Vicem ước lãi hơn 2.000 tỷ năm 2021

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới cả thị trường trong nước và xuất khẩu cộng với giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng đã kéo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Vicem đi lùi.

Vicem ước lãi hơn 2.000 tỷ năm 2021 - Ảnh 1.

Nhà máy xi măng Kiên Lương - đơn vị trực thuộc Vicem Hà Tiên 1. (Ảnh: Vicem).

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với doanh thu cả năm ước đạt 33.638 tỷ đồng, bằng 94,7% kế hoạch năm 2021, đạt 99,6% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế là 2.011 tỷ đồng, giảm 3,2% so với năm 2020.

Tính đến ngày 9/12, ước tính sản lượng sản xuất clinker năm 2021 toàn Vicem đạt gần 21,55 triệu tấn, đa 98,3% kế hoạch năm và bằng 99,2% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng sản xuất xi măng khoảng gần 23,9 triệu tấn, đạt 90,6% kế hoạch năm 2021 và bằng 97,8% so với thực hiện năm 2020. 

Ước tổng sản phẩm tiêu thụ (xi măng, clinker) năm 2021 là 29,24 triệu tấn, đạt 95,3% kế hoạch năm 2021, bằng 99,7% so với thực hiện năm 2020.

Lãnh đạo Vicem cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhu cầu xi măng giảm, chi phí logistics tăng. 

Thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt cầu. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao so với đầu năm 2021 như: Than tăng (than nhập khẩu tăng gần 200%), thạch cao tăng 37%... 

Xuất khẩu xi măng, clinker gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình trạng phong tỏa, kiểm dịch tại nhiều cảng biển Philippines, Trung Quốc cộng với cước tàu biển ở mức cao.

Vicem ước lãi hơn 2.000 tỷ năm 2021 - Ảnh 2.

Ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Vicem. (Ảnh: Vicem).

Trong công tác cổ phần hoá, hiện nay, vấn đề vướng mắc lớn nhất liên quan đến việc phê duyệt phương án sắp xếp xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa. Do thủ tục về đất đai phụ thuộc vào quy trình và thời gian xử lý hồ sơ của các địa phương, Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền nên Vicem không chủ động được về thời gian hoàn thành.

Tổng Giám đốc Vicem Lê Nam Khánh cho biết Vicem Hoàng Thạch, Hải Phòng, Tam Điệp đã làm việc với các địa phương để bàn giao tài sản không cần dùng về địa phương quản lý. Các địa phương có văn bản đồng ý tiếp nhận tài sản, nhưng do chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục cũng như quy định cụ thể việc ghi giảm vốn, tài sản của doanh nghiệp đã đầu tư sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển giao nhà, đất về địa phương…nên việc chuyển giao bị vướng nên đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Tổng công ty cho biết đã triển khai thành lập tổ rà soát, cập nhật, điều chỉnh nội dung Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2018 - 2025 và nghiên cứu, xây dựng Đề án tái cơ giai đoạn 2021 – 2025. Sau khi hoàn thành, Vicem sẽ báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Vicem rà soát, xây dựng và trình Bộ Xây dựng xem xét, phê duyệt phương án điều chỉnh và xác định vốn điều lệ của công ty mẹ Vicem.

Trong xây dựng kế hoạch 5 năm, Vicem cho biết sẽ lưu ý lựa chọn tỷ lệ vốn Nhà nước từ 51% đến 65%, từ đó, xây dựng 2 - 3 kịch bản khác nhau. Phía Bộ Xây dựng đồng ý cho Vicem tăng vốn điều lệ nhưng cần xây dựng rõ phương án. 

Bên cạnh đó, Vicem cũng kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để tăng cường sử dụng tro, xỉ nhiệt điện, rác thải, bùn thải trong sản xuất xi măng. Hỗ trợ các công ty thành viên sản xuất xi măng của Vicem trong việc xin cấp giấy phép khai thác các mỏ nguyên liệu (đá vôi, đá sét).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vicem-uoc-lai-hon-2000-ty-nam-2021-20211225205004877.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/