Vì sao 'cá mập' Mark Cuban luôn né tránh Thung lũng Silicon?

Tỷ phú Mark Cuban, một người nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ lại không có cái nhìn thiện cảm về Thung lũng Silicon, nơi luôn được coi là cái nôi của ngành. Có rất nhiều lý do khiến ông "không ưa" Thung lũng Silicon, và một trong số đó là "sự kiêu căng" của nhiều CEO tại đây.

Tỷ phú Mark Cuban là người đã xây dựng thành khối phần lớn giá trị khối tài sản ròng của mình trong thế giới công nghệ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ông tôn thờ Thung lũng Silicon, nơi luôn được coi là cái nôi của ngành công nghệ trên toàn cầu, theo CNBC Make It.

Mark Cuban, người được biết đến nhiều hơn với vai trò là một “cá mập” (Shark) trên sóng chương trình Shark Tank của đài ABC, đã nỗ lực để giúp các khoản đầu tư của mình tránh xa trung tâm công nghệ tại California, theo chia sẻ với người dẫn chương trình Bill Maher trong một tập gần đây của podcast “Club Random”. California có thuế cao hơn và các quy định nghiêm ngặt hơn Texas, nơi Mark Cuban ở.

Tuy nhiên, vị tỷ phú người Mỹ cho biết ông cũng không thể chịu đựng được văn hóa của “những người đồng nghiệp trong ngành công nghệ” đang hoạt động tại Thung lũng Silicon, nơi đặt trụ sở của hàng loạt doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới.

″Những người đồng nghiệp trong ngành công nghệ tại Thung lũng Silicon, không phải tất cả, nhưng nhiều người có thái độ tự phụ, kiêu căng. Điều này giống như kiểu: “Chúng tôi là những người thông minh hơn. Chúng tôi đã tốt nghiệp Harvard, MIT, làm trong lĩnh vực công nghệ ở nơi tốt nhất thế giới”. Chính vì vậy, tôi đã làm tất cả những gì có thể để giữ cho các khoản đầu tư của mình tránh xa Thung lũng Silicon”, tỷ phú Mark Cuban cho biết.

Mark Cuban cho rằng nhiều doanh nhân công nghệ tại Thung lũng Silicon quá kiêu căng. (Ảnh: CNBC Make It).

Mark Cuban, người đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 6,25 USD, theo Bloomberg Billionaires Index, đã xây dựng khối tài sản công nghệ của riêng mình ở Texas. Công ty tư vấn máy tính MicroSolutions của ông, được bán cho CompuServe với giá 6 triệu USD vào năm 1990, có trụ sở tại Dallas.

Công ty thứ hai của ông, nền tảng phát thanh internet Broadcast.com, cũng có trụ sở tại Dallas trước khi được Yahoo mua lại với giá 5,7 tỷ USD vào năm 1999, qua đó giúp ông sở hữu khối tài sản ròng khổng lồ.

Ngày nay, Mark Cuban không phủ nhận thành công của các công ty công nghệ có xuất phát điểm từ Thung lũng Silicon như Apple, Meta, Alphabet và PayPal. Thay vào đó, ông coi sức hấp dẫn của Thung lũng Silicon đang được đánh giá quá cao so với thực tế.

“Có rất nhiều nguồn vốn sẵn có nằm ở Thung lũng Silicon, vì vậy mọi người chạy theo tiền. Tuy nhiên, sự tự phụ, thái độ, kỳ vọng và sự kiêu ngạo - giống như, đó chỉ là một công việc kinh doanh, đã tồn tại ở đó. Bạn có thể giỏi ở bất cứ đâu trên thế giới”, tỷ phú người Mỹ cho biết.

Quan điểm của Mark Cuban thực tế không phải là mới. Trong một tập podcast “Recode Decode” năm 2019, ông lập luận rằng việc xây dựng các công ty công nghệ bên ngoài Thung lũng Silicon thực sự có lợi cho các doanh nhân vì họ không phải cạnh tranh để giành các nguồn lực.

Ông cũng không phải là tỷ phú duy nhất muốn xây dựng các doanh nghiệp công nghệ mới bên ngoài Thung lũng Silicon. Ví dụ, Melinda French Gates muốn sử dụng công ty đầu tư Pivotal Ventures của mình để giúp phụ nữ bắt đầu kinh doanh có thể phát triển độc lập từ Thung lũng Silicon, cô nói với tạp chí Fortune vào năm ngoái.

Theo Forbes, để tái tạo Thung lũng Silicon hoặc thay đổi nó sẽ vô cùng khó khăn. “Khi các bạn bắt đầu một mô hình mới với quan điểm tương tự, thì chúng tôi không nghĩ bạn sẽ sao chép mô hình cũ mà chúng tôi đã nhìn thấy ở Thung lũng Silicon”, theo Forbes.

Thực tế, trong năm 2022 vừa qua, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Thung lũng Silicon đã giảm xuống phần nào. Chẳng hạn, nhiều nhà sáng lập công nghệ tại Thung lũng Silicon từng được ca ngợi là những người có tầm nhìn xa trông rộng, nhưng họ lại không thể dự đoán trước được những thứ xảy ra trong năm 2022 có ảnh hưởng lớn tới ngành công nghệ như thế nào. 

 Kết quả, giá cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ lao dốc, hàng chục nghìn nhân viên bị sa thải. Ngay cả những gã khổng lồ công nghệ như Amazon và Meta (công ty mẹ Facebook) cũng không tránh khỏi xu hướng chung này. 

Ở thời điểm hiện tại, “nỗi đau” mà Thung lũng Silicon và những người làm việc trong ngành công nghệ phải gánh chịu dường như chưa đi tới hồi kết. Chẳng hạn, trong bản ghi nhớ tại Amazon, CEO Andy Jassy cho biết việc sa thải tại công ty, được báo cáo với tổng số khoảng 18.000 vị trí, sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023.  

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-ca-map-mark-cuban-luon-ne-tranh-thung-lung-silicon-202324161324347.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/