Vì sao chỉ đạt 41% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công sau 8 tháng?

Bộ Kế hoạch & Đầu tư chỉ ra 10 nguyên nhân khách quan khiến giải ngân vốn đầu tư công diễn ra chậm, chỉ đạt 41% kế hoạch sau 8 tháng đầu năm.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công 8 tháng đầu năm 2020.

Cụ thể, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7 là 193.040 tỉ đồng, đạt 40,98% kế hoạch (không bao gồm số vốn các năm trước kéo dài sang năm 2020). Tuy nhiên so với cùng kì năm 2019, kế hoạch giải ngân vốn 8 tháng đầu năm thấp, chỉ đạt 37,92% kế hoạch năm.

Dự kiến giải ngân đến 31/8 năm 2020 là 221.768,74 tỉ đồng đạt 47% so với kế hoạch. trong đó giải ngân vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch. 

Giải thích nguyên nhân, Bộ KH&ĐT cho biết, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công do nhiều nguyên nhân khách quan.

Nguyên nhân thứ nhất do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ chưa sát với thực tế, khả năng giao vốn và khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân.

Vì sao chỉ đạt 41% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công sau 8 tháng? - Ảnh 1.

Sân bay Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng. (Ảnh: Dân trí).

Thứ hai, phương thức giải ngân vốn đầu tư công khác cơ bản so với giải ngân vốn thường xuyên, phải có khối lượng mới có thể làm thủ tục thanh toán với kho bạc nhà nước, không thường xuyên, định kì như chi thường xuyên.

Bên cạnh đó, các dự án mua sắm trang thiết bị thường giải ngân vào cuối năm, những tháng đầu năm tập trung vào thủ tục đấu thầu. 

Đồng thời, do đặc thù của hoạt động đầu tư là cả một quá trình và tích lũy khối lượng thực hiện mới có thể xử lí các thủ tục giải ngân vốn thanh toán cho giá trị khối lượng hoàn thành. Thậm chí có trường hợp hoàn thành toàn bộ gói thầu mới được thanh toán.

Một nguyên nhân khác nữa, theo Bộ KH&ĐT, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù,... Đây là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm còn do công tác tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập. Cụ thể, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, năng lực chuyên môn cán bộ quản lí dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thiếu minh bạch, thiếu công bằng. Điều này khiến người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường,...

Nguyên nhân thứ năm phải kể đến, đó là Bộ KH&ĐT nhận thấy, kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án phụ thuộc vào kế hoạch vốn, nghĩa là phụ thuộc vào giao kế hoạch vốn vào đầu năm và kết toán cuối năm. 

Đặc biệt, nhiều gói thầu được phê duyệt kế hoạch đấu thầu đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và kí hợp đồng, theo đó, việc tạm ứng vốn hợp đồng hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm.

Một phần nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm còn nằm ở tâm lí ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm.

Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên Bộ chỉ ra một số nguyên nhân khác xuất hiện ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA. 

Vì sao chỉ đạt 41% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công sau 8 tháng? - Ảnh 2.

Tiến độ của dự án có vốn vay ODA bị ảnh hưởng một phần bởi dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Hằng).

Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận. 

Đồng thời, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại thường bị kéo dài cũng là lí do dẫn đến giải ngân chậm.

Bên cạnh đó, năm 2020 là năm cuối của kì kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nên đa số đều có nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn cho các dự án để phù hợp với tình hình thực hiện từng dự án và khả năng cân đối NSNN năm 2020.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương HĐND không kịp họp để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dự kiến sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Nếu giải ngân hết 630.000 tỉ đồng thì góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ngoài ra, công tác chuẩn bị vốn nước ngoài đầu tư dự án không kĩ dẫn đến chậm thực hiện dự án cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. 

Từ đó, các yếu tố phát sinh như phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án. Nhiều các dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Đặc biệt, có nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư) và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lí để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-chi-dat-41-ke-hoach-giai-ngan-von-dau-tu-cong-sau-8-thang-20200824111123145.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/