Việt Nam tăng tốc trong bối cảnh sản xuất toàn cầu dần phục hồi

Hoạt động sản xuất tăng tốc ở Philippines và Việt Nam, nhờ sự gia tăng đơn đặt hàng xuất khẩu. Chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng trung bình 50 điểm trong tháng 9.

Sản xuất toàn cầu phục hồi trong tháng 9

Hoạt động sản xuất của Mỹ có dấu hiệu phục hồi sau cuộc suy thoái mạnh vào mùa xuân năm nay, khi các nhà máy buộc phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Các cuộc khảo sát sản xuất mới được công bố cho thấy nhu cầu trong và ngoài nước trong tháng 9 được cải thiện, nhờ đó thúc đẩy lượng đơn đặt hàng mới.

Viện Quản lí Cung ứng (ISM) cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của hoạt động sản xuất đạt 55,4 điểm trong tháng 9. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này tăng. Chỉ số trên 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang dần cải thiện, nếu chỉ số dưới 50 nghĩa là hoạt động sản xuất bị chững lại.

Trong khi đó, chỉ số phụ về việc làm được báo cáo ở mức 49,6, nghĩa là các nhà máy tiếp tục cắt giảm lao động trong tháng 9, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với những tháng trước.

Timothy Fiore, người điều hành các cuộc khảo sát của ISM, cho biết thị trường việc làm đã có những dấu hiệu tốt hơn vài tháng trước. "Nhìn chung, mọi thứ đều có vẻ ổn".

Hoạt động sản xuất toàn cầu phục hồi, Việt Nam tăng tốc giữa các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất toàn cầu có tín hiệu phục hồi. (Ảnh: Peter Nicholls/ Reuters).

Trong một khảo sát riêng của IHS Markit mới được công bố, PMI đã tăng nhẹ lên 53,2 trong tháng 9, từ mức 53,1 trong tháng 8. Chỉ số này cho thấy lượng việc làm trong tháng 9 đã tăng nhẹ.

Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit, cho biết các công ty đang tăng chi tiêu đầu tư trở lại sau khi kế hoạch mở rộng bị trì hoãn vào mùa xuân. Tương tự, các đơn đặt hàng nhiều hơn giúp thúc đẩy tạo thêm việc làm khi các công ty tiếp tục mở rộng công suất.

Các chỉ số sản xuất được đưa ra trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế đang mất đà hồi phục. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu của các hộ gia đình đã tăng 1% trong tháng 8 so với tháng trước, tốc độ chậm hơn so với hồi đầu mùa hè. Trong khi đó, thu nhập cá nhân giảm 2,7% trong tháng 8 do hết hạn trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vẫn ở mức cao. Tính đến 26/9,  837.000 lao động đã đệ đơn thất nghiệp do hoạt động sa thải nhân công trong thời gian gần đây.

Bộ Lao động Mỹ sẽ sớm công bố báo cáo việc làm tháng 9. Các chuyên gia kinh tế kì vọng thị trường lao động Mỹ sẽ có thêm 800.000 việc làm mới trong tháng vừa qua. Điều này có thể đẩy tỉ lệ thất nghiệp xuống 8,2%, từ 8,4% trong tháng 8. Trước đó vào tháng 8, Mỹ tạo ra gần 1,4 triệu việc làm.

Ông Timothy Fiore chỉ ra một số khó khăn có thể làm chậm tốc độ phục hồi sản xuất. Thứ nhất, sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 vào mùa thu này có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và công nhân phải ở nhà. Khó khăn thứ hai, việc dạy học trực tuyến có thể khiến nhiều phụ huynh phải làm việc tại nhà. Cuối cùng, sự bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống có thể khiến các công ty trì hoãn đầu tư.

Hoạt động sản xuất tăng tốc ở Philippines và Việt Nam

Hoạt động sản xuất toàn cầu phục hồi, Việt Nam tăng tốc giữa các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 2.

Các khu vực của châu Á cũng chứng kiến tăng trưởng sản lượng của nhà máy. (Ảnh minh họa: Getty).

Bức tranh tương tự ở châu Âu và châu Á, nơi các nhà sản xuất tiếp tục cắt giảm việc làm mặc dù họ đã phục hồi phần lớn hoạt động. Thất nghiệp ở khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng lên trong tháng 8, dù các chính phủ đã mạnh tay tung ra các khoản trợ cấp cho người lao động và doanh nghiệp.

IHS Markit cho biết PMI sản xuất khu vực đồng Euro đã tăng lên 53,7 trong tháng 9, từ mức 51,7 trong tháng 8.

Phần lớn tăng trưởng đó tập trung ở Đức, nơi các doanh nghiệp báo cáo doanh số xuất khẩu tăng mạnh. Đức nổi bật trong số các quốc gia giàu có nhờ sức mạnh phục hồi, hưởng lợi từ nhu cầu hồi sinh của Trung Quốc đối với máy công cụ và các hàng hóa khác.

Sự hồi sinh trong xuất khẩu của Đức đã có tác động tích cực đến các nền kinh tế có liên kết chặt chẽ với cường quốc sản xuất của châu Âu, trong đó có Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Tuy nhiên, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay và năm tới của 36 quốc gia ở Đông Âu, Bắc Phi và Trung - Tây Á, vì những hạn chế nhằm ngăn chặn COVID-19 kéo dài hơn dự kiến.

Bất chấp sự hồi sinh về sản lượng và đơn đặt hàng, các nhà sản xuất trong khu vực đồng Euro vẫn tiếp tục cắt giảm việc làm. Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu cho biết 251.000 người đã mất việc làm trong tháng 8, đẩy tỉ lệ thất nghiệp từ 8% lên 8,1%.

Trên toàn cầu, những gì chúng tôi thấy là xuất khẩu dịch vụ không phục hồi nhanh như xuất khẩu hàng hóa sản xuất. Một số doanh nghiệp sẽ phá sản", Beata Javorcik, Nhà kinh tế trưởng của EBRD nói.

Các khu vực của châu Á cũng chứng kiến tăng trưởng sản lượng của nhà máy, đáng chú ý nhất là Ấn Độ, nơi chỉ số PMI đã tăng lên 56,8 trong tháng 9, từ mức 52 trong tháng 8, do đơn đặt hàng xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, nước này vẫn ghi nhận nhiều lao động bị mất việc làm.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn trong tháng 9 khi nhu cầu toàn cầu phục hồi và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã thúc đẩy hoạt động của các nhà máy. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 30/9, PMI của nước này đã tăng lên 51,5 điểm vào tháng 9. Con số này cao hơn dự báo 51,2 điểm của các nhà kinh tế và 51 điểm của tháng 8.

Hoạt động sản xuất cũng tăng tốc ở Philippines và Việt Nam, nhờ sự gia tăng đơn đặt hàng xuất khẩu. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng trung bình 50 điểm trong tháng 9 khi đạt 52,2 điểm so với 45,7 điểm của tháng 8. Kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện lần đầu trong ba tháng qua, và đây là mức cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 7/2019.

Hoạt động sản xuất toàn cầu phục hồi, Việt Nam tăng tốc giữa các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 3.

Chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng trung bình 50 điểm trong tháng 9 khi đạt 52,2 điểm so với 45,7 điểm của tháng 8. (Báo cáo của IHS Markit).

Báo cáo cho thấy, sản lượng của Việt Nam cũng tăng mạnh, và được hỗ trợ bởi số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Trên thực tế, mức tăng sản lượng là mức mạnh nhất trong 14 tháng qua.

Tuy nhiên, có sự sụt giảm hoạt động sản xuất ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia, một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và chắp vá.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/viet-nam-tang-toc-trong-boi-canh-san-xuat-toan-cau-dan-phuc-hoi-20201005122513298.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/