'Việt Nam bị thất thu rất lớn trên sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ'

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 8/6.

Khó thu thuế thương mại điện tử

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, đại biểu tỉnh Bến Tre, đưa thông tin ước tính mỗi năm ngành thuế thất thu khoảng 85% thuế phải thu từ các nền tảng số như Facebook, Google... Việc này có thể gây ra thất thoát cho ngân sách nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đại Thắng, đại biểu đoàn Hưng Yên, yêu cầu Bộ Tài chính phải đưa giải pháp để quản lý doanh thu đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới, tránh việc gian lận, trốn thuế từ hoạt động này.

Trả lời chất vấn đại biểu về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận đây là lĩnh vực rất mới, hiện đã bị thất thu rất lớn trên sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ. Mặc dù Bộ Tài chính ban hành thông tư yêu cầu chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho những người tham gia sàn, nhưng không được đồng thuận.

Do đó, Bộ Tài chính đang dừng lại để tiếp tục nghiên cứu, bởi khó khăn hiện nay là người tham gia sàn thương mại điện tử có thể ở ngước ngoài, chứ không chỉ ở Việt Nam.

 Một sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Thiên Trường).

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay các tập đoàn công nghệ như Youtube, Google, Microsoft… đã đăng ký và nộp thuế đầy đủ. Còn đối với trường hợp hàng hóa bán qua Zalo, Facebook rồi nhận hàng, sau đó trả bằng tiền mặt, Bộ trưởng cho rằng đây là khoản thất thu rất lớn.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã giải quyết một bước, các tập đoàn lớn về công nghệ thông qua khai trương cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, các tập đoàn đã kê khai nộp thuế. Sau này tiến hành thanh tra sau. Còn sàn thương mại điện tử cũng đang được tích cực kiểm tra.

Đối với Zalo, Facebook và các nền tảng khác, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành khác để thắt chặt trong lĩnh vực này. Trong tương lai, sẽ xây dựng một hệ thống công nghệ để kiểm soát và tự động thu tiền thông qua hệ thống ngân hàng.

Facebook, Google, Microsoft nộp hơn 4.500 tỷ đồng tiền thuế tại Việt Nam

Trong báo cáo vừa được Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết từ 2018 đến hết tháng 4/2022, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đã kê khai và nộp cho cơ quan thuế Việt Nam 5.111 tỷ đồng.

Trong số đó, Facebook, Google, Microsoft đã nộp hơn 4.500 tỷ đồng tiền thuế. Cụ thể, Facebook nộp 1.965 tỷ đồng, Goolge nộp 1.902 tỷ đồng và Microsoft nộp 651 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, hoạt động quản lý thu thuế đối với hàng hóa, nền tảng dịch vụ xuyên biên giới theo quy định hiện hành được thực hiện thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu bình quân trên 1.100 tỷ đồng/năm.

Năm 2018 số tiền thuế thu từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), dịch vụ số xuyên biên giới đạt 770 tỷ đồng, năm 2019 đạt 1.168 tỷ đồng, năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng và 4 tháng đầu năm 2022 đạt 437 tỷ đồng.

Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh TMĐT, tính đến hết tháng 4, cơ quan thuế đã thu được số tiền thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu được khoảng 735 tỷ đồng.

Hiện nay, Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, gồm 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài, tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/viet-nam-bi-that-thu-rat-lon-tren-san-thuong-mai-dien-tu-va-kinh-doanh-cong-nghe-202268171326694.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/