Vì sao quỹ ngoại tất tay 'cổ phiếu vua'?

Mặc dù bán ròng mạnh trong những tháng gần đây, các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đang phân bổ tỷ trọng lớn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đây là hành động cụ thể hóa cho nhận định triển vọng tích cực của nhóm ngân hàng trong những năm tới.

Quỹ ngoại phân bổ tỷ trọng lớn vào cổ phiếu ngân hàng

Nhóm ngân hàng được còn được biết là cổ phiếu "vua" trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là nhóm có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường. Quan sát danh mục đầu tư cho thấy, các quỹ đầu tư nước ngoài đặc biệt ưa thích nhóm cổ phiếu này. Một số quỹ phân bổ hơn 1/3 danh mục đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng.

VEIL - Ảnh 1.

Nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu danh mục của quỹ tỷ đô VEIL do Dragon Capital quản lý. Nguồn: VEIL.

Đơn cử, Pyn Elite Fund phân bổ 37% danh mục đầu tư vào 4 cổ phiếu ngân hàng gồm CTG, HDB, TPB, MBB.

Tương tự, quỹ quy mô lớn nhất thị trường là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng phân bổ 34,7% danh mục (tính dến 26/2/2021) vào nhóm ngân hàng. Tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục vượt xa nhóm đứng sau là bất động sản (27,4%), hay vật liệu và tài nguyên (12%). 

Tại thời điểm cuối tháng 2, quy mô tài sản ròng của quỹ VEIL là hơn 2 tỷ USD. Ước tính giá trị cổ phiếu ngân hàng trong danh mục của quỹ VEIL đạt gần 700 triệu USD. Top10 mã có tỷ trọng lớn nhất của quỹ VEIL có 4 đại diện của nhóm ngân hàng gồm ACB, VCB, TCB và VPB.

Cùng trong nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý, Vietnam Equity (UCITS) Fund (quy mô 144 triệu USD), nhóm ngân hàng được phân bổ tỷ trọng lớn nhất với 26,5%. Hay CTBC Vietnam Equity Fund (quy mô 312 triệu USD) rót 29,4% vốn vào mã tài chính ngân hàng.

Không nằm ngoài xu hướng, quỹ ngoại quy mô 150 triệu USD là Vietnam Holding phân bổ tỷ trọng lớn nhất với 27% vào cổ phiếu nhóm ngân hàng. Những mã được quỹ này nắm giữ nhiều nhất tại ngày 28/2 có CTG (tỷ trọng 8,5%), VPB (6,8%), MBB (5,4%).

Trong cơ cấu danh mục của quỹ JPMorgan Vietnam Opportunities (quy mô 412 triệu USD), tỷ trọng cổ phiếu nhóm tài chính là 21,3%, không chênh lệch nhiều với hai nhóm dẫn đầu là bất động sản (24,3%) và tiêu dùng thiết yếu (22,6%).

Với việc phân bổ tỷ trọng lớn vào cổ phiếu ngân hàng, vậy các quỹ ngoại đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng điều gì vào nhóm này?

Vì sao quỹ ngoại tất tay 'cổ phiếu vua'? - Ảnh 2.

Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Bức tranh sáng cho ngành ngân hàng

Góc nhìn của Pyn Elite Fund, nhóm ngân hàng Việt Nam được dự báo có sự tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận trong một năm thuận lợi. Trong năm COVID-19 thứ nhất, lợi nhuận của các ngân hàng được kiểm soát theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Trong quý đầu năm 2020, nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng cho các khoản vay. Trong năm 2021, các ngân hàng trở lại trạng thái bình thường mới và dự báo tăng trưởng lợi nhuận cao. Quý đầu năm nay, Pyn Elite Fund dự báo nhóm ngân hàng sẽ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh với kỳ vọng cao hơn 50 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, VietinBank (Mã: CTG) cho biết tăng trưởng lợi nhuận quý I đạt 135% tại sự kiện gần đây.

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại là cao trong vài năm tới. Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam sẽ có mức tăng đáng kể, ông Petri Deryng, người quản lý danh mục của quỹ Pyn Elite Fund cho hay.

Báo cáo công bố vào cuối tháng 2, JP Morgan cũng đưa ra góc nhìn tích cực đối với nhóm cổ phiếu "vua" và đưa ra nhận định hấp dẫn để nắm giữ. Dự báo của JP Morgan, tốc độ tăng trưởng EPS bình quân nhóm ngân hàng giai đoạn 2020 - 2023 là 16%. Vì lẽ đó, giá cổ phiếu tăng từ 8 - 42% trong suốt năm và có thể cao hơn trong 3 năm tới.

Còn theo VinaCapital, quỹ ngoại này cho rằng ngành ngân hàng sẽ có triển vọng tốt hơn cho năm nay nhờ tỷ suất lợi nhuận cao hơn (tăng 14 điểm cơ bản lên 3,68%). Kết quả này đến từ việc các khoản vay được cơ cấu lại, phí giao dịch/thanh toán và bảo hiểm cao hơn (tăng từ 12,1% lên 13,4% trong tổng thu nhập). 

Bên cạnh đó, chi phí tín dụng thấp hơn (giảm 6 đến 169 điểm cơ bản) mặc dù dự phòng rủi ro tín dụng vẫn có thể gia tăng. Cơ sở để VinaCapital đưa ra nhận định này dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất, một số ngân hàng đã hoàn thành xử lý trái phiếu VAMC trong năm 2020. Thứ hai, các ngân hàng chủ động trích lập dự phòng cao hơn và tăng trưởng tín dụng nhanh hơn (12,8%), phù hợp với tốc độ tăng trưởng của GDP.

VinaCapital dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của nhóm ngân hàng trong năm 2021 là 14%, khởi sắc hơn so với con số 9,9% của năm 2020. 

Rủi ro hiện tại của nhóm ngân hàng xung quanh chất lượng tài sản. Do đó, chuyên gia của VinaCapital đang xem xét về khả năng nợ xấu cao hơn và các khoản dự phòng.

Đó là những đánh giá về tổng quan của nhóm ngân hàng trong năm 2021. Còn về các chủ đề đầu tư tiềm năng, VinaCapital nhấn mạnh một số "câu chuyện" của nhóm ngân hàng như đầu tư giá trị, thoái vốn, niêm yết trên HOSE, chia cổ tức bằng cổ phiếu, hợp đồng bancassurance, M&A và trái phiếu doanh nghiệp. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-quy-ngoai-tat-tay-co-phieu-vua-20210328003513688.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/