Vì sao Mỹ muốn hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc?

Từ lâu các nhà lập pháp và chính quyền Tổng thống Trump đã thấy không hài lòng khi doanh nghiệp Trung Quốc được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ nhưng không tuân thủ mọi luật lệ giống như những doanh nghiệp khác.

Vì sao Mỹ ủng hộ đề xuất hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc?  - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ gặp khó nếu dự luật mới của Washing ton dược được thông qua. Ảnh: Bloomberg

Cuộc đối chọi kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc giờ còn lan sang cả việc kiểm toán các công ty đại chúng. Dự luật Trách nhiệm của Doanh nghiệp Nước ngoài (HFCAA) mà quốc hội Mỹ đang thảo luận có thể sẽ khiến doanh nghiệp Trung Quốc phải hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq.

Dự luật HFCAA đã được thông qua với tốc độ nhanh chóng và sự nhất trí tuyệt đối ở Thượng viện - một điều hiếm thấy ở Washington – cho thấy quyết tâm của các nhà lập pháp Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc.

1. Nội dung của dự luật là gì?

Theo Bloomberg, dự luật HFCAA sẽ buộc các công ty nước ngoài niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ phải tiết lộ nhiều thông tin hơn.

Cụ thể, dự luật yêu cầu các báo cáo tài chính của doanh nghiệp nước ngoài phải do Hội đồng giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) kiểm toán bởi vì doanh nghiệp sử dụng công ty kế toán nước ngoài không chịu sự kiểm tra của Hội đồng.

Các doanh nghiệp này cũng sẽ phải chứng minh họ không thuộc sở hữu hoặc bị thao túng bởi chính phủ nước ngoài.

2. Mục tiêu của dự luật là gì?

Việc Trung Quốc từ chối cho phép PCAOB kiểm tra kết quả kiểm toán của doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và Hong Kong từ lâu đã khiến các nhà lập pháp không hài lòng.

Doanh nghiệp Trung Quốc nói rằng họ không thể tuân thủ yêu cầu của PCAOB vì luật an ninh quốc gia Trung Quốc cấm giao nộp tài liệu kiểm toán cho các nhà quản lí Mỹ.

Thượng nghị sĩ John Kennedy, một trong những người đề xuất dự luật này tuyên bố: "Tôi và nhiều người khác đều muốn Trung Quốc tuân thủ luật lệ. Mọi doanh nghiệp đều phải chấp hành luật - doanh nghiệp Mỹ, Anh, Malaysia, Turkmenistan – chỉ trừ doanh nghiệp Trung Quốc. Họ chỉ nói: "Không"".

Trước đó, Sàn giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq đã phản đối việc đe dọa hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng phải nhượng bộ trước áp lực của chính phủ Mỹ.

3. Liệu dự luật này có được thông qua thành đạo luật không?

Dự luật HFCAA sẽ trở thành đạo luật chính thức nếu được Hạ viện thông qua và Tổng thống Trump kí ban hành.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết Hạ viện sẽ xem xét dự luật này, nhưng không hứa hẹn sẽ cho tiến hành bỏ phiếu. 

Tổng thống Trump đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng Thượng viện đề xuất, nhưng chưa chắc dự luật HFCAA sẽ phù hợp với chiến lược đối phó với Trung Quốc của Nhà Trắng.

Nếu HFCAA trở thành đạo luật, Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC) sẽ phải viết các qui tắc hướng dẫn cách doanh nghiệp xác nhận họ không bị kiểm soát bởi một chính phủ nước ngoài.

4. Khi nào doanh nghiệp Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết?

Theo nội dung của dự luật, doanh nghiệp sẽ chỉ bị hủy niêm yết nếu không tuân thủ yêu cầu của PCAOB trong ba năm liên tiếp.

Trong trường hợp bị hủy niêm yết, chứng khoán của doanh nghiệp có thể được cho phép giao dịch trở lại bằng cách chứng minh doanh nghiệp đã thuê một công ty kiểm toán được SEC chấp thuận.

Trong trường hợp không tuân thủ yêu cầu kiểm tra kiểm toán sau đó, doanh nghiệp sẽ bị cấm niêm yết trong vòng 5 năm.

5. Dự luật này có thể ảnh hưởng đến bao nhiêu doanh nghiệp Trung Quốc?

PCAOB cho biết Hội đồng này đang bị ngăn kiểm tra báo cáo tài chính đã kiểm toán của khoảng 200 doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc hoặc Hong Kong.

Danh sách các doanh nghiệp này bao gồm những tên tuổi lớn như Alibaba Group Holding, PetroChina, Baidu và JD.com.

6. Liệu một số doanh nghiệp thực sự đang bị kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc?

Tính đến tháng 2/2019, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc báo cáo có 11 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch lớn tại Mỹ có ít nhất 30% cổ phần được sở hữu bởi nhà nước.

Chính phủ Trung Quốc cũng có thể gây áp lực lên những doanh nghiệp mà họ không nắm giữ cổ phần. Nhưng sẽ rất khó để chứng minh mối quan hệ này nếu Bắc Kinh không ra mặt công khai. 

7. Vì sao doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ?

Mọi doanh nghiệp trên khắp thế giới đều bị hấp dẫn bởi thanh khoản và số lượng nhà đầu tư đông đảo của thị trường chứng khoán Mỹ. Niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ cho phép doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lớn và nhanh chóng hơn.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc dù có qui mô lớn nhưng vẫn tương đối kém phát triển. Hoạt động gọi vốn của các doanh nghiệp bị hạn chế do hệ thống tài chính Trung Quốc chủ yếu bị thống trị bởi các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.

Ngoài ra, nhà đầu tư chính trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đa phần là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi đó, thị trường Mỹ gần như được thống trị bởi các nhà đầu tư tổ chức và các quĩ tương hỗ.

8. Vì sao Mỹ muốn siết chặt qui định kế toán với cổ phiếu Trung Quốc?

Đây là một mặt trận trong cuộc xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc được khởi xướng bởi chính quyền Tổng thống Trump.

Ông Trump cùng các cố vấn từ lâu đã cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang tạo ra sân chơi bất bình đẳng với các doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng đặc quyền của nền kinh tế thị trường – bao gồm quyền được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ - đồng thời vẫn được hưởng sự trợ giúp của chính phủ.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc trục lợi tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ.

9. Trung Quốc phản ứng ra sao?

Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố tất cả các bên đều được hưởng lợi khi doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài: Doanh nghiệp huy động được vốn, thị trường đa dạng hơn và nhà đầu tư có cơ hội "được chia sẻ lợi ích của sự phát triển kinh tế của Trung Quốc"

CEO Robin Li của Baidu nói với tờ China Daily rằng ông "rất lo lắng về việc chính phủ Mỹ liên tục siết chặt qui định kiểm soát" đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Baidu đã niêm yết trên sàn Nasdaq từ năm 2005.

Ông Li cho biết Baidu đã cân nhắc niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong, nhưng "không quá lo lắng" rằng chính phủ Mỹ có thể tạo ra "tác động không thể khắc phục được" đối với hoạt động kinh doanh.

Vị CEO này tin rằng một doanh nghiệp tốt không nhất thiết phải niêm yết ở Mỹ mà có thể huy động được vốn ở các thị trường khác.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-my-muon-huy-niem-yet-doanh-nghiep-trung-quoc-2020052609201063.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/