 95,2%.

Ngành hàng không trong năm 2022 đã hồi phục mạnh mẽ, thể hiện qua số chuyến bay cao gấp nhiều lần 2021 khi thị trường nội địa không còn phong tỏa. Tuy vậy, mảng bay quốc tế vẫn còn khá hạn chế khi thị trường lớn nhất là Trung Quốc kiên trì chính sách Zero COVID trong năm qua.

Kể từ tháng 1/2023, Trung Quốc đã mở cửa không phận, bỏ các yêu cầu về xét nghiệm và cách ly cho hành khách nhập cảnh. Đây là tín hiệu tích cực cho các ngành du lịch thế giới nói chung và các hãng hàng không Việt Nam nói riêng.

Vietnam Airlines vừa thông báo sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 4 năm nay, qua đó khôi phục tổng cộng 9 trên 10 đường bay tới thị trường tỷ dân so với giai đoạn trước dịch.

Cụ thể, từ tháng 3/2023, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh với tần suất ba chuyến bay một tuần. Đồng thời, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP HCM với Quảng Châu và Thượng Hải, mỗi đường bay sẽ được Vietnam Airlines khai thác 4 chuyến một tuần. Đây là mức tăng tần suất đáng kể khi so sánh với hiện tại, hãng chỉ khai thác một hoặc hai chuyến bay mỗi tuần trên các đường bay này.

Từ tháng 4/2023, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, với tần suất hai chuyến bay một tuần trên mỗi chặng.

Ngoài ra, từ tháng 9/2023, Vietnam Airlines có kế hoạch đưa tàu thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 khai thác trên các đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh; giữa Hà Nội, TP HCM và Thượng Hải. 

Việc mở lại và tăng tần suất bay tới Trung Quốc của Vietnam Airlines nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch giữa hai nước được dự báo sẽ phục hồi tích cực từ tháng 3/2023. Dù số lượng trung bình chưa nhiều do đây là giai đoạn đầu mở lại, lượng khách vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.

Với kịch bản lạc quan là Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các thủ tục liên quan, nhu cầu phục hồi tốt, Vietnam Airlines kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ đạt khoảng 80% so với trước dịch. 

Năm 2019, Vietnam Airlines phục vụ 8,1 triệu lượt khách giữa Trung Quốc và Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19% tổng số lượng khách Vietnam Airlines. Trung Quốc nằm trong top 3 thị trường có số lượng khách lớn nhất của hãng. 

Chứng khoán SSI dự đoán lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ dần hồi phục trong quý II rồi đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè 2023. Các chuyến bay quốc tế năm 2024 có thể vượt qua mức 2019, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn cho ngành hàng không Việt Nam. 

Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất của hàng không Việt Nam trước dịch.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vietjet-dung-tren-vietnam-airlines-ve-ty-le-dung-gio-2022-bam-sat-ve-so-chuyen-bay-20232716245732.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/