Vì sao Mỹ hai lần in tiền khủng nhưng chỉ một lần thổi bùng lạm phát?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từng nới lỏng định lượng (QE) quy mô lớn vào năm 2008 và không gây ra lạm phát đáng kể. Thế nhưng đợt QE năm 2020 lại khiến giá cả tăng phi mã và Fed đang phải gấp rút tìm cách chế ngự.

Hai lần bơm tiền, hai kết quả

Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, ngân hàng trung ương Mỹ lần đầu sử dụng chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing – QE) bằng cách mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại, từ đó bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính.

Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed nhảy vọt từ 900 tỷ USD vào tháng 9/2008 lên trên 2.200 tỷ USD vào tháng 11 cùng năm, tức là tăng hơn hai lần trong hai tháng.

Sau giai đoạn bảng cân đối kế toán đi ngang 2014 - 2018, Fed bắt đầu bán bớt tài sản trong nửa đầu năm 2019 và giảm cung tiền. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ không chịu đựng nổi sự thắt chặt này và Fed phải đảo ngược chính sách, nới lỏng trở lại.

Sau đó, COVID-19 bùng phát và tiền từ Fed cuồn cuộn chảy vào hệ thống ngân hàng và nền kinh tế thông qua các chương trình cho vay và mua trái phiếu quy mô lớn.

Vì sao Mỹ hai lần in tiền khủng nhưng chỉ một lần thổi bùng lạm phát? - Ảnh 1.

Bảng cân đối kế toán của Fed tăng sốc từ khoảng 4.200 tỷ USD vào tháng 2/2020 lên 7.200 tỷ USD vào tháng 6 cùng năm. Sau đó, mỗi tháng Fed đều đặn bơm thêm hơn 100 tỷ USD ra thị trường và quy mô tổng tài sản của Fed đạt 8.757 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Lạm phát lên cao trong những tháng đầu năm 2021 đã khiến nhiều chuyên gia lo lắng. Mặc dù vậy, Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức Fed khác cho rằng lạm phát chỉ là "tạm thời" do những đứt gãy của đại dịch gây ra và Fed không cần phải điều chỉnh chính sách.

Vì sao Mỹ hai lần in tiền khủng nhưng chỉ một lần thổi bùng lạm phát? - Ảnh 2.

Lạm phát tháng 11/2021 của Mỹ lên tới 6,9%, cao nhất 39 năm.

Thực tế đã chứng minh quan điểm "lạm phát tạm thời" là sai lầm và Fed đã phải bắt tay hành động: Trước hết là giảm tốc độ bơm tiền, sau đó là tăng lãi suất ba lần trong năm 2022 và nhiều khả năng sẽ giảm quy mô bảng cân đối kế toán để hút tiền về.

Năm 2008 Fed cũng nới lỏng định lượng (QE) quy mô lớn nhưng lạm phát không lên cao tới gần 7% như hiện nay.

Vào tháng 7/2008, lạm phát của Mỹ đạt đỉnh 5,5% nhưng lúc này QE vẫn chưa bắt đầu. Ngay cả khi Fed bơm tiền ra hệ thống ngân hàng, lượng tiền mới này cũng phải mất khoảng 6 tháng để lưu thông quanh nền kinh tế và đẩy giá cả lên. Vì vậy không thể coi lạm phát vào tháng 7/2008 là do chính sách nới lỏng của Fed.

Sau khi các gói QE được triển khai, lạm phát tại Mỹ chưa khi nào vượt quá 4%. Tại sao lại có sự khác biệt lớn trong mức tăng của giá cả trong hai lần Fed nới lỏng định lượng?

Năm 2008: Giải cứu ngân hàng khỏi khối tài sản độc hại

Trong cuộc khủng hoảng 2008, các ngân hàng tại Mỹ điêu đứng vì cho vay dưới chuẩn, tức là cấp khoản vay mua nhà cho những người không có thu nhập, không nghề nghiệp và không tài sản.

Khi giá nhà giảm sút và người vay không trả được nợ, các ngân hàng nắm trong tay hàng nghìn tỷ USD chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp (MBS) mà giá trị thị trường thấp hơn nhiều so với giá gốc.

Ngân hàng muốn thanh lý các ngôi nhà được dùng làm tài sản bảo đảm cũng không ổn vì giá nhà lúc này thấp hơn nhiều so với khi định giá cho vay. Các ngân hàng đối mặt với nguy cơ thua lỗ trầm trọng, vốn chủ sở hữu bị quét sạch, và vì thế nên không thể tiếp tục cho vay, tín dụng bị đóng băng.

Fed nhập cuộc giải cứu bằng cách mua lại đống "tài sản độc hại" MBS từ các ngân hàng, tái cấp vốn để các ngân hàng xây dựng lại một bảng cân đối kế toán lành mạnh và từ đó có thể cấp tín dụng ra nền kinh tế.

Giả sử một lô trái phiếu MBS có mệnh giá 100 triệu USD nhưng giá trị thực tế chỉ là 40 triệu USD. Fed lao vào và mua bằng với giá gốc là 100 triệu USD, tránh cho ngân hàng phải ghi nhận khoản lỗ 60 triệu USD nếu bán trên thị trường.

Fed không ngại thua lỗ khi nắm giữ MBS vì nhiệm vụ của ngân hàng trung ương không phải là tối đa hóa lợi nhuận và Fed có khả năng in tiền vô hạn.

Sự can thiệp của Fed thông qua mua tài sản độc hại vào năm 2008 chỉ có tác dụng ngăn hệ thống ngân hàng sụp đổ và không cho cung tiền thu hẹp chứ thực chất không tạo ra tiền mới trong nền kinh tế.

Cung tiền sau khi Fed can thiệp rõ ràng lớn hơn so với trường hợp giả định mà Fed không giải cứu, nhưng không tăng so với trước khủng hoảng. Vậy nên mặc dù quy mô bảng cân đối kế toán của Fed tăng sốc vào năm 2008 vì hoạt động thu mua trái phiếu MBS nhưng cung tiền M2 không có biến động gì đột ngột, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây.

Vì sao Mỹ hai lần in tiền khủng nhưng chỉ một lần thổi bùng lạm phát? - Ảnh 3.

Năm 2020: In tiền cho chính phủ chi tiêu

Đầu năm 2020 khi COVID-19 ập đến, hệ thống ngân hàng Mỹ đang sống khỏe, không vật vã vì nợ xấu. Fed không phải mua tài sản độc hại như năm 2008. Thay vào đó, ngân hàng trung ương Mỹ chủ yếu mua trái phiếu Kho bạc do Bộ Tài chính Mỹ phát hành.

Chính phủ và Quốc hội Mỹ tung ra ba gói chi tiêu lớn với tổng giá trị hơn 5.000 tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế mà COVID-19 gây nên. Fed gián tiếp tài trợ cho các gói giải cứu này thông qua chính sách lãi suất thấp và chương trình nới lỏng định định lượng.

Fed bơm tiền cho các ngân hàng, sau đó các ngân hàng cho chính phủ Mỹ vay để chi tiêu. Lần này Fed in tiền ra không phải để bù lỗ ngân hàng hay ngăn cung tiền thu hẹp mà là để đưa vào lưu thông trong nền kinh tế thông qua các tấm séc trợ cấp, các khoản hỗ trợ thất nghiệp bổ sung, ...

Vì vậy, cung tiền M2 của Mỹ tăng vọt theo quy mô bảng cân đối kế toán của Fed. Và khi cung tiền tăng nhanh hơn so với năng lực sản xuất của nền kinh tế, lạm phát là điều tất yếu.

Để kiềm chế đà tăng của giá cả, Fed đã bắt đầu giảm mua trái phiếu và sẽ sớm tăng lãi suất cũng như hút bớt tiền về. Tuy nhiên, các chính sách này tiềm ẩn nhiều rủi ro với nền kinh tế. Khối nợ của chính phủ cũng như doanh nghiệp Mỹ đang cao chưa từng thấy, nếu Fed nâng lãi suất và thắt chặt cung tiền, suy thoái rất có thể sẽ xảy ra.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-my-hai-lan-in-tien-khung-nhung-chi-mot-lan-thoi-bung-lam-phat-20220106120846843.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/